Tiếng Việt | English

31/01/2021 - 10:05

Bánh phồng Mỹ Lệ vào xuân

Mỗi độ tết đến, xuân về, người dân xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An lại rộn ràng tiếng chày, quết bánh phồng phục vụ thị trường tết. Đây là nghề truyền trống lâu đời và cũng là một nét văn hóa đặc trưng trong dịp Tết cổ truyền của người dân nơi đây.

Bánh phồng Mỹ Lệ vào mùa phục vụ thị trường tết

Bánh phồng Mỹ Lệ vào mùa phục vụ thị trường tết

Bánh phồng Mỹ Lệ được làm từ 2 nguyên liệu chính là khoai mì và nếp, ngoài ra, còn có thêm đường cát trắng và nước cốt dừa để tạo độ ngọt và béo cho bánh. Làm bánh phồng tốn nhiều công sức, bởi để có được một cái bánh thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, từ củ khoai mì, người thợ đem gọt vỏ, hấp lên cho chín. Sau đó, loại bỏ xơ ở giữa, đem xay thành bột.

Kế tiếp, người thợ dùng bột này ngào chung với đường, sữa, mạch nha,… cho đến khi bột mịn rồi mới đem tráng mỏng, sau đó đem phơi cho bánh dẻo. Cuối cùng là đóng gói bảo quản.

Gia đình ông Huỳnh Văn Phụ, ngụ ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, có 3 thế hệ gắn bó với nghề làm bánh phồng. Nghề truyền thống này đã đến với ông từ khi còn rất nhỏ. "Hơn 10 năm trở về trước, nghề làm bánh phồng ở Mỹ Lệ rất hưng thịnh, người dân làm quanh năm mà không đủ để giao cho khách. Nhưng giờ đây, nghề này chỉ còn rất ít hộ làm và hầu như chỉ làm vào tháng Chạp để phục vụ thị trường tết. Nghề này rất khó học, nhất là phần trộn nguyên liệu và cán bánh. Muốn bánh mỏng, chín đều khi nướng phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người thợ" - ông Phụ nói.

Tết này, mỗi ngày, gia đình ông Phụ làm 1.000 cái bánh phồng các loại, bán với giá 200.000-300.000 đồng/100 bánh, tùy vào kích thước và loại bánh nếp hay bánh bột mì. Được biết, ngoài số bánh làm theo đơn đặt hàng của khách, ông Phụ còn làm thêm một số bánh phồng để bán tại nhà. Mỗi mùa tết, gia đình ông kiếm thêm được từ 10-15 triệu đồng.

“Một ngày của những người làm nghề bánh phồng khá vất vả khi phải thức đêm lẫn ngày làm bánh và phơi bánh. Ngoài ra, muốn bánh ngon thì nếp làm bánh phải là nếp tốt, không lẫn gạo. Nếp đem ngâm, xôi rồi quết thật mịn, trộn với đường cát, dừa, sau đó đem cán và phơi. Tuy vất vả nhưng mùa tết là mùa vui của các lò bánh phồng còn lại tại địa phương” - ông Phụ nói thêm.

Những dịp tết, bánh phồng được người dân chọn lựa như một loại quà biếu. Thông thường, những ngày giáp tết, bánh phồng sẽ được các thương lái đầu mối từ TP.HCM, Bình Dương,... tìm đến đặt hàng. Tuy nhiên, theo những hộ làm bánh phồng tại Mỹ Lệ chia sẻ, năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên số lượng đơn hàng được đặt đã giảm gần 50% so với mọi năm.

Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Lệ - Nguyễn Văn Anh, nghề làm bánh phồng là nghề truyền thống lâu năm của nhiều gia đình trên địa bàn xã. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề này dần bị mai một và chỉ khi tết đến, xuân về thì nghề này mới lại “thức giấc”. Hiện tại, Mỹ Lệ chỉ còn khoảng 5 hộ làm bánh phồng bán tết với số lượng trung bình từ 1.000 bánh trở lên.

Bánh phồng Mỹ Lệ có hương vị rất riêng và được nhiều khách hàng lựa chọn. Bởi, bánh phồng không chỉ là món ẩm thực dân dã ngày xuân mà còn là nét đặc trưng của con người và vùng đất nơi đây./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết