Tiếng Việt | English

28/05/2023 - 07:30

"Biệt đội" cứu hộ, cứu nạn trong đêm

"A lô! Ðội cứu hộ xin nghe!". Một giọng nữ có vẻ hoảng hốt, lắp bắp: "Có... có tai nạn nghen! Ngay ở ngã ba Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Văn Cừ". Vớ cây bút trên bàn ghi vội địa chỉ xảy ra tai nạn, anh Nguyễn Trọng Hiếu - thành viên Ðội Cứu nạn giao thông thành phố Cần Thơ động viên người bên đầu dây bình tĩnh: "Chúng tôi đến ngay đây".

Ðội cứu hộ, cứu nạn TP Cần Thơ giúp đỡ người gặp sự cố. (Ảnh LÝ LONG)

Vừa cúp máy... anh Hiếu và mấy anh em trong đội cứu hộ lập tức xách theo thiết bị, dụng cụ cứu thương lên chiếc xe bán tải để kịp đến hiện trường đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Gấp gáp, khẩn trương là những gì chúng tôi có thể quan sát được ngay trên những chuyến xe vội vàng đó. Giờ tan tầm, các tuyến đường đều có đông phương tiện qua lại. Len lỏi trong đám đông, Hiếu phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, trong khi một thành viên khác dùng bộ đàm liên lạc yêu cầu nhóm chạy xe máy phía trước nhờ người dân nhường đường.

Chỉ mấy phút, đội cứu hộ có mặt tại hiện trường vụ tai nạn. Tại đây, một người ngã xe máy nằm bất tỉnh trên đường. Các thành viên không ai bảo ai, mỗi người một việc. Sau khi nạn nhân được đưa đến bệnh viện, mọi người trong đội trở về "trụ sở" của mình. Tưởng chừng như họ đã xong công việc, nhưng không, trên mỗi gương mặt, sự lo âu hiện lên thấy rõ.

Anh Ngô Hoàng Hân bảo, cứ mỗi lần đi cứu hộ, tâm lý ai ai cũng nặng nề, chỉ khi biết người bị nạn đã qua khỏi cơn nguy hiểm và hồi sức, mọi người mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Anh Nguyễn Trọng Hiếu tiếp lời: "Chuyện thường ngày đó mà. Ðêm nào đội cũng tập hợp anh em để trực, có điện thoại cứu nạn bất kể giờ nào cũng chạy đi... Giúp được ai việc gì hay việc đấy".

Với hơn 10 người và hoạt động hơn 5 năm, nhưng nơi gọi là "trụ sở" của mọi người chỉ là một cửa hàng nhỏ, nơi chuyên kinh doanh các sản phẩm làm từ da của anh Nguyễn Trọng Hiếu. Bất cứ cửa hàng nào khi kinh doanh cũng mong muốn có được vị trí đẹp. Ấy vậy mà khi bước vào cửa hàng, vị trí tiện lợi và gần cửa nhất là nơi mọi người cất các dụng cụ y tế và công cụ cứu nạn. Căn phòng vỏn vẹn một cái bàn và vài chiếc ghế để tiện cho việc xuất phát nhanh chóng.

Ðội Cứu nạn giao thông thành phố Cần Thơ do anh Nguyễn Trọng Hiếu, ngụ tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều thành lập vào năm 2018 với tám thành viên, tuổi từ 22-40, có chung chí hướng giúp người gặp nạn. Công việc thường ngày của đội là túc trực đường dây nóng xem có ai gặp sự cố giao thông cần giúp đỡ. Do vậy, công việc của đội cũng đa dạng, từ giúp người bị hỏng xe, hết xăng cho đến tai nạn giao thông...

Ðây cũng là nơi đặt chiếc điện thoại đường dây nóng (0866414668) cứu nạn có âm lượng chuông báo rất to, để ngoài sân vẫn có thể nghe được. Băng qua căn phòng nhỏ, đi vào bên trong mới là cửa hàng "thật sự" của anh Hiếu, trông gọn gàng sáng sủa và yên tĩnh hơn so với bên ngoài, tạo nên sự đối lập với sự vội vã hằng đêm ở căn phòng phía trước. Phòng cất dụng cụ khá nhỏ, khoảng chừng 7 đến 10m2, vì vậy khi tập họp đông đủ, các thành viên thường kê bàn ra trước sân để ngồi lại với nhau kiểm tra công việc, thảo luận về các công tác cứu nạn và đôi khi là chia sẻ tâm sự với nhau dưới ánh đèn đường mờ ảo.

Ðội Cứu nạn giao thông thành phố Cần Thơ do anh Nguyễn Trọng Hiếu, ngụ tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều thành lập vào năm 2018 với tám thành viên, tuổi từ 22-40, có chung chí hướng giúp người gặp nạn. Công việc thường ngày của đội là túc trực đường dây nóng xem có ai gặp sự cố giao thông cần giúp đỡ. Do vậy, công việc của đội cũng đa dạng, từ giúp người bị hỏng xe, hết xăng cho đến tai nạn giao thông...

Thông thường, đội thường tập hợp từ 7-8 giờ tối. Ban ngày, một số người vẫn phải đi làm, ban đêm mới có thời gian để tham gia cứu hộ, cứu nạn. Ngoài trực đường dây nóng, Ðội Cứu nạn giao thông thành phố Cần Thơ cũng tổ chức phân công thành viên đi tuần để kịp thời phát hiện các sự cố giao thông. Do chỉ có một chiếc xe ô-tô bán tải nên đội sử dụng thêm xe máy cá nhân để đi tuần...

Khi phát hiện sự cố, tai nạn giao thông mà xe máy không thể đưa người bị nạn đến nơi cấp cứu thì họ nhanh chóng báo về để đưa xe ô-tô đến. Anh Hiếu kể: "Hồi mới thành lập được tám người, giờ cũng được 12 thành viên. Mỗi người một nghề. Cứ tối đến anh em tập hợp. Giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, các thành viên phải bỏ tiền túi mua vật dụng sơ cứu, vá xe giúp những người đi đường bị cán đinh, thủng bánh hoặc xe hư… Nhận thấy có quá nhiều sự cố, tai nạn nên đội bổ sung hoạt động cứu nạn từ năm 2020 đến nay. Khi đó, đội vận động những người trẻ tuổi có bằng y sĩ, chuyên môn y tế tham gia với tinh thần tự nguyện, chấp nhận làm không công".

Hầu hết anh em trong đội đều có công việc riêng ban ngày để nuôi sống bản thân và gia đình, còn ban đêm, họ cố gắng sắp xếp thời gian tham gia túc trực. "Nhiều lúc cũng mệt lắm! Nhưng thấy giúp được ai đó tai qua nạn khỏi là lại có năng lượng tràn trề để tiếp tục công việc. Bốn năm qua từ ngày vào đội là biết bao chuyện vui-buồn. Có những trường hợp phải đưa luôn lên Thành phố Hồ Chí Minh lúc nửa đêm mới cứu được, lúc đó không thấy mệt nữa mà chỉ hy vọng đến bệnh viện càng sớm càng tốt", anh Ngô Hoàng Hân chia sẻ.

Các thành viên của đội cứu nạn.

Nhiều năm qua, hàng nghìn sự cố giao thông được các thành viên trong đội tương trợ, cứu giúp. Với những trường hợp tai nạn nặng, đội chia thành ba nhóm: Một nhóm nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện; nhóm liên lạc với gia đình nạn nhân; nhóm ở lại canh giữ hiện trường tai nạn hỗ trợ cảnh sát giao thông. Có những người gặp nạn nghèo khó, không có người thân hỗ trợ, đội đã hỗ trợ chi phí và giúp đỡ công việc về sau.

Các thành viên ai cũng mang tâm niệm: Một số tai nạn người nhà không có tiền thì đội mình có hoặc quyên góp đâu đó để hỗ trợ người ta. Có những trường hợp mình đến đưa đi cấp cứu tưởng chết. Sau này bệnh viện thông báo là qua khỏi, cả đội mừng lắm. Nhưng cũng có lúc cảm thấy xót xa, thấy thương khi đang đưa đi cấp cứu thì người ta tắt thở... dù không thân thiết vẫn thấy có gì đó mất mát, khó tả...

Ông Nguyễn Duy Dũng (quận Ninh Kiều) là một trong những người từng được đội hỗ trợ, cho biết: "Hồi chạy xe bị té ở chợ Cái Khế, hoàn cảnh cũng đặc biệt nên lúc đó tôi loay hoay không biết kêu ai mới nhớ ra gọi cho đội cứu nạn giao thông. Gọi một tiếng, mấy anh em tới đưa đi cấp cứu ngay. Lúc ở bệnh viện, anh em còn qua thăm nom động viên, sau ra viện còn được anh em hỗ trợ phương tiện với số tiền quyên góp. Ðến nay, sức khỏe đã ổn định lại, các thành viên trong đội thi thoảng vẫn liên lạc, hỏi han. Những tấm lòng như vậy thật đáng quý!".

Tiếp xúc với những con người ấy, chứng kiến cuộc sống, sự tận tâm của các thành viên trong đội cứu nạn mới thấy họ đã vất vả như thế nào để vừa thu xếp công việc gia đình, vừa làm việc thiện. Ấy vậy mà, trong cuộc trò chuyện, họ chỉ nói về những điều chưa làm được khi được hỏi đến.

Anh Hiếu bảo rằng: "Khó khăn thì nhiều... Như giai đoạn đầu anh em đều phải tự túc, đóng góp cho hoạt động cứu hộ của đội từ vật dụng, xăng xe... Chiếc xe bán tải để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cũng mua trả góp, đến giờ vẫn phải "cày" để trả nợ. Nhiều lúc chi phí duy trì cao quá, để anh em gồng gánh tôi cũng thấy khó xử. Nhưng có lẽ khi tham gia vào công việc này, chúng tôi đều chấp nhận và cố gắng khắc phục. Miễn sao giúp được càng nhiều người càng tốt!".

Ngày 26/5/2023, Ðội Cứu nạn giao thông thành phố Cần Thơ được Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố tuyên dương là một trong những câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên tình nguyện tiêu biểu trong Ngày hội Thanh niên thành phố Cần Thơ năm 2023.

HOÀNG PHAN-NGỌC LAN/Nhân dân

Chia sẻ bài viết