Tiếng Việt | English

10/02/2022 - 09:01

Bảo vệ trẻ khỏi bạo hành - Lời khuyên từ chuyên gia

Những câu chuyện thương tâm về trẻ bị bạo hành luôn khiến dư luận quan tâm. Sau tất cả những phẫn nộ và thương xót cho nạn nhân, vấn đề quan trọng được đặt ra chính là làm sao để bảo vệ được trẻ em ngay từ trong gia đình.

Ảnh minh họa Internet

Ảnh minh họa Internet

Từ những câu chuyện rúng động

Những ngày cuối năm 2021, câu chuyện về bé V.A. bị người tình của cha hành hung đến tử vong và bé 3 tuổi bị người tình của mẹ bắn 9 đinh ghim vào đầu dẫn đến nguy kịch đã làm rúng động cộng đồng, dấy lên câu chuyện về bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị bạo hành. Nhắc tới câu chuyện bé 3 tuổi, nữ biên kịch Thái Thị Hồng Đào chia sẻ: “Chuyện bé 8 tuổi, tôi còn không dám lướt tin tức, nay đến bé 3 tuổi, đau thấu tâm can! Con trai tôi 4 tuổi, mỗi ngày đều được mẹ ôm vào lòng. Thấy một vết muỗi đốt trên người con, tôi cũng xót, vậy mà lại có những đứa trẻ hàng ngày phải sống trong bạo hành gia đình mà những người cha, người mẹ lại không biết. Nghĩ tới nỗi đau các em phải chịu, tôi thật sự không thể diễn tả được bằng lời”.

Hầu hết những trường hợp trẻ bị bạo hành khi được “phanh phui” đều do chính những người được cho là người thân trong gia đình gây ra. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990. Trong đó, điều thứ 19 nêu rõ: “các Chính phủ cần phải làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng trẻ em được bảo vệ khỏi tất cả các hình thức bạo lực, xâm hại, xao nhãng và đối xử tồi tệ bởi cha mẹ hoặc bất kỳ người chăm sóc nào”. Nước ta cũng có Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 luôn thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Tổng đài hoạt động 24/24 giờ và các cuộc gọi đến tổng đài là hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, những trường hợp đáng tiếc vẫn xảy ra.

Việc những đứa trẻ bị bạo hành đến mức nguy hại đến tính mạng không chỉ đặt ra câu hỏi cho xã hội, nhà trường về việc bảo vệ trẻ em mà còn khiến các bậc làm cha mẹ phải nhìn lại mình.

Hãy quan sát và trò chuyện với trẻ

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với nhà thực hành chuyên nghiệp về: Trí tuệ cảm xúc cho gia đình và trẻ nhỏ; Chẩn đoán và trị liệu cho cha mẹ có hội chứng kiệt sức - Lê Thanh Tâm xoay quanh vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong gia đình. Chị nói nhiều về việc cha mẹ nên quan tâm đến con, cảm thông và hướng dẫn con cách tự bảo vệ mình trước những hành vi bạo hành, xâm hại từ người khác.

Chị Thanh Tâm chia sẻ, muốn làm được điều đó, cha mẹ nên dạy cho trẻ biết về quyền của trẻ em và cách thức cầu cứu khi cần được giúp đỡ. Cha mẹ nên thảo luận với trẻ về những người trẻ có thể tin tưởng và có khả năng bảo vệ trẻ; chỉ cho trẻ cách tìm họ ở đâu, như thế nào, càng cụ thể càng tốt. Dạy cho con học thuộc số điện thoại, địa chỉ, những cách để có thể gọi nhờ điện thoại, các phương tiện có thể trợ giúp đưa đến địa chỉ cần đến,... là những ví dụ cụ thể về kiến thức tự bảo vệ mà cha mẹ cần dạy cho trẻ.

Nhà thực hành chuyên nghiệp về: Trí tuệ cảm xúc cho gia đình và trẻ nhỏ; Chẩn đoán và trị liệu cho cha mẹ có hội chứng kiệt sức - Lê Thanh Tâm

Nhà thực hành chuyên nghiệp về: Trí tuệ cảm xúc cho gia đình và trẻ nhỏ; Chẩn đoán và trị liệu cho cha mẹ có hội chứng kiệt sức - Lê Thanh Tâm 

Đồng thời, cha mẹ cần tích cực quan tâm để nhận biết các tín hiệu cầu cứu từ trẻ. Nhà thực hành chuyên nghiệp - Lê Thanh Tâm chỉ rõ: “Cha mẹ cần quan sát trẻ cẩn thận để kịp thời phát hiện việc trẻ xuất hiện các dấu hiệu đáng chú ý hoặc bất thường: Thường xuyên gây gổ, hành hạ động vật, viết hoặc vẽ những nội dung bạo lực, thu mình, khép kín, ít nói, ít cười, hay giật mình hoảng sợ,... Hãy nói chuyện với trẻ để tìm hiểu vấn đề chúng đang gặp phải”. Theo chị Thanh Tâm, không chỉ những hành vi khác thường mà bất kỳ lời nào trẻ nói ra cũng đều mang thông điệp cần được giải mã. Thế nên, cha mẹ cần học cách giao tiếp hiệu quả với con trẻ để nắm bắt kịp thời những thông điệp này.

“Để trẻ được là chính mình, được quyền tôn trọng và tự quyết định (trong khuôn khổ an toàn), cha mẹ nghiêm khắc nhưng không xúc phạm, phê bình nhưng không hạ thấp giá trị, khen ngợi nhưng không sáo rỗng, hướng dẫn nhưng không áp đặt. Và cuối cùng, muốn con trở thành người thế nào, trước tiên cha mẹ phải là người thế ấy” - chị nhấn mạnh khi nói về môi trường lành mạnh dành cho trẻ./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích