Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Chăn nuôi an toàn sinh học: Từng bước giải quyết khó khăn

Bài 3: “Loay hoay” tìm đầu ra

Giá cả bấp bênh, dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường ngày càng cao,... là những yếu tố đòi hỏi nông dân phải có sự thay đổi, chuyển biến trong nhận thức, phương pháp chăn nuôi. trong đó, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) là một trong những biện pháp cấp thiết, hướng nông dân vào khuôn khổ, chuyên nghiệp hơn từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến vận chuyển, buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, việc áp dụng ATSH thời gian qua cũng gặp một số khó khăn chưa thể giải quyết triệt để, nhằm hướng tới nền chăn nuôi theo hướng bền vững trong tương lai,...

Người nuôi heo sạch vẫn còn khá băn khoăn với các quy định khắt khe trong hợp đồng từ đối tác

 

Gia súc-gia cầm (GS-GC) được nuôi theo quy trình ATSH là sản phẩm sạch, chất lượng bảo đảm so với các sản phẩm khác trên thị trường. tuy nhiên, thời gian qua, các hộ chăn nuôi ATSH cũng còn “loay hoay” với bài toán đầu ra do vẫn phải bán cho thương lái tự do như các hộ chăn nuôi thông thường vì chưa có sự phân biệt các sản phẩm này với nhau,...

Anh Trần Tiết Giao (ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) chia sẻ: “Tôi đã đạt chứng nhận chăn nuôi VietGAHP nông hộ từ năm 2013. Trung bình mỗi năm, tôi cung cấp cho thị trường hơn 10 tấn gà thịt. Bản thân tôi cũng như những hộ chăn nuôi theo hướng ATSH khác đều tự thỏa thuận, bán cho thương lái chứ chưa có sự liên kết nào. Gà của gia đình tôi hay những hộ thuộc dự án (DA) khi bán ra thị trường không có dấu hiệu gì để nhận biết sự khác biệt so với gà nuôi truyền thống. Do đó, giá cả vẫn như nhau.

Trong khi đó, khi tham gia nuôi gà sạch theo hướng ATSH, chúng tôi phải thực hiện rất nhiều quy định khắt khe, đòi hỏi nhiều công sức, chi phí từ chuồng trại đến chăm sóc”.

Thời gian qua, Sở Công Thương đã làm cầu nối tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động này nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp và tìm đầu ra cho các cơ sở chăn nuôi GS-GC, trong đó có các hộ chăn nuôi theo hướng ATSH. Cụ thể, với gia cầm, Cty TNHH Ba Huân đã làm việc với các hộ chăn nuôi gà đẻ trứng trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc nhằm góp phần giải quyết tìm đầu ra, giúp người dân an tâm sản xuất.

Ngoài ra, sở cũng tổ chức cho 38 trưởng nhóm và đại diện một số hộ chăn nuôi có qui mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAHP đến làm việc trực tiếp với Cty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan tại TP.HCM nhằm thống nhất phương án tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, với vấn đề tiêu thụ heo sạch của Vissan, nhiều nông dân cũng còn “băn khoăn” với các điều kiện của Cty. Vissan có các yêu cầu rất kỹ về chất lượng heo, (không bệnh, không ký sinh trùng, bệnh ngoài da,…), phân loại heo (loại 1 từ 80-110kg, loại 2 từ 110.5-115kg và loại 3 dưới 80kg và trên 115kg), không tồn dư kháng sinh, phải được “cắt cám” trong một khoảng thời gian nhất định, đồng thời thực hiện chuyển khoản sau khi giao dịch,…

Các hộ chăn nuôi dù rất phấn khởi với cam kết về giá do phía doanh nghiệp đưa ra nhưng vẫn còn e dè với một số quy định khó thực hiện. Anh Phạm Văn Mỹ (ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) cho rằng: “Phía Cty yêu cầu chúng tôi khi xuất chuồng phải tự chuyên chở lên Cty thu mua, người chăn nuôi tự chịu chi phí. Như vậy, đối với những hộ nuôi ít, khó tập trung để giao hàng. Ngoài ra, với yêu cầu cho heo nhịn đói từ ngày hôm trước cũng khó thực hiện. Bởi vì khi giao heo đến nơi thì heo sẽ hao hụt trung bình 1-2kg. Tôi hy vọng Cty sẽ cử người đến cân tận nơi, người chăn nuôi cũng đỡ lo vì heo sụt ký”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Trưởng nhóm GAHP ấp 5, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ), giá mua của Vissan cao hơn thị trường tự do bên ngoài, do đó sẽ ổn định hơn nếu hợp tác lâu dài. Tuy nhiên, người chăn nuôi lại phải tự chịu phí vận chuyển, công bắt heo. Hơn nữa, trong quá trình vận chuyển, lỡ như heo gặp sự cố, chết dọc đường thì phải tính theo giá hạ phẩm. Giá như có một điểm tập trung thu mua, đại diện làm việc với doanh nghiệp thì người dân sẽ yên tâm hơn, mạnh dạn hợp tác với Cty.

Tương tự, với gia cầm, tại buổi kết nối doanh nghiệp vào tháng 8-2014 tại Tân Trụ, đại diện Cty TNHH Ba Huân và Cty TNHH San Hà đều đồng quan điểm sẵn sàng bao tiêu sản phẩm của người chăn nuôi nhưng không thể gặp từng hộ dân để mua riêng lẻ. Người chăn nuôi cần liên kết, có đại diện để làm việc, định hướng phát triển con giống, hình thức chăn nuôi cũng như cách thức thu mua, ký hợp đồng với Cty để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.

Thật ra, các yêu cầu của những doanh nghiệp thu mua là hoàn toàn phù hợp với tiêu chí sản xuất của họ. Chẳng hạn, phía Vissan muốn heo phải được nhịn đói vì tránh cho heo “sốc” trong quá trình vận chuyển, dễ chết dọc đường đi. Do thói quen chăn nuôi, các hộ nông dân có khi đến lúc thương lái đến thu mua vẫn tiếp tục cho ăn để tăng trọng lượng,...

Do đó, những quy định này chưa hẳn là “khắt khe”. Khi chấp nhận ra thị trường lớn, hướng đến nền chăn nuôi chuyên nghiệp, giá cả ổn định lâu dài, nông dân cần tập làm quen với các yêu cầu từ đối tác. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - Liêu Trung Nguơn, sau khi DA kết thúc giai đoạn 1 (tập trung hướng người dân phương pháp chăn nuôi theo hướng ATSH từ năm 2012 đến 2015) hướng tới dự kiến có thể kéo dài giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2018.

Trong giai đoạn này, DA sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá đến các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm GS-GC và người tiêu dùng biết đến các sản phẩm sạch, tốt, an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, DA cũng nhanh chóng giải quyết “bài toán” đầu ra bằng việc thúc đẩy hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã đại diện nông dân ký kết cùng các doanh nghiệp. Từ đó, quy trình trao đổi, mua bán được thuận tiện, nhanh chóng hơn, giảm thiểu được sự “nhiêu khê” để người chăn nuôi an tâm sản xuất, phát triển ngành chăn nuôi ổn định, bền vững.

NGUYỆT NHI-PHẠM NGÂN

 

Chia sẻ bài viết