Bão số 5 giật cấp 13 sẽ đổ bộ vào đất liền vào trưa và chiều 18/9
Ngày 16/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức họp ứng phó với bão số 5, đến dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và đại diện các Bộ, ban, ngành có liên quan.
Toàn cảnh cuộc họp.
Theo thông tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm 15/9, ATNĐ trên biển Đông đã mạnh lên thành bão số 5. Hồi 10h ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 117,3 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia cho biết, bão số 5 hiện đang có xu hướng di chuyển lệch về phía Tây, khi di chuyển vào gần bờ tâm bão tuy ở phía ngoài nhưng mưa, gió của bão đã ảnh hưởng vào phía trong.
“Dự kiến, trưa và chiều 18/9, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền của khu vực Trung Trung Bộ (Hà Tĩnh – Quảng Ngãi), trọng tâm là khu vực từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Khi đổ bộ vào bờ bão số 5 có thể đạt cường độ cấp 11 – 12, giật cấp 13. Bão sẽ gây mưa lớn, tập trung ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Bộ. Từ chiều nay đến thứ 6 sẽ gây mưa từ 200 - 300mm, trong đó trọng tâm ở các tỉnh từ Quảng Trị - Thừa Thiên Huế sẽ mưa tới 300mm - 400mm. Nguy cơ lũ quét sạt lở đất và ngập úng đô thị rất cao. Cấp độ rủi ro đạt mức cao nhất là cấp 4. Bão số 5 gây sóng to và nước dâng cao nhất đạt 5 - 7m. Triều cường trưa đến chiều, khi bão vào gây nguy cơ ngập rất cao”, ông Khiêm nhận định.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 10h ngày 16/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 phương tiện/ 285.384 người biết diễn biến, hướng di chuyển của Bão số 5 để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng của bão còn lúa Mùa 98.538 ha lúa chưa thu hoạch (Thanh Hóa: 70.000 ha, Nghệ An: 26.000 ha, Hà Tĩnh: 530ha, Quảng Trị: 1.915ha, Thừa Thiên Huế: 93ha).
Các hồ thủy điện từ Thanh Hóa đến Quảng Nam (37 hồ) đang vận hành bình thường, mực nước ở mức thấp, nhiều hồ xấp xỉ mực nước chết và không xả tràn.Về hồ chứa thủy lợi: có 55 hồ hư hỏng cần lưu ý (Thanh Hóa 16, Nghệ An 10, Hà Tĩnh 8, Quảng Bình 12, Quảng Trị 6, Thừa Thiên Huế 3) và 41 hồ đang thi công (Thanh Hóa 6 hồ.
Về tình hình đê điều: từ Thanh Hóa – Đà Nẵng có 99 vị trí xung yếu đê biểu cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ, 26 công trình đê điều đang thi công.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ cho biết, công tác lên phương án ứng phó đang được khần trương thực hiện. Trong đó, các phương tiện hiện đại như máy bay, lực lượng quân sự cũng được huy động để sẵn sàng ứng phó với bão số 5.
Chủ động ứng phó với bão số 5 khi cấp độ rủi ro ở mức cao nhất
Phát biểu tổng kết cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết: Bão số 5 có cường độ rất mạnh với mức rủi ro lên tới mức cao nhất (cấp 4) vì vậy đề nghị các bộ, ban, ngành và địa phương không để chủ quan, nếu chủ quan sẽ gây thiệt hại nặng nề như cơn bão số 12 ở Khánh Hòa trước đó.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng các đơn vị cần lên các phương án sẵn sàng ứng phó với bão số 5, đặc biệt sơ tán dân, đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, hồ chứa, nhà dân, trường học, nhà trẻ, tháp cao, công trình sản xuất, dịch vụ, khu công nghiệp,…đảm bảo an toàn cho khách du lịch cả trên đảo và trong đất liền. Kiểm tra, gia cố đê điều, đặc biệt là đê biển, đê cửa sông.
“Do mưa lớn dễ gây mưa ống lũ quét, sạt lở đất, địa phương chủ động, rà soát lại các vị trí nhà ở của người dân. Sơ tán ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, không để thiệt hại cho người dân. Cần vận hành an toàn hồ đập, vận hành liên hồ chứa, gắn với việc giữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Không để mất an toàn cho hạ du. Tập trung vào công tác dự báo, chính xác, kịp thời để người dân và các cơ quan biết để ứng phó”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật, công bố vùng nguy hiểm để hướng dẫn người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Chủ động, bố trí lực lượng để ứng phó với bão với phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển. Bộ GTVT chịu trách nhiệm bố trí lực lượng tại các vị trí giao thông xung yếu để đảm bảo thông suốt giao thông. Liên hệ với các nước để phối hợp hỗ trợ hay cứu nạn ngư dân trên biển. Tổ chức nhắn tin đến người dân để chủ động ứng phó với bão./.
Các công việc cần triển khai tiếp theo:
1. Triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 11/CĐ-TW ngày 16/9/2020.
2. Theo dõi, khẩn trương kiểm soát đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm; đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển.
3. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu (… vị trí) hoặc đang thi công (… công trình).
4. Sẵn sàng tiêu úng cho diện tích lúa Mùa 98.538 ha nhất là Thanh Hóa: 70.000ha, Nghệ An 26.000 ha.
5. Sẵn sàng sơ tán dân khu vực nguy hiểm ven biển, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nhất là khách du lịch.
6. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa (55 hồ hư hỏng cần lưu ý, 41 hồ đang thi công) và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
7. Kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
8. Ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ (ứng phó với RRTT cấp 4).
9. Tổ chức các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đến các địa phương khu vực trọng điểm chịu ảnh hưởng của bão.
10. Chỉ đạo các nhà mạng tổ chức nhắn tin đến các thuê bao trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão.
11. Triển khai ứng phó phù hợp với diễn biến và công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương.
|
Theo VOV.VN