Tiếng Việt | English

01/05/2025 - 09:45

Những người 'giữ hồn' văn học, nghệ thuật

Từ những dòng văn mộc mạc mang hơi thở đồng quê đến những bức tranh sống động ghi lại nhịp sống đương đại, từ giai điệu cải lương thấm đẫm hồn dân tộc đến những vở kịch lay động lòng người, nền văn học - nghệ thuật Long An đang ngày càng khẳng định dấu ấn riêng, đầy bản sắc trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Góp phần làm nên diện mạo ấy là những văn nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, cống hiến lặng thầm nhưng mãnh liệt bằng tình yêu quê hương và trách nhiệm xã hội.

Nghệ sĩ Nhân dân Hồ Ngọc Trinh luôn hết mình với những vai diễn cải lương

Nghệ sĩ nhân dân hồ ngọc Trinh - người “giữ lửa” cải lương Long An

Đối với khán giả mộ điệu cải lương Long An, cái tên Hồ Ngọc Trinh đã trở thành biểu tượng của sự đằm thắm, tài hoa và thủy chung với sân khấu. Từ cô gái nhỏ lớn lên giữa vùng quê Mộc Hóa bình dị, Hồ Ngọc Trinh trở thành Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) và là một trong số ít NS cải lương trẻ tuổi được vinh danh bằng danh hiệu cao quý này.

Không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng từ thuở thiếu thời, NSND Hồ Ngọc Trinh bị mê hoặc bởi những câu vọng cổ phát trên làn sóng phát thanh và truyền hình, có thể ngồi hàng giờ bên chiếc radio, mắt đắm đuối, tâm hồn như hòa vào từng lời ca, câu hát. Cơ duyên đến khi mới 14 tuổi, Ngọc Trinh bắt đầu đi hát để phụ giúp gia đình, rồi theo lời khuyên của người chú vốn là tài tử đờn, chị thử sức với cải lương và nhanh chóng nhận ra đam mê cháy bỏng dành cho loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Với chất giọng trời phú và tinh thần học hỏi không ngừng, Ngọc Trinh dần hình thành cho mình một “chất riêng” đầy cảm xúc, bản lĩnh và truyền cảm. Năm 2001, chị đoạt giải Nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình do Đài Phát thanh và Truyền hình Long An (nay là Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An) tổ chức. Thành công đó cũng là cánh cửa đầu tiên dẫn chị về với Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, nơi chị chính thức bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nghệ sĩ Nhân dân Hồ Ngọc Trinh luôn hết mình với những vai diễn cải lương

Chọn gắn bó lâu dài với Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An khi còn rất trẻ, NSND Hồ Ngọc Trinh xem sân khấu như mái nhà thứ hai. Mỗi vai diễn, dù lớn hay nhỏ, chị đều hóa thân bằng cả tâm hồn. Với chị, “được sống nhiều cuộc đời khác nhau trên sân khấu” chính là hạnh phúc. Nhờ khả năng diễn xuất nội tâm sâu sắc và sự tận tụy với nghề, chị dễ dàng “cân” mọi dạng vai từ đào thương dịu dàng đến những nhân vật có chiều sâu tâm lý như Thái hậu Dương Vân Nga oai nghiêm, giằng xé hay nữ anh hùng Nguyễn Thị Một kiên cường, nhân hậu.

Hãy giữ cái tâm sáng, rèn cái tài giỏi, trau dồi trí tuệ và có nội lực vững vàng - đó là hành trang vững chắc để đi đường dài với nghề.

Nghệ sĩ Nhân dân Hồ Ngọc Trinh

NSND Hồ Ngọc Trinh chia sẻ: “Vai diễn để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất chính là Nguyễn Thị Một trong vở Cuộc đời của mẹ. Đó không chỉ là một vai diễn mà là cơ hội để tôi sống lại ký ức dân tộc, được hóa thân thành một người mẹ, một nữ chiến sĩ đầy khí phách của miền Nam yêu nước”.

Không chỉ nổi bật trên sân khấu, NSND Hồ Ngọc Trinh còn là người “giữ lửa” cho cải lương Long An. Hiện là Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, chị luôn đặt tâm huyết vào việc nâng cao chất lượng vở diễn, đào tạo NS trẻ và tìm cách đưa cải lương đến gần hơn với đời sống nhân dân. Những vở diễn như Bên dòng Long Khốt (năm 2021) hay Người con của rừng tràm (năm 2024) đều giành giải cao tại Liên hoan Cải lương toàn quốc. Không dừng lại ở đó, chị tạo điều kiện để các NS trẻ tỏa sáng, nhờ vậy mà nhiều diễn viên của Đoàn giành huy chương tại nhiều cuộc thi. “Tôi luôn tin rằng tình yêu với sân khấu không đến từ sự hào nhoáng mà từ những lần tập đêm đến khuya, những giọt mồ hôi sau cánh gà và ánh mắt rưng rưng của khán giả sau một vở diễn cảm động. Cải lương cho tôi cuộc sống, lý tưởng sống và cơ hội được sống nhiều cuộc đời trên sân khấu. Với các bạn trẻ đã, đang và sẽ theo nghề cải lương, tôi chỉ gói gọn trong 4 chữ: “Tâm - Tài - Trí - Lực”. Hãy giữ cái tâm sáng, rèn cái tài giỏi, trau dồi trí tuệ và có nội lực vững vàng - đó là hành trang vững chắc để đi đường dài với nghề” - NSND Hồ Ngọc Trinh chia sẻ thêm.

Với tôi, mọi sự vật đều có vẻ đẹp riêng nếu biết quan sát và cảm nhận bằng trái tim. Văn chương phải bắt nguồn từ đời sống thực. Và người cầm bút phải sống đủ sâu, đủ thật để viết nên những điều chân thực nhất. Giữa một nhà văn và một người lính, tình yêu chính là sợi dây kết nối. Tình yêu quê hương, tình đồng đội, tình yêu đất và người Long An chính là chất xúc tác cho mọi sáng tác của tôi.

Nhà văn Nguyễn Hội

Nhà Văn Nguyễn Hội - "Thắp lửa" văn chương nơi biên giới

Từ những trang viết mộc mạc đến những tác phẩm đậm chất đời lính và tình đất phương Nam, nhà văn Nguyễn Hội - người lính mang “quân hàm xanh” đã và đang lặng lẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn học - nghệ thuật Long An bằng chính những trải nghiệm sống động, chân thực từ cuộc đời binh nghiệp.

Nhà văn Nguyễn Hội, tên thật là Nguyễn Văn Hội, quê ở tỉnh Thái Bình, hiện là Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Vốn mê văn chương từ nhỏ, cậu học trò miền Bắc năm xưa từng say mê những trang viết trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội để rồi chính từ đó, anh tìm thấy “hai con đường” song hành trong cuộc đời là văn học và quân đội.

Nhà văn Nguyễn Hội luôn lấy những hình ảnh thực tế tại biên giới làm chất liệu để sáng tác

Sau khi tốt nghiệp Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng), anh vào công tác tại tỉnh Long An từ năm 2004, gắn bó trọn vẹn với vùng đất biên giới Tây Nam. Là sĩ quan biên phòng, công việc chuyên môn chiếm gần như trọn quỹ thời gian của anh. Những gì còn lại cho văn chương là những đêm khuya sau khi hoàn thành nhiệm vụ hay những buổi cuối tuần hiếm hoi được nghỉ ngơi. Vậy mà chính trong những khoảng lặng ấy, ngòi bút của Nguyễn Hội lại miệt mài ghi chép, lặng lẽ lưu giữ những điều đẹp đẽ của cuộc sống và con người, nhất là người lính.

Tác phẩm đầu tay Hoa đỗ quyên trên đỉnh Pha Luông được viết sau một chuyến thăm người bạn đồn trưởng tại tỉnh Sơn La đã đánh dấu bước ngoặt cho hành trình cầm bút chuyên nghiệp của anh. Hình ảnh rừng đỗ quyên nở rộ trên dốc đá giữa biên giới hiểm nguy và vẻ đẹp khốc liệt của đời lính tuần tra đã được anh khắc họa bằng tất cả sự rung cảm sâu sắc của một người trong cuộc.

Dù sinh ra ở đồng bằng Bắc Bộ nhưng hầu hết tác phẩm của nhà văn Nguyễn Hội lại viết về “Đất và người Long An”, nơi anh chọn làm quê hương thứ hai. Và thế là Làm rể miền Tây - tập tản văn được xuất bản năm 2022, không chỉ là dấu ấn cá nhân đầy cảm xúc mà còn là cột mốc vinh danh khi tác phẩm này đã mang về Giải A - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc năm 2023 do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng. Đây là lần đầu tiên sau 30 năm, một nhà văn tỉnh Long An vinh dự nhận giải thưởng cao quý này.

Chất lính, chất đời và cả chất Long An đậm đặc trong các sáng tác của Nguyễn Hội. Từ Biên cương trong màu nước - đoạt giải Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2021, đến Dòng sông lấp lánh - viết về dòng Long Khốt và những trận chiến bi hùng năm 1972, Nguyễn Hội luôn biết cách khơi dậy cảm xúc từ những điều tưởng chừng bình dị nhất. Anh không tô hồng hiện thực, cũng chẳng vẽ ra điều viển vông. Anh chỉ làm công việc “chắt lọc và lưu giữ” những điều quý giá vẫn luôn tồn tại quanh mình.

“Với tôi, mọi sự vật đều có vẻ đẹp riêng nếu biết quan sát và cảm nhận bằng trái tim. Văn chương phải bắt nguồn từ đời sống thực. Và người cầm bút phải sống đủ sâu, đủ thật để viết nên những điều chân thực nhất. Giữa một nhà văn và một người lính, tình yêu chính là sợi dây kết nối. Tình yêu quê hương, tình đồng đội, tình yêu đất và người Long An chính là chất xúc tác cho mọi sáng tác của tôi” - nhà văn Nguyễn Hội chia sẻ. NSND Hồ Ngọc Trinh hay nhà văn Nguyễn Hội không chỉ là NS mà còn là những người kể chuyện chân thành nhất về quê hương, con người Long An. Từ ánh đèn sân khấu đến trang văn lặng lẽ, họ giữ lửa đam mê, khơi nguồn cảm hứng và góp phần làm rạng rỡ văn hóa bản sắc vùng đất phương Nam./.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết