Tiếng Việt | English

07/02/2018 - 14:54

Nhật ký hành trình vượt biển thăm, chúc tết nhà giàn DK1

Bài 3:Bám biển, hy sinh trên biển

Trên chuyến tàu vượt sóng ra trùng khơi, chúng tôi được nghe các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) công tác ở Tiểu đoàn DK1 kể rất nhiều về biển, nhà giàn và những người đang bám biển làm việc tại đây, trong đó có cả sự hy sinh. Cũng trong hành trình này, chúng tôi vinh dự được dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc khi đang làm nhiệm vụ tại các nhà giàn DK1.

Thắp nén hương thành kính các liệt sĩ nhà giàn hy sinh trên biển

Mãi gọi tên các anh

Mở đầu câu chuyện, Đại tá Nguyễn Quốc Văn kể: “Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn mới, ngày 05/7/1989, Chính phủ quyết định thành lập Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (nhà giàn DK1). Gần 30 năm qua, các thế hệ CBCS hải quân, trực tiếp là CBCS Tiểu đoàn DK1 Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân gác lại những tình cảm và bao dự định để ra đây làm nhiệm vụ trong điều kiện vô vàn khó khăn, khắc nghiệt. Trong đó, có những người mãi mãi nằm xuống khi đang làm nhiệm vụ, đất nước vẫn mãi gọi tên các anh”.

Những người nằm xuống mà Đại tá Văn nói đến đó chính là sự hy sinh cao cả của CBCS nhà giàn DK1/3 Phúc Tần khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam biển Đông đêm ngày 04, rạng sáng ngày 05/12/1990. Dưới sự chỉ huy của Trung úy, Trạm trưởng - Bùi Xuân Bổng và Thượng úy, Trạm phó Chính trị - Trần Hữu Quảng, các anh gồng mình chống chọi với cơn bão dữ. Song, bão mỗi lúc một mạnh, nhà giàn bị quật đổ, cả 8 CBCS rơi xuống biển, bị những con sóng dữ cuốn trôi và 3 đồng chí: Thượng úy Trần Hữu Quảng, Thượng úy Trần Văn Là, chiến sĩ Hồ Văn Hiền hy sinh. Càng cảm động khi chúng tôi được nghe câu chuyện Thượng úy Trần Hữu Quảng nêu cao vai trò người Bí thư Chi bộ, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ, gió lớn. Cận kề giữa sự sống và cái chết, anh nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất rồi thanh thản... ra đi.

Đại tá Nguyễn Quốc Văn - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân, chủ trì làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ

Hay tấm gương anh dũng hy sinh của CBCS nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên trong cơn bão số 8, năm 1998. Nhà giàn bị rung lắc dữ dội nhưng các anh vẫn kiên cường bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm chống chọi với cơn bão. Sóng to, gió lớn, nhà giàn đổ, cả 9 CBCS bị hất tung xuống biển. Lực lượng cứu hộ làm hết sức mình nhưng 3 CBCS, quân nhân chuyên nghiệp là Đại úy, Trạm trưởng - Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Chuẩn úy Nguyễn Văn An anh dũng hy sinh.

Chuẩn úy Nguyễn Văn An ra đi để lại người vợ trẻ với đứa con nhỏ mới chào đời chưa kịp biết mặt cha. Còn Chuẩn úy Lê Đức Hồng vẫn cố gắng đến cùng để giữ liên lạc với sở chỉ huy nhưng khi biết nhà giàn DK1/6 không thể trụ vững, trước lúc đổ sập, anh vẫn kịp gửi lời chào qua sóng liên lạc với câu nói: “Vĩnh biệt đất liền, chúng tôi đi đây!”... Và vẫn nhớ, mãi mãi nhớ tấm gương dũng cảm của Thượng úy Phạm Tảo, Thượng úy Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền, Dương Văn Bắc, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ tại các nhà giàn...

Sáng ngày 25/01, sau khi chuyển hàng, quà tết lên nhà giàn DK1/18 và DK1/7 theo lệnh của trưởng đoàn công tác, tàu 264 thả neo giữa vùng biển Phúc Tần trên thềm lục địa phía Nam làm lễ tưởng niệm liệt sĩ nhà giàn hy sinh qua các thời kỳ. Con tàu nghiêng phải, nghiêng trái vì những con sóng lớn vỗ vào thân. Tất cả thành viên đứng trên phải mạn tàu lần lượt thắp nén nhang thơm, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ.

Nhà giàn DKI hôm nay đứng vững vàng giữa trùng khơi sóng, gió

Cuộc gọi từ đất liền

“... Cho cha gửi lời thăm hỏi, chúc tết đến các anh em chiến sĩ nhà giàn nơi đầu sóng, ngọn gió. Con hãy khắc ghi lời cha dặn “dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào cũng cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Mỗi người có một nhiệm vụ riêng, trong đó có những hào hùng và cả sự hy sinh, con hãy sống, làm việc sao cho xứng đáng! Tết sum vầy đang đến gần, năm nay, cha, con không gặp nhau nhưng cha luôn nhớ con nhiều lắm! Con hãy gác nỗi niềm để làm việc thật tốt. Chúc con mạnh khỏe, ấm áp, thắm tình, đoàn kết giữa biển khơi, trên nhà giàn DK1. Vững tin lên con nhé!”.

(Trích cuộc nói chuyện qua điện thoại mà người cha từ đất liền gọi cho người con là chiến sĩ đang theo tàu 264 ra nhà giàn làm nhiệm vụ).

Hòa vào sóng, nước biển khơi

Thế rồi, tất cả rưng rưng khóe mắt khi nghe lời tưởng niệm của Đại tá Nguyễn Quốc Văn - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, qua micro: Xin bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc tới các liệt sĩ anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi trẻ, cuộc đời và sự nghiệp cho Tổ quốc thân yêu. Vào thời khắc giữa sự sống và cái chết, các CBCS tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội, quân chủng anh hùng. Xin cúi đầu trước một cái chết để muôn ngàn lần sống, một cái chết rực khí phách kiên cường, sáng lên lòng quả cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội trong trắng, thủy chung, sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới. Một cái chết nhưng biển trời, thềm lục địa thì vẫn mãi khắc ghi tên các anh. Chúng tôi vẫn nhớ về các anh - tấm gương chiếu soi cho thế hệ CBCS nhà giàn.

Đại tá Văn tiếp tục: Hôm nay, giữa biển trời thềm lục địa Tổ quốc, chúng tôi xin nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin, lý tưởng của thế hệ đi trước để đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Một vòng hoa với dòng chữ “Đời đời ghi nhớ các anh hùng liệt sĩ” và những hoa cúc vàng được các thành viên trên tàu thả xuống lòng đại dương trôi dập dềnh theo những con sóng lớn. Phóng viên Trương Xuân Cảnh (Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk) bùi ngùi: “Chuyến đi này, tôi không chỉ được hiểu biết hơn về đời sống, nhiệm vụ của các chiến sĩ nhà giàn DK1 mà còn biết thêm những hy sinh thầm lặng nơi biển cả. Đây là chuyến đi tác nghiệp vô cùng ý nghĩa, xen lẫn nhiều cảm xúc”.

Trên mạn tàu lúc đó, tôi chợt nhìn thấy Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh - Phó Tiểu đoàn trưởng DK1, thẫn thờ nhìn theo những con sóng. Hỏi ra, tôi mới biết, ông có 14 năm gắn bó trên các nhà giàn DK1. Chính ông là người có mặt gần với nhà giàn DK1/6 khi bị đổ sập vào năm 1998. Đêm đó, ông đang làm nhiệm vụ ở một nhà giàn khác chỉ cách đó khoảng 8 hải lý (1 hải lý hơn 1,8km) và phải chống chọi quyết liệt với bão, qua thông tin, ông biết nhà giàn DK1/6 đổ sập. “Trên biển, việc tiếp cận, cứu nhau rất khó, huống chi là đêm bão tố nên chúng tôi cố gắng dùng đèn chiếu rọi về phía nhà giàn đang gặp nạn để các đồng đội thấy hướng đèn, cố gắng bám trụ trên vùng biển, không trôi lạc xa, chờ tàu đến cứu nhưng rồi trong đêm bão tố đó, có những chiến sĩ mãi mãi nằm xuống” - Trung tá Mạnh nhớ lại.

Trung tá Mạnh nói, bây giờ, mình về đất liền công tác nhưng vẫn thường xuyên ra biển, ra nhà giàn và lần nào dự lễ tưởng niệm liệt sĩ hy sinh thì ký ức cũng ùa về; nhất là thời điểm tết cận kề, nỗi nhớ thương đồng đội lại càng da diết! Sau lễ tưởng niệm, đêm hôm đó, dù đã khuya nhưng khi thức dậy vào lúc 1 giờ sáng, tôi vẫn thấy ông ngồi trầm ngâm. “Gương hy sinh của các CBCS nhà giàn qua các thế hệ trở thành biểu tượng cao đẹp. Sự ra đi của các anh thật vinh quang nhưng để lại nỗi nhớ, niềm đau khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ, con. Có lẽ bây giờ, như thói quen, những người thân vẫn nép sau cánh cửa chờ các anh về” - Trung tá Mạnh nói với tôi bên bàn trà chỉ có 2 người và ngoài đêm khuya, con sóng lớn vẫn vỗ ầm ầm vào mạn tàu.

Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi gặp Trung tá Dương Văn Hoan - Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/21 - người có hơn 20 năm làm việc, cống hiến ở các nhà giàn DK1. Trung tá Hoan là nhân chứng sống của đêm bão tố nhà giàn bị đổ sập xuống biển năm xưa và trôi trên biển suốt 3 ngày, đêm mới được đồng đội tìm thấy. Khi nhắc đến đồng đội, Trung tá Hoan xúc động: “Tôi may mắn hơn những đồng đội vì còn sống để tiếp tục làm việc ở nhà giàn. Dù trải qua bao nhiêu năm tháng đi nữa đồng đội vẫn luôn trong trái tim tôi”.

Trong cuộc gặp nhanh trên nhà giàn, Trung tá Hoan tặng tôi một lá cờ Tổ quốc (cờ sử dụng treo ở nhà giàn) mang về đất liền làm kỷ niệm và tự hào nói: “Chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn, luôn đoàn kết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước, nhân dân giao để cờ Tổ quốc mãi phấp phới tung bay trên nhà giàn lộng gió, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc!”./.

Lê Đức

(viết từ tàu Hải quân 264)

Kỳ tiếp: “Hồi sinh”  những vườn rau sạch

Chia sẻ bài viết