Tiếng Việt | English

05/09/2018 - 05:19

Bến Lức: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chanh

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất chanh đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho nông dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Kỹ sư của Trạm Trồng trọt – Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn nông dân cắt, tỉa cành tạo tán cho cây chanh

ƯDCNC vào sản xuất đòi hỏi nông dân đầu tư chi phí ban đầu cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống nhưng sản phẩm đạt chất lượng, năng suất và đặc biệt là bảo đảm an toàn cho người sử dụng, một yếu tố mà thị trường đang ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn.

Với sự nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, ông Phan Văn Sần, ngụ ấp 5, xã Thạnh Hòa, mạnh dạn áp dụng mô hình ƯDCNC trên 12ha chanh không hạt của gia đình. Khi thực hiện mô hình, ông được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ giống chanh sạch, hệ thống tưới tiết kiệm và tự động, trị giá trên 38,5 triệu đồng. Với hệ thống tưới tiết kiệm, vào mùa khô, khoảng 5 ngày ông mới phải tưới chanh 1 lần, mỗi gốc chanh được tưới khoảng 20 lít nước.

Ông Sần đánh giá: “So với tưới thủ công, hệ thống tưới tiết kiệm giúp kiểm soát tốt lượng nước đầu vào, tránh thừa hay thiếu hụt. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón hữu cơ sinh học và giảm lượng phân bón vô cơ cũng góp phần mang lại năng suất và chất lượng chanh cao hơn”.

Hiện nay, toàn bộ diện tích chanh không hạt của gia đình ông Sần đều trồng theo quy trình tiêu chuẩn GlobalGAP, được Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ chấp nhận bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. “Trung bình mỗi năm, tôi thu hoạch khoảng 150 tấn chanh. Với giá bán cho công ty cao hơn thị trường khoảng 2.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi thu lợi nhuận từ 700-800 triệu đồng/năm” - ông Sần chia sẻ.

Gia đình ông Nguyễn Văn To, ngụ ấp 10, xã Lương Hòa, hiện có 1ha chanh không hạt. Cách đây không lâu, qua sự giới thiệu của Trạm Trồng trọt- Bảo vệ thực vật huyện, ông bắt đầu tham gia thực hiện mô hình cánh đồng phòng trừ tổng hợp dịch bệnh trên cây chanh.

Theo đó, ông thường xuyên cắt tỉa cành tạo tán và loại bỏ những cành sâu bệnh, tạo sự thông thoáng để kích thích cây phát triển. Đồng thời, ông tăng cường bón phân hữu cơ sinh học, phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, nhằm giúp cây chanh phát triển tốt hơn.

Phun thuốc xử lý chanh ra hoa nghịch mùa 

Ông To cho biết: “Tham gia vào mô hình, tôi được các kỹ sư Trạm Trồng trọt- Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn rất tận tình, kỹ lưỡng, từ khâu chọn cây giống đến cách tỉa cành tạo tán, bón phân hữu cơ sinh học,… Bước đầu, tôi thấy rất hiệu quả, cây chanh phát triển tốt hơn, ít sâu bệnh hại lại cho hoa nhiều hơn, trong đó, tỷ lệ chanh nhiễm bệnh nấm hồng giảm chỉ còn 3,2%. Nhờ vậy, sản lượng chanh cũng cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống”.

Theo ông Nguyễn Văn Cơ, kỹ sư Trạm Trồng trọt – Bảo vệ thực vật huyện Bến Lức, nấm hồng là bệnh đáng lo ngại nhất trên cây chanh hiện nay. Để phòng bệnh, nông dân cần thường xuyên vệ sinh vườn cây, trừ cỏ dại và cắt tỉa cành chết, cành vô hiệu, tạo sự thông thoáng trong vườn. Đặc biệt, khi xử lý chanh ra hoa trong thời gian nghịch mùa, nông dân phải chú ý phun thuốc đúng liều lượng, tránh tồn dư trong đất gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

ỨDCNC vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản là hướng đi tất yếu nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Toàn huyện Bến Lức hiện có 4.718ha chanh, chủ yếu là chanh không hạt. Theo kế hoạch, huyện phấn đấu đến năm 2020 sẽ tăng diện tích chanh được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP lên 1.200ha, để xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cây chanh./.

Để đẩy mạnh Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cây chanh, thời gian qua, huyện hỗ trợ nông dân cây giống sạch bệnh (12 mô hình với 3.000 cây), thực hiện mô hình cánh đồng phòng trừ tổng hợp dịch bệnh (xã Lương Hòa, Lương Bình, với diện tích 40ha), hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm (4 mô hình với 3,8ha), tổ chức gần 40 cuộc tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật canh tác và quản lý sâu, bệnh,...

An Kỳ

Chia sẻ bài viết