Tiếng Việt | English

27/10/2020 - 09:35

Chung tay đẩy lùi bạo lực học đường

Bạo lực học đường (BLHĐ) là nỗi lo, trăn trở của phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội. Do đó, thông qua nhiều hình thức, ngành Giáo dục và Đào tạo
nỗ lực ngăn chặn tình trạng BLHĐ xảy ra.

Các trường thành lập Ban tư vấn tâm lý học đường để giải đáp những thắc mắc cho học sinh

Các trường thành lập Ban tư vấn tâm lý học đường để giải đáp những thắc mắc cho học sinh

Từ nguyên nhân rất nhỏ

Chấm dứt tình trạng BLHĐ là vấn đề rất khó đối với ngành Giáo dục và Đào tạo và toàn xã hội. Nhiều vụ BLHĐ xảy ra từ những nguyên nhân rất nhỏ. Lê Thị Cẩm Nhung - học sinh (HS) lớp 12A3, Trường THPT Thủ Thừa, (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), thổ lộ: “Theo em, tình trạng BLHĐ hiện nay không giảm mà ngày càng đáng sợ. BLHĐ với nam và nữ cũng khác nhau. Nữ thường chọn cách bôi nhọ danh dự của người mình ghét, đánh hội đồng rồi chụp hình, quay phim đăng lên mạng xã hội hoặc cô lập người mình ghét trong lớp, trường. Nam thì chọn cách đánh nhau. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực thường vì tự ái, tình yêu, đố kị,...”.

Mặt khác, một số em thích thể hiện mình lớn, có thể giải quyết vấn đề một mình và có cái tôi khá cao. Đó cũng là “con dao 2 lưỡi” vừa giúp các em trưởng thành, chín chắn hơn nhưng cũng dễ dẫn đến những hành động nông nổi, bồng bột và hậu quả là xảy ra tình trạng BLHĐ.

Hiệu trưởng Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước) - Hà Thị Minh Hiền cho biết: “Nhiều vấn đề BLHĐ bộc phát rất bất ngờ bởi các em nhận thức chưa tới, thiếu sự kiềm chế. Nguyên nhân dẫn đến BLHĐ đôi khi xuất phát từ những điều rất nhỏ như va trúng nhau hay cảm giác bị xúc phạm,... Công tác phòng, chống BLHĐ vì thế là “cuộc chiến dài” cần sự nỗ lực, kiên trì và phối hợp giữa gia đình, xã hội chặt chẽ hơn nữa”.

Ngăn ngừa là chính

Thực hiện công tác phòng, chống BLHĐ, các trường chọn giải pháp ngăn ngừa là chính thông qua nhiều hình thức. Tại Trường THPT Rạch Kiến, đầu năm học, nhà trường họp phụ huynh HS và trao đổi kỹ về việc phối hợp nhà trường quản lý nề nếp, tác phong và giáo dục đạo đức cho các em, tránh để xảy ra tình trạng BLHĐ. Trong năm học, nhà trường mời Công an huyện, chuyên gia tâm lý nói chuyện chuyên đề về phòng, chống BLHĐ, giúp các em có cách giải quyết phù hợp khi gặp tình huống xảy ra.

Đặc biệt, nhà trường còn thành lập Ban Tư vấn học đường. Tại đây, giáo viên lắng nghe HS trải lòng và đưa ra nhiều giải pháp giúp các em lựa chọn cách xử lý phù hợp, đồng thời nêu những hậu quả nếu giải quyết vấn đề một cách nông nổi, cảm tính. Theo đó, Ban Tư vấn học đường của trường gồm 2 giáo viên được tập huấn về chuyên môn, nhiệt tình và có năng khiếu trong việc chia sẻ, giao tiếp với HS. Các giáo viên có lịch trực cụ thể để HS nắm và lựa chọn hình thức tâm sự trực tiếp, qua thư, điện thoại hoặc mạng xã hội,...

Cô Trương Thị Mỹ Phụng - giáo viên Ngữ văn, thành viên Ban Tư vấn học đường Trường THPT Rạch Kiến, cho biết: “Nguyên nhân của BLHĐ phần lớn là do tâm lý tuổi vị thành niên, chưa biết cách giải quyết mâu thuẫn và không có được những lời khuyên tích cực đúng lúc. Thấu hiểu những điều đó, tôi luôn lắng nghe, đặt mình vào vị trí các em, động viên các em và đưa ra những lời khuyên chân thành để các em lựa chọn cách giải quyết vấn đề phù hợp. Các vấn đề các em thường gặp phải là mặc cảm, bị xúc phạm, xung đột với bạn bè, tình yêu, học tập,...”.

Trường THPT Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) thành lập Ban Quản sinh, Đội tự quản và ký kết với Công an huyện thực hiện mô hình Bảo đảm an ninh, trật tự trước cổng trường. Theo đó, Ban Quản sinh thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở HS về nề nếp, tác phong và nội quy của trường trong các giờ học, tan học và ra chơi; đồng thời, đặc biệt lưu ý khi HS tụ tập đông hoặc có tranh cãi. Đội tự quản của HS trực ở cổng trường và nắm tình hình các lớp để kịp thời báo cho nhà trường nếu có tình trạng xung đột xảy ra.

Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thừa - Hồ Thái Bình chia sẻ: “Những năm gần đây, trường không có những vụ BLHĐ lớn nhưng vẫn còn những vụ xung đột nhỏ giữa HS với nhau. Tùy theo tính chất vụ việc, nhà trường có cách xử lý phù hợp. Theo đó, trường chú trọng kết hợp 2 biện pháp mềm mỏng và cứng rắn. Nhờ vậy, trường kịp thời răn đe và giải quyết dứt điểm mâu thuẫn của các em”.

Trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An) chọn giải pháp tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS. Tùy theo lớp học, trường có những bài học về giáo dục đạo đức, kỹ năng phù hợp như giao tiếp, ứng xử; thay đổi tuổi dậy thì và những điều khó nói; sống để yêu thương; kỹ năng hợp tác; phòng, chống BLHĐ;... Từ đó, HS hiểu, đồng cảm với nhau hơn, tôn trọng sự khác biệt của nhau và có cách ứng xử phù hợp khi có mâu thuẫn, xung đột.

Thông qua nhiều hình thức phòng, chống BLHĐ, HS bản lĩnh hơn, biết kiềm chế sự nóng giận nhất thời. Tuy nhiên, để ngăn chặn hoàn toàn tình trạng BLHĐ cần sự nỗ lực hơn nữa của nhà trường và gia đình, xã hội./.

Học sinh thường xuyên trò chuyện để giúp nhau học tập và gắn kết tình bạn đẹp

Học sinh thường xuyên trò chuyện để giúp nhau học tập và gắn kết tình bạn đẹp

Tình trạng bạo lực học đường hiện nay diễn biến khá phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do các em chưa xử lý tốt các mối quan hệ bạn bè, thiếu sự hiểu biết về đặc điểm giới tính,... Là giáo viên, trong các tiết dạy chuyên môn, tôi thường lồng ghép giáo dục học sinh, giải quyết các vấn đề phát sinh trong tiết học. Ngoài ra, trong công tác Đoàn, tôi chú trọng tuyên truyền, nêu gương về tình bạn đẹp, tạo nhiều sân chơi bổ ích, thu hút học sinh tham gia, trong đó đẩy mạnh hội thi thuyết trình về chủ đề xây dựng tình bạn đẹp”.

Cô Nguyễn Trà My - giáo viên môn Ngữ văn, 

Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa)

Trước đây, con tôi có xung đột với bạn. Ban đầu, tôi cũng giận nhưng nghĩ lại, nếu giáo dục một đứa trẻ đang có hành vi bạo lực bằng phương pháp bạo lực thì không được. Vậy là tôi bình tĩnh nghe con kể nguyên nhân và cho con những lời khuyên để xử lý nếu gặp trường hợp tương tự. Phụ huynh ngoài việc hiểu con còn phải làm gương trong cách ứng xử hàng ngày để con học tập và noi theo”.

Chị Võ Quỳnh Hải, ngụ phường 3,

thị xã Kiến Tường

Bạo lực học đường không chỉ là những hành vi đánh nhau, gây thương tích về thể xác mà còn tồn tại dưới hình thức bạo lực tinh thần. Nhiều trường hợp, các bạn bị nói xấu, chê bai, bôi nhọ nhân phẩm, đạo đức,... thậm chí bị nói xấu trên mạng xã hội, bị cô lập trong lớp, bị dè bỉu hoặc nhận những ánh nhìn, lời xầm xì thiếu thiện cảm. Hậu quả của hình thức bạo lực tinh thần là không thể lường trước, không vượt qua được, các bạn sẽ tự ti, mặc cảm dẫn đến trầm cảm và muốn tự tử. Do vậy, nhà trường, gia đình và xã hội cần quan tâm đến hình thức bạo lực này”.

Phạm Võ Thu Hân - học sinh lớp 12A2,

Trường THPT Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa)

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết