Tiếng Việt | English

16/12/2021 - 10:05

Bạn thân là...

Ai cũng có riêng cho mình những người bạn thân để chia sẻ vui, buồn trong cuộc sống. Ở tuổi học trò, tình bạn lại càng thân thiết hơn bao giờ hết bởi độ tuổi mới lớn có những nỗi lòng thầm kín không thể chia sẻ cùng cha mẹ, thầy cô, lúc này, người bạn thân sẽ trở thành “quân sư” lắng nghe, tư vấn những lời khuyên. Vậy bạn thân là gì? Hãy cùng đến với tâm sự của các bạn về những người bạn thân bên cạnh mình.

“Chuyên gia tư vấn tình cảm nhưng lại chưa có một mảnh tình vắt vai” là câu nói đầu tiên của Xuân Yến (học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) khi nói về cô bạn thân của mình. Xuân Yến và Mai Phương chơi thân với nhau từ lúc học cấp 2. Nhà gần nhau nên mỗi khi rảnh rỗi, Yến lại qua nhà Phương chơi. Mọi chuyện vui, buồn trong học tập và các mối quan hệ bạn bè, Yến và Phương đều chia sẻ với nhau.

Yến nhớ, năm lớp 10, khi rung động trước một bạn nam khác lớp, chính Phương đã tư vấn và chọn quà để Yến tặng bạn ấy nhân ngày sinh nhật. Tình cảm đầu đời không được đáp lại, Yến hụt hẫng. Lúc này, Phương luôn bên cạnh động viên và cho những lời khuyên bổ ích. Có lần vô tình gặp bạn nam ấy tại nhà sách, thấy Yến bối rối và lúng túng, Phương đứng ra “giải vây” kịp thời. 

Hôm đó, Phương dành hơn 2 giờ đồng hồ để lê la trà sữa cùng bạn, nghe Yến tâm sự. Nghe kể đến đây, chắc sẽ có nhiều bạn nghĩ Phương rất tâm lý và có kinh nghiệm trong chuyện tình cảm nhưng thật ra Phương chưa từng có bạn trai và cũng chưa trải qua cảm xúc rung động trước một ai đó. Tất cả những kinh nghiệm để cô bạn trở thành “quân sư” đều đọc từ sách, báo, nhất là truyện dành cho tuổi mới lớn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Khi được hỏi có bao giờ giận nhau chưa, Phương vui vẻ trả lời: “Giận nhau như cơm bữa”. Có những lý do rất trẻ con như có hôm tan trường, Phương ra cổng trước, đợi hoài chưa thấy Yến, thế là giận! Giận đó rồi lại huề đó, 2 cô bạn đã đồng hành cùng nhau mấy năm nay và ước mơ của cả 2 là vào được Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. “Nếu cả 2 đều vào được đại học, chúng mình sẽ thuê phòng trọ chung và chở nhau đi học” - Mai Phương chia sẻ.

Vừa rồi, chị Hà An khá bất ngờ khi con trai đang học lớp 4 nói: “Lúc trước, con thích đi chơi với cha mẹ nhưng giờ con lớn rồi, muốn chơi với bạn hơn”. Lúc nào chị cũng nghĩ con còn nhỏ, luôn cần có cha mẹ bên cạnh nên khi nghe con nói thế, chị khá bất ngờ. Tối đó, chị lên mạng tìm hiểu về tâm lý của trẻ và cách ứng xử của cha mẹ có con trong độ tuổi này. Suốt khoảng thời gian tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19, con chị xin phép được tạo tài khoản Zalo để nói chuyện với các bạn. Để hạn chế việc con tiếp xúc nhiều với thiết bị số, chị cài đặt giới hạn thời gian sử dụng mỗi ngày.

Có lần, chị nghe con nói chuyện điện thoại với bạn: “Mình ghét mẹ mình, đâu phải lúc nào sử dụng điện thoại cũng là chơi game, nhiều lúc mình muốn điện thoại cho bạn, mẹ cũng không cho”. Lần khác, chị nghe con tâm sự với bạn: “Chị mình xin mua món đồ gì cũng được, còn mình xin thì mẹ không cho. Mẹ thương chị hơn thương mình”. Nghe những lời tâm sự của con với bạn, chị mới hiểu được con đang nghĩ gì và có cách cư xử khác hơn với con.

Chị chia sẻ: Con đã lớn nên cha mẹ cần có cái nhìn khác, không áp đặt con làm theo ý mình. Con cần có thế giới riêng của con. Đó là những người bạn đồng trang lứa có thể chia sẻ với con. Mình sẽ để con tự do làm theo ý con nhưng vẫn trong vòng kiểm soát của cha mẹ, nhất là phải quan sát xem con chơi với bạn nào và thường trò chuyện những gì. Kiểm soát con để biết chứ không phải để can thiệp vào những mối quan hệ bạn bè của con”.

Ai cũng có những người bạn thân và bạn thân là một thế giới nhỏ đối với tuổi mới lớn để các bạn có thể chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Trên thực tế, đã có những tình bạn xuất phát từ tuổi học trò và bền chặt theo thời gian, mãi đến 40-50 năm sau. Và những người bạn thân luôn động viên, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống./.

Hoàng Oanh

Chia sẻ bài viết