Tiếng Việt | English

22/05/2023 - 08:46

Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm - Trách nhiệm của cả cộng đồng

Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (AN, ATTP) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Vì vậy, tỉnh Long An luôn quan tâm, tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực này. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo đảm AN, ATTP lâu dài và bền vững.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm

Những năm qua, công tác bảo đảm AN, ATTP luôn nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ngành Nông nghiệp kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai công tác quản lý chất lượng, ATTP, đặc biệt là giải quyết các sự cố gây mất ATTP (năm 2022, tham mưu, xử lý 3 thông tin cảnh báo mất ATTP của thị trường xuất khẩu Trung Quốc, EU,...). Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP.

Vấn đề an toàn thực phẩm được các bếp ăn tập thể chú trọng

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 7.500 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được quản lý. Nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra công tác bảo đảm ATTP trên toàn tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, Đoàn kiểm tra chuyên ngành ATTP tuyến tỉnh thanh, kiểm tra trên 100 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó, có 6 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 9.550.000 đồng. Trong quá trình thanh, kiểm tra, đoàn công tác cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật mới được ban hành.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm từng bước được nâng lên.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thêm - chủ Cơ sở mắm tôm Hải Đăng (ấp 6, xã Phước Đông, huyện Cần Đước), chia sẻ: “Xác định ATTP là yếu tố sống còn, quyết định đến thương hiệu, uy tín và sự thành công, cơ sở luôn đặt tiêu chí bảo đảm vệ sinh, ATTP lên hàng đầu. Theo đó, cơ sở tuân thủ việc tập huấn kiến thức về ATTP, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đặc biệt là đối với các khâu trực tiếp sản xuất”.

Thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm

Tuy nhiên, hiện nay, có một số cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ (thức ăn đường phố), kinh doanh lưu động, mang tính thời vụ, không có địa điểm cố định,... gây khó khăn cho công tác quản lý. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm nhiều đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm AN, ATTP trong tình hình mới” yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường lãnh, chỉ đạo, triển khai, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm AN, ATTP; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về AN, ATTP vào chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và người dân trong bảo đảm AN, ATTP; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm AN, ATTP trên địa bàn do mình phụ trách.

Phát triển sản phẩm an toàn

Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn là một trong những giải pháp được các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực thực hiện nhằm bảo đảm ATTP. Bởi, khi xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các sản phẩm được kiểm soát ATTP ngay từ đầu vào cho đến đầu ra, bảo đảm người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng thực phẩm an toàn. Đây là hướng phát triển bền vững cho các mặt hàng nông sản, góp phần bảo đảm AN, ATTP, mang lại lợi ích lâu dài cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc

Trong 28 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của tỉnh, hiện các chuỗi rau, chanh đóng vai trò chủ lực. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) - Trần Duy Thuận, chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giúp hợp tác xã tăng uy tín và có cơ hội mở rộng thị trường. Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục mở rộng liên kết các hộ dân để cung ứng ngày càng nhiều hơn nữa nông sản an toàn ra thị trường.

Bên cạnh đó, các điểm bán hàng ATTP xuất hiện ngày càng nhiều. Tại huyện Bến Lức, hiện có nhiều cơ sở kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm,... phân bố tại các điểm dân cư tập trung, thuận lợi mua sắm trên địa bàn các xã, thị trấn như Co.opmart, San Hà Foodstore, Bách Hóa Xanh,... Qua đó, cung cấp lượng hàng hóa sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn huyện.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (khu phố 5, thị trấn Bến Lức) bày tỏ: “Để giảm nỗi lo về thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan, tôi thường mua thịt, rau tại siêu thị hoặc các điểm bán thực phẩm an toàn. Giá cả ở đây tuy cao hơn tại các chợ nhưng an tâm hơn”.

AN, ATTP là vấn đề hệ trọng, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân. Vì vậy, việc bảo đảm AN, ATTP đóng vai trò quan trọng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các ngành chức năng mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng./.

Cần đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng

Thời gian gần đây, báo, đài thông tin nhiều vụ ngộ độc thực phẩm như 3 anh em ruột tại TP.HCM bị ngộ độc do ăn chả lụa không rõ nguồn gốc hay trẻ mầm non ở Nghệ An bị ngộ độc do ăn sữa chua giáo viên tự ủ. Tôi cũng là phụ huynh nên rất lo lắng khi xem các vụ ngộ độc như vậy. Theo tôi, khâu kiểm duyệt thực phẩm tại các bếp ăn trường học phải được thực hiện nghiêm bởi cơ thể trẻ em đang trong quá trình phát triển, sức đề kháng yếu. Bên cạnh đó, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP”.

Chị Nguyễn Thị Trúc Ly (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành)

Tình trạng mất ATTP tại một số hàng quán, cơ sở kinh doanh thức ăn, đặc biệt là thức ăn đường phố tồn tại từ nhiều năm nay nhưng tôi thấy nhiều người tiêu dùng vẫn ủng hộ nhiệt tình. Để bảo vệ sức khỏe, tôi nghĩ mọi người nên hạn chế sử dụng thức ăn không bảo đảm ATTP. Ở nhà, tôi cũng giải thích cho con tôi về tác hại, hậu quả của đồ ăn vặt không có nguồn gốc, xuất xứ và hướng dẫn con mua thức ăn tại những cửa hàng có uy tín”.

Anh Trần Quốc Kiệt (phường 3, TP.Tân An)

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết