Tiếng Việt | English

29/10/2020 - 08:47

Bạo lực học đường đâu chỉ có bạo lực thân thể

Mấy ngày nay, dư luận quan tâm nhiều đến việc 2 nữ học sinh ở Đức Hòa, tỉnh Long An mới chuyển trường từ nơi khác đến bị một nhóm bạn chặn đánh bên ngoài nhà trường. Một lần nữa, bạo lực học đường (BLHĐ) được nhắc đến và đặt ra nhiều vấn đề cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

 

BLHĐ là vấn đề nhức nhối, tồn tại trong thời gian qua mà chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm. BLHĐ xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trước tiên là do gia đình chưa theo sát việc học và những mối quan hệ bên ngoài của các con. Hoặc có khi cha mẹ quá khắt khe, sử dụng “kỷ luật thép” trong giáo dục các con dẫn đến việc các em bị ức chế và sinh ra “nổi loạn”, cũng có thể do cha mẹ quá chiều chuộng dẫn đến việc các con luôn xem mình là nhất và mỗi khi không hài lòng việc gì, với tâm lý háo thắng, con lại sử dụng bạo lực. Thứ hai là do mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường chưa thực sự gắn bó. Việc trao đổi thông tin về tình hình học tập, diễn biến tâm lý của học sinh giữa giáo viên và gia đình chưa được thực hiện thường xuyên nên không nắm bắt kịp thời và kiểm soát được những hành vi chưa đúng của các con. Ngoài ra, học sinh còn chịu ảnh hưởng của mặt trái của xã hội với tác động của những clip, trang mạng mang tính độc hại, bạo lực. Với sự hiếu kỳ, các em thường tò mò xem và thực hành theo.

BLHĐ không chỉ có bạo lực về thân thể mà đó còn là sự cô lập, miệt thị đối với một số cá nhân. H.N.A. từng là nạn nhân của BLHĐ bởi sự kỳ thị của các bạn. Từ nhỏ, N.A. phát hiện mình thích chơi búp bê, mặc áo đầm dù là con trai. Trong lớp, N.A. cũng chỉ thích chơi với các bạn nữ, nói năng nhỏ nhẹ,... Chính những điều này khiến N.A. thường bị các bạn nam giễu cợt với những từ ngữ không hay như pêđê, bóng, “xăng pha nhớt”,... Thậm chí, một số bạn còn không gọi tên N.A mà gọi bằng “thằng pêđê”. Các bạn nam thì chế giễu, một số bạn nữ lại tránh xa, không muốn tiếp xúc, khiến trong thời gian dài, N.A. rơi vào khủng hoảng tâm lý, sợ đến trường và không thể hòa nhập với các bạn. Nhớ đến khoảng thời gian đó, N.A. cho biết: “Từ năm lớp 9 đến lớp 12, tôi thường bị các bạn chế giễu, cô lập. Thời điểm đó, những người thuộc giới tính thứ 3 không nhiều nên tôi được xem là “hiện tượng lạ”. Đó là những năm tôi phải sống thu mình lại, không thể hòa nhập với các bạn. Khi lên đại học, được học tập trong môi trường mới, tiếp xúc với những người có giới tính như mình, tôi mới lấy lại tự tin”.

Một dạng BLHĐ khác đó là tình trạng bè phái, cô lập một học sinh nào đó chỉ vì những lý do rất... trẻ con. Thùy An - cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An), nhớ lại những ngày đầu năm lớp 11. Do chuyển trường từ nơi khác đến nên Thùy An còn bỡ ngỡ. Vậy mà những ngày đầu, An còn bị cô lập bởi... học giỏi hơn lớp trưởng. Lần đó, bài kiểm tra môn Tiếng Anh của An đạt 10 điểm trong khi lớp trưởng chỉ 9 điểm. Thế là tâm điểm đổ dồn về An. Một số bạn cho rằng An “láo”. Và từ đó, một cuộc “chiến tranh lạnh” xảy ra khi các bạn cô lập An. Mãi đến vài tháng sau, trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa, cô giáo chủ nhiệm tạo sự gần gũi, các bạn mới hiểu Thùy An và có thể chia sẻ với nhau nhiều hơn.

BLHĐ không chỉ là giải quyết sự việc bằng “nắm đấm” mà còn là cách cư xử giữa học sinh với nhau, giữa giáo viên với học sinh. Sự cô lập, bài xích của một nhóm học sinh đối với một vài học sinh nào đó (thường là những em quá nhút nhát hoặc cá tính quá mạnh, thích thể hiện bản thân) sẽ để lại trong những học sinh này sự tổn thương rất lớn. Lúc này, giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải là cầu nối hóa giải những mâu thuẫn, quan tâm đến học sinh của mình nhiều hơn, đồng thời gắn kết các em lại với nhau.

Tiến đến một môi trường học đường không còn bạo lực, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò quyết định./.

Phương Trinh

Chia sẻ bài viết