Tiếng Việt | English

24/02/2021 - 08:55

Bến Lức: Phát triển chanh ứng dụng công nghệ cao

Nhiều năm qua, huyện Bến Lức, tỉnh Long An chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), tập trung chủ yếu trên cây chanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

Sức lan tỏa mạnh

Gia đình ông Lê Văn Xưa (ấp 9, xã Lương Hòa) có 5ha cây chanh không hạt khá xanh tốt và cho trái đều đặn quanh năm. Ông Xưa nói: “Cách đây nhiều năm, tôi được cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện Bến Lức vận động sản xuất theo hình thức ƯDCNC. Thời điểm đó, tôi chưa hiểu lắm về ƯDCNC, cũng nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí từ chương trình, tôi quyết tâm chuyển hướng sản xuất. Bây giờ, vườn chanh ƯDCNC cho gia đình tôi thu nhập rất tốt”.

Đóng gói chanh tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức phục vụ xuất khẩu

Khoảng 2 năm trước, gia đình ông Xưa (gồm ông và những người con) được xét hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, kinh phí từ Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Ông Xưa cho biết: “Bình quân 1ha đầu tư hệ thống tưới kinh phí 50 triệu đồng. Gia đình tôi đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tưới trên diện tích 5ha khoảng 250 triệu đồng, kinh phí từ chương trình ƯDCNC của huyện hỗ trợ 50%, khoảng 125 triệu đồng. Từ khi có hệ thống tưới, việc tưới nước cho vườn chanh đỡ tốn công lao động và thời gian, chủ động hơn trong công việc. Ngoài tưới nước, hệ thống tưới còn có thể ứng dụng vào phun xịt thuốc, xả sương muối gây hại cây”.

Ngoài hệ thống tưới, thời gian gần đây, gia đình ông Xưa còn được hỗ trợ 500 cây chanh giống không hạt. Ông Xưa cho biết thêm: “500 cây chanh giống được hỗ trợ, tôi trồng xen vào gần những gốc chanh già để thay thế. Như vậy, vườn chanh không bị già cỗi, năng suất kém. Hiện nay, bình quân mỗi năm, gia đình ông Xưa thu hoạch khoảng 80 tấn chanh, sau trừ chi phí, thu lãi từ 400-500 triệu đồng (tùy giá bán ra).

Nếu như trước đây, người dân xã Lương Bình đa số sống bằng nghề trồng mía thì nay, cây chanh trở thành nguồn thu nhập chính của họ. Bà Lê Thị Hoa (ấp 5, xã Lương Bình) cho biết, để trồng chanh cho hiệu quả cao như hiện nay, chính quyền đã hỗ trợ nông dân rất nhiều từ việc khai thông hệ thống kênh, mương phục vụ tưới, tiêu cho đến làm đường giao thông. Kênh Xáng Lớn trước nhà bà cũng vừa được nạo vét, khơi thông dòng chảy. Vườn chanh nhà bà lấy nước tưới từ tuyến kênh này. Tuyến đường cặp kênh trước cửa nhà bà cũng vừa được nâng cấp, trải bêtông, xe tải nhỏ chạy ra, vào được, thuận tiện cho việc chuyên chở chanh.

Hiện gia đình bà Hoa trồng hơn 2ha chanh không hạt. Thực hiện chương trình ƯDCNC, năm 2020, gia đình bà được hỗ trợ kinh phí đầu hệ thống tưới trên diện tích 1ha và 450 gốc chanh giống (1 gốc chanh giống trị giá 21.000 đồng, nông dân được hỗ trợ 40% kinh phí). Bà Hoa chia sẻ, chanh giống được hỗ trợ từ chương trình phát triển rất tốt. Đây là chanh gốc ghép, có nhiều tính năng vượt trội như ít sâu, bệnh, chống chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hình dạng trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cơ cho biết, thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC, ban đầu nông dân còn e dè, chưa hiểu, chưa thông nhưng qua sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, nông dân dần nắm bắt đầy đủ thông tin và bắt tay vào thực hiện. Trước tiên là dần chuyển đổi hình thức sản xuất theo phương cách tiến bộ như đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, thay đổi cơ cấu giống, sử dụng phân bón và thuốc hữu cơ,... Toàn huyện hiện có khoảng 7.130ha trồng chanh, chủ yếu là chanh không hạt. Đến hết năm 2020, huyện có 1.200ha ƯDCNC. Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ từ chương trình ƯDCNC như “bà đỡ”, giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác. Từ đó, sự lan tỏa chương trình ngày một hiệu quả hơn do nông dân nhận thức rõ lợi ích từ chương trình.

Chìa khóa tái cơ cấu

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bến Lức - Lê Văn Nam cho biết, qua khoảng 4 năm triển khai chương trình ƯDCNC đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, nhân dân. Bên cạnh việc chuyển đổi phương thức sản xuất, nông dân dần chuyển từ sản xuất nhỏ, lẻ sang liên kết, tập trung theo chuỗi giá trị, áp dụng cơ giới hóa, khoa học và công nghệ cao, sản xuất theo hướng xanh, sạch gắn với bảo vệ môi trường.

Cây chanh đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nông dân Bến Lức

Hợp tác xã (HTX) DVNN Bến Lức (xã Lương Hòa) là một trong những HTX điển hình xây dựng mô hình sản xuất hướng hữu cơ, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. HTX hiện có 7 thành viên sản xuất trên diện tích 50ha. HTX cũng liên kết sản xuất với HTX Thạnh Hòa khoảng 20ha, một số hộ nông dân tại huyện Thạnh Hóa. Trong số diện tích kể trên, HTX đang triển khai sản xuất theo hướng GlobalGap 14ha. Ngoài ra, HTX còn mạnh dạn đầu tư nhà xưởng sản xuất, dây chuyền sơ chế, phân loại chanh. HTX cũng thực hiện liên kết tiêu thụ, thu mua tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu (ủy thác) chanh đến nhiều thị trường như châu Âu, Trung Đông, Singapore,...

Giám đốc HTX DVNN Bến Lức - Trần Duy Thuận chia sẻ, hiện các khâu sản xuất chanh của HTX như tưới nước, phun thuốc, làm đất,... đều ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên HTX sử dụng ít nhân công, nhờ đó tiết kiệm nhiều chi phí. Hiện HTX thực hiện lộ trình để từng bước nhân rộng diện tích sản xuất theo hướng GlabalGap, bởi nếu không thực hiện sản xuất sạch, sản phẩm sẽ khó đứng vững trên thị trường. Đồng thời, khi sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, cơ hội xuất khẩu đến thị trường khó tính sẽ rộng mở hơn. HTX đang thực hiện đàm phán xuất khẩu chanh sang Nga phục vụ nhà hàng, khách sạn.

Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Bến Lức, để nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất cũng như phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện đã bố trí ngân sách cho ngành Nông nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân trồng chanh thông qua tổ hợp tác, HTX. Thông qua đó, có 313 hộ nông dân được hỗ trợ 143.000 cây chanh giống; thực hiện 10 mô hình cánh đồng phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh trên cây chanh với diện tích 160ha liền kề; 27 mô hình hệ thống tưới tiết kiệm; 10 mô hình phòng trừ tổng hợp, hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật;... Ngoài ra, huyện còn tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho vùng chanh như nạo vét kênh, mương nội đồng, duy tu, sửa chữa cầu, đường,... để phục vụ sản xuất với kinh phí 37,7 tỉ đồng (trong đó tỉnh hỗ trợ 5,8 tỉ đồng).

Năm 2021, Bến Lức tiếp tục hỗ trợ khoảng 100.000 cây chanh giống cho 220ha (với hình thức hỗ trợ 40% chi phí mua), 11 mô hình tưới tiết kiệm, xây dựng 2 cánh đồng sản xuất chanh theo hướng hữu cơ trên diện tích 40ha liền kề. Cụ thể, trên diện tích 1ha trồng chanh được hỗ trợ 500kg phân bón, công cắt tỉa cành 3,5 triệu đồng/ha,...

Ông Lê Văn Nam chia sẻ thêm, giai đoạn 2021-2025, cây chanh đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nông dân Bến Lức, bởi huyện đang có nhiều dự án đầu tư khá quy mô như Đề án vùng chanh nguyên liệu được Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư hạ tầng kỹ thuật và Chính phủ Hà Lan hỗ trợ Dự án nông nghiệp phát triển chanh bền vững cho địa bàn huyện Bến Lức. Vì vậy, Bến Lức tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng 1.200ha chanh đã thực hiện ƯDCNC trong năm 2020, tập trung sản xuất và đến năm 2025 đạt thêm 1.500ha chanh sản xuất ƯDCNC để tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Các bước sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái cũng được thực hiện một cách quyết liệt./.

Thu Hương

Chia sẻ bài viết