Tiếng Việt | English

29/07/2021 - 09:02

Bảo vệ công lý trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp

Các cơ quan tư pháp phải thực sự mẫu mực trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, tiến tới một nền tư pháp hiện đại, công khai, minh bạch trong tiến trình cải cách tư pháp (CCTP).

Để bảo vệ công lý, cần thiết phải thực hiện cải cách một cách đồng bộ tất cả hoạt động tư pháp từ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án bảo đảm bản án xét xử phải đúng người, đúng tội,

Để bảo vệ công lý, cần thiết phải thực hiện cải cách một cách đồng bộ tất cả hoạt động tư pháp từ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án bảo đảm bản án xét xử phải đúng người, đúng tội, "tâm phục, khẩu phục" (Ảnh tư liệu)

Xét xử phải bảo đảm đúng người, đúng tội

Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, trong 3 năm (từ năm 2018-2020), cơ quan điều tra thụ lý 4.566 vụ án/5.956 bị can, giải quyết 3.715 vụ/4.715 bị can, đạt 81,3%; VKSND thụ lý 2.860 vụ/4.673 bị can, truy tố 2.780 vụ/4.524 bị cáo, đạt 97,2%; Tòa án nhân dân (TAND) thụ lý xét xử 2.940 vụ/4.940 bị cáo, đã xét xử  2.666 vụ/4.349 bị cáo, đạt 90,6% (cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội). Từ thống kê cho thấy, tỷ lệ giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh đạt hiệu quả rất cao, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ công lý đáp ứng yêu cầu CCTP. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu chiến lược CCTP, từng lĩnh vực công tác điều tra, truy tố, xét xử phải bảo đảm được mục tiêu bảo vệ công lý, bản án được nghiêm minh, “tâm phục và khẩu phục”. Trong số 2.666 vụ án với 4.349 bị cáo đã được đưa ra xét xử trong 3 năm qua, đa số bảo đảm đúng các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) và Tố tụng Hình sự.

Thống kê các vụ án được xét xử cho thấy, từ những lý do khách quan và chủ quan, một số vụ án còn sai sót dẫn đến phải trả điều tra bổ sung, một số vụ khi xét xử sơ thẩm có vi phạm phải kháng nghị phúc thẩm để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhằm bảo vệ công lý, tuân thủ pháp luật.

Theo đó, trong 3 năm, VKSND tỉnh kháng nghị 60 vụ án/106 bị cáo với các thiếu sót chủ yếu như áp dụng chưa đúng các quy định của BLHS, Bộ luật Tố tụng Hình sự; truy tố, xét xử sai khung hình phạt; áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; quy định áp dụng về chế độ án treo,… Đồng thời, TAND tỉnh đã xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị 50 vụ/87 bị cáo, chiếm 83,3%.

Theo Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng, qua công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự cho thấy, chiếm tỷ lệ cao vẫn là các nhóm tội liên quan đến xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy; xâm phạm trật tự công cộng; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người. Các tòa án tiếp tục chú trọng việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả, tạo điều kiện và bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Việc trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung về cơ bản bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật. Hình phạt mà tòa án áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đúng quy định của pháp luật cũng như việc xem xét, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù bảo đảm có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Như vụ án 2 bị cáo: Lưu Đức Tín và Huỳnh Quốc Khánh dùng hung khí nguy hiểm là con dao đâm người bị hại Lê Thành Lợi, xảy ra tại huyện Đức Hòa, đã bị cấp sơ thẩm xử phạt về tội cố ý gây thương tích theo điểm a, khoản 2, Điều 134 BLHS. Tuy nhiên, qua xem xét nội dung vụ án giữa các bị cáo và bị hại hoàn toàn không có mâu thuẫn gì nhưng các bị cáo đã gây sự và dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho bị hại nên phải bị truy tố theo điểm c, khoản 3, Điều 134 BLHS với tình tiết có tính chất côn đồ. Từ đó, VKSND tỉnh đã kháng nghị và TAND tỉnh chấp nhận xử các bị cáo theo điểm c, khoản 3, Điều 134 BLHS, tăng hình phạt đối với các bị cáo.

Hay vụ án Nguyễn Văn Lơ phạm tội tham ô tài sản, cả 2 lần tham ô đều đủ định lượng nên cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết phạm tội từ 2 lần trở lên làm tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 353 BLHS để xử lý. Nhưng khi xét xử lại áp dụng thêm tình tiết phạm tội 2 lần trở lên là tình tiết tăng nặng để áp dụng thêm điểm g, khoản 1, Điều 52 BLHS để tăng hình phạt cho bị cáo là chưa chính xác, trái quy định với khoản 2, Điều 52 BLHS. Do đó, VKSND tỉnh kháng nghị và được cấp phúc thẩm xét xử không áp dụng tình tiết tăng nặng mà cấp sơ thẩm đã áp dụng, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Từ các vụ án nêu trên, rõ ràng trong quá trình xử lý tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh luôn xử đúng người, đúng tội, không những trừng trị người phạm tội mà còn bảo vệ được công lý, người phạm tội được xét xử công bằng, đúng quy định pháp luật.

Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh

Theo VKSND tỉnh, tố tụng hình sự là quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và người phạm tội. Do đó, tố tụng hình sự là công cụ sắc bén và đầy hiệu lực của Nhà nước và xã hội trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ pháp luật; đồng thời, phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý, triệt để tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, không làm oan người vô tội.

Trước yêu cầu công tác xây dựng nền tư pháp, Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP đến năm 2020 xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Những năm qua, thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, các cơ quan tư pháp trong tỉnh có bước đổi mới về tổ chức, từng bước được kiện toàn nâng dần chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố và cuối cùng là giai đoạn xét xử nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, bảo vệ công lý, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lấy hoạt động xét xử là nhiệm vụ trọng tâm.

Đồng thời, trên tinh thần CCTP theo Nghị quyết 49-NQ/TW, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan tư pháp trong tỉnh, các ngành Tư pháp Trung ương cũng cần hoàn thiện cơ chế bảo vệ các quyền con người trong tố tụng, đặc biệt là các quyền bào chữa, quyền khiếu nại, tố cáo, kháng cáo và các quyền khác, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, giám sát, đánh giá và khen thưởng, kỷ luật,… đối với đội ngũ cán bộ tư pháp. Đặc biệt, các cơ quan tư pháp cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về các nguyên tắc tố tụng cơ bản trong pháp luật tố tụng hình sự, nhất là nguyên tắc có vai trò nền tảng trong việc bảo vệ công lý như nguyên tắc về tính độc lập của tòa án, nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội..., để áp dụng chính xác, phù hợp theo đúng tinh thần CCTP.

Hiện nay, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế, tình hình tội phạm trên cả nước nói chung và tỉnh Long An tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều loại tội phạm mới xuất hiện với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tội phạm có yếu tố nước ngoài, trong lĩnh vực công nghệ cao có xu hướng ngày càng gia tăng. Do đó, trước yêu cầu ngày càng cao, quá trình tiến hành tố tụng ngày càng chặt chẽ; các cơ quan tư pháp phải thực sự mẫu mực trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, tiến tới một nền tư pháp hiện đại, công khai, minh bạch trong tiến trình CCTP./.

Kiên Định - Thành Đủ

Chia sẻ bài viết