Thí sinh làm bài thi. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Sau khi một số trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2022, nhiều học sinh bày tỏ lo lắng về việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như thi đánh giá năng lực, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế... bởi học sinh lớp 12 năm nay đã phải trải qua 2 năm học với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi một số nội dung nhằm làm rõ hơn các phương thức tuyển sinh năm 2022.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, các thí sinh và phụ huynh không nên quá lo lắng bởi xu hướng mùa tuyển sinh năm 2022 cũng sẽ không thay đổi quá nhiều, phương án tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định tương đối so với năm 2020, 2021.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021 cho thấy hầu như các trường đại học đều sử dụng 2 phương thức tuyển sinh cơ bản, trong đó, tỷ lệ các trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là hơn 92%, trong khi hơn 77% các trường sử dụng kết quả học tập bậc Trung học phổ thông (học bạ).
Thống kê tổng chỉ tiêu mà các trường xác định cũng như con số nhập học thực tế trong năm 2021 cũng cho thấy, 90% thí sinh nhập học theo 1 trong 2 phương thức là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc kết quả học bạ. Thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức khác chưa đến 10%.
Bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ hai năm vừa qua, xu thế đó gần như không có thay đổi nhiều. Có thể nói, tỷ trọng xét tuyển bằng các phương thức khác là không cao so với tổng thể.
Sang năm 2022, tình hình dịch COVID-19 có thể chưa được khống chế hoàn toàn, chưa đủ điều kiện thuận lợi để các trường tổ chức thi riêng và thi đánh giá năng lực một cách phổ biến. Do đó, tỷ trọng nhập học đối với các phương thức vẫn có thể tương tự và ổn định như năm 2020-2021.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng những năm tiếp theo, khi các trung tâm khảo thí độc lập đi vào vận hành ổn định, tỷ trọng các trường tốp trên sử dụng kết quả này sẽ gia tăng mạnh mẽ (để dần thay thế kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông). Các kỳ thi riêng do các nhóm trường tổ chức cũng sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn, được chấp nhận rộng rãi hơn, song xu hướng sẽ không cao bằng kết quả thi của các trung tâm khảo thí độc lập vì việc tổ chức thi là tốn kém, vất vả. Nếu có dịch vụ đáng tin cậy, các trường sẽ chuyển sang sử dụng.
Bên cạnh đó, trước những lo ngại có sự bất bình đẳng khi xét tuyển đại học bằng một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết đa phần các trường sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Một số cơ sở giáo dục đại học thuộc tốp đầu - các trường có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng tiếng Anh - thì việc sử dụng thêm các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển cũng là điều bình thường, hợp lý, bởi có tính hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, tiêu chí về IELTS, TOEFL không phải là tiêu chí duy nhất, thông thường, các trường còn căn cứ cả kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Chưa kể, cũng chỉ một phần chỉ tiêu được xác định tuyển sinh bằng phương thức này.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tuyển sinh luôn tuân thủ nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp theo các ngành nghề lĩnh vực và phương thức tuyển sinh mà các trường áp dụng, và quan trọng tùy thuộc nguyện vọng đăng ký của thí sinh vào các phương thức. Do vậy, nếu thí sinh không trúng tuyển ở phương thức này, vẫn có cơ hội trúng tuyển bằng phương thức khác theo đúng năng lực, trong bối cảnh cạnh tranh với các thí sinh khác có cùng nguyện vọng.
Bà Thủy cũng cho rằng hiện nay, hầu hết các trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (chỉ trừ các trường tuyển sinh năng khiếu). Do đó, nếu có năng lực và đủ quyết tâm, ôn tập tốt, tinh thần vững vàng, các em hoàn toàn có thể trúng tuyển, không hề mất cơ hội.
Có một thực tế, trong 2 năm qua, một số thí sinh đã ôn luyện và thi được các chứng chỉ IELTS, TOEFL nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các em không thực hiện được mục tiêu du học nên đã dùng kết quả đó để đăng ký và nhập học vào các trường trong nước. Do vậy, số thí sinh sử dụng chứng chỉ này để đăng ký xét tuyển có thể cao hơn một chút so với trước.
Tuy nhiên, số chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL... không quá nhiều và chủ yếu là dành cho các ngành/chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Bởi lẽ, khi không có khả năng tiếng Anh tốt thì các thí sinh cũng khó có thể học tốt hay theo kịp chương trình đào tạo.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng với xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học hiện nay, với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ cao cho công dân toàn cầu, thì việc các trường đại học (nhất là các trường top đầu) sử dụng các tiêu chí chuẩn hóa quốc tế, được công nhận rộng rãi trên thế giới (như SAT, ACT, IELTS…) để tuyển sinh cũng là điều dễ hiểu và đáng được ghi nhận.
Có như vậy, cùng với các nỗ lực khác, giáo dục đại học Việt Nam sẽ dần đối sánh được với các nước khác trên thế giới và khu vực, đồng thời, tiếp tục thu hút hơn nữa thí sinh nước ngoài tới học. Điều này cũng thực hiện đúng theo quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.
Trước mùa tuyển sinh năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến cáo các trường khi đưa ra phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh cần bảo đảm sự ổn định, tránh gây xáo trộn, biến động lớn ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh. Khi có những thay đổi lớn, các trường cần thông báo trước, dự trù thời gian để thí sinh kịp chuẩn bị cho việc ôn luyện.
Các tiêu chí tuyển sinh cần phù hợp với ngành đào tạo và phân loại được thí sinh. Việc xét tuyển thực hiện trên cùng thang đo, trên một mặt bằng chung nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào, tăng cường cả chất lượng đào tạo, để xây dựng và khẳng định uy tín của nhà trường.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi, giảm áp lực, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng thí sinh và công bằng giữa các cơ sở đào tạo, các vùng miền, khu vực./.
Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)