Một sản phẩm TV thông minh của Sony - Ảnh: SONY
Theo trang Popular Science, các thông số kỹ thuật của TV thông minh (smart-TV) rất phong phú, có thể khiến những người không rành dễ cảm thấy hoang mang.
Tuy nhiên bên cạnh chuyện cân nhắc tới khả năng tài chính, dưới đây là những yếu tố cốt lõi giúp bạn có được lựa chọn hợp lý hơn cả khi muốn sắm thêm một chiếc smart-TV.
1, Kích thước
Một trong những tiêu chí đầu tiên quan trọng mà dù mua bất cứ loại TV nào bạn cũng cần nghĩ tới là bạn muốn nó to chừng nào.
Kích thước TV liên quan tới 2 chuyện: Khả năng chi trả của bạn và không gian vật lý bạn có để đặt chiếc TV đó.
Dùng thước đo để biết được chiều kích của không gian phòng khách hay phòng ngủ đã đành, song ngay cả có bước này rồi, đôi khi bạn vẫn "té ngửa" vì sự vênh lệch giữa TV và không gian quanh nó.
Để hỗ trợ bạn tình huống này, bạn có thể tìm kiếm các ứng dụng thực tế tăng cường cho di động (ứng dụng của IKEA là một tùy chọn gợi ý). Ngoài ra, bạn cũng có thể kiếm một thùng carton có kích thước tương đương chiếc TV định mua và ướm thử vào vị trí cần đặt để đánh giá.
Ngoài việc tính toán chiều kích của bức tường mà chiếc TV sẽ dựa lưng vào, bạn cũng cần tính tới khoảng cách từ TV tới vị trí ngồi/nằm xem.
Mặc dù các nhà sản xuất cũng như các chuyên gia đã đưa ra một số con số tham khảo, song thực chất không có một cách tính toán chính xác duy nhất nào để tìm được một kích thước màn hình lý tưởng nếu dựa vào khoảng cách ngồi xem.
Do đó, nếu có thể, tốt nhất là bạn nên trực tiếp đến cửa hàng và ước lượng kích thước TV cũng như khoảng cách phù hợp của mình.
2, Độ phân giải
Cũng giống như laptop hay smartphone, độ phân giải càng cao thì TV hiển thị hình ảnh càng sắc nét. Tuy nhiên kích thước màn hình cũng sẽ ảnh hưởng tới độ sắc nét đó, vì với cùng một độ phân giải, màn hình TV to hơn sẽ không nét bằng cái nhỏ hơn.
Trong năm 2018, phần lớn các loại TV bạn thấy sẽ có độ phân giải 3840 x 2160 pixel, hay còn gọi là độ phân giải 4k. Bạn cũng có thể thấy một số hãng còn sử dụng thuật ngữ Ultra HD, về cơ bản cũng có độ phân giải tương đương.
Nếu bạn định mua một chiếc TV nhỏ (dưới 40 inch), bạn không nên tốn tiền đầu tư loại có độ phân giải 4k vì đơn giản là sẽ không nhận thấy sự khác biệt này.
Tuy nhiên với những TV từ 40 inch trở lên, 4k hiện đang là tiêu chuẩn vàng về độ phân giải và dự kiến sẽ còn là tiêu chuẩn của TV trong nhiều năm tiếp theo.
TV kết nối Internet của Samsung - Ảnh: BLOOMBERG
3, Công nghệ màn hình
Các màn hình TV hiện nay đang lệ thuộc vào hai công nghệ chính là đối thủ cạnh tranh nhau: Màn hình LED LCD và màn hình OLED có giá đắt hơn.
Không dễ để nói công nghệ nào tốt hơn vì các nhà sản xuất đều có những nỗ lực khác trong việc bổ sung những công nghệ tương thích với mỗi loại màn hình này và cả hai công nghệ đều vẫn đang tiếp tục được phát triển, hoàn thiện.
Tuy nhiên vẫn có những khác biệt liên quan tới đặc trưng công nghệ của từng loại. Màn hình LED LCD nhìn chung cho hình ảnh sắc nét hơn OLED và cũng tạo độ sáng trong các hình ảnh bối cảnh có vẻ tự nhiên hơn.
Trong khi đó màn hình OLED có khả năng biểu thị tương phản tốt hơn LED LCD. Và vì chi phí sản xuất loại màn hình này đắt hơn nên kéo theo đó các TV sử dụng công nghệ màn hình này cũng đắt hơn.
Với từng nhà sản xuất, việc ứng dụng công nghệ màn hình cũng có các khác biệt. Chẳng hạn công nghệ Quantum Dot của Samsung khiến các màn hình LED LCD tạo ra màu sắc thuần khiết hơn nhiều so với các màn hình OLED.
Do đó, để cảm nhận rõ ràng sự khác biệt giữa hai loại màn hình này, tốt nhất là bạn nên tới cửa hàng để cảm nhận bằng chính mắt mình.
4, Nền tảng phần mềm
Các nhà sản xuất TV như Samsung, LG và Panasonic đều sử dụng các phần mềm cho smart-TV do chính họ phát triển. Hãng Sony phần lớn dùng HĐH Android TV của Google còn thương hiệu giá rẻ TCL sử dụng phần mềm Roku.
Tuy nhiên cũng phải nói rằng nền tảng phần mềm thực sự không nên là yếu tố quá lớn trong quyết định chọn mua TV của bạn.
Vì tất cả các nền tảng phần mềm của smart-TV đều cũng các tính năng tương tự, trong đó có tính năng truy cập các ứng dụng lớn như Netflix, Hulu và YouTube.
Dĩ nhiên sẽ có những khác biệt đôi chút giữa các nền tảng phần mềm, chẳng hạn Android TV và Roku cung cấp cho người dùng lựa chọn ứng dụng tốt nhất, còn nếu bạn đã quen với các phần mềm này trên những ứng dụng khác, có thể bạn sẽ nghiêng hơn về các phần mềm của Sony hay TCL. Tuy nhiên các khác biệt này không lớn.
Thậm chí nếu không thích dùng phần mềm tích hợp sẵn trên TV, bạn cũng có thể sử dụng các bộ thiết bị hỗ trợ trình chiếu thông minh như ChromeCast và Apple TV.
Các bộ thiết bị hỗ trợ bên ngoài này sẽ chạy nhanh hơn, cung cấp nhiều lựa chọn ứng dụng tốt hơn và thường xuyên được cập nhật hơn so với các nền tảng dịch vụ có sẵn trong TV.
Hãy dành thời gian tìm hiểu về nền tảng phần mềm và kiểm tra số cổng kết nối có trên smart-TV để biết chắc bạn có đủ số cổng kết nối thiết bị khi cần.
Một ngoại lệ cần lưu ý ở đây là: Nếu bạn đã đầu tư "quá mạnh tay" cho các sản phẩm và phần mềm của Google, thì đương nhiên hãy nên tìm mua một chiếc smart-TV chạy trên nền tảng Android TV.
Bởi khi đó tất cả các dữ liệu cá nhân trong các ứng dụng như lịch sử Youtube, Google Photos sẽ dễ dàng đồng bộ hóa với TV mới.
5, Công nghệ nâng cấp hình ảnh
Sau một hồi chọn lựa, có thể bạn đã thu hẹp được danh sách TV sẽ cân nhắc của mình. Tuy nhiên hãy lưu ý tới việc một số TV có thêm chuẩn HDR. Chuẩn này giúp cải thiện phổ màu đáng kể, làm hiển thị chi tiết những phần tối nhất và sáng nhất của hình ảnh.
Hãy kiểm tra xem TV có tích hợp chuẩn HDR không. Bạn có thể thấy có những tiêu chuẩn nâng cấp hình ảnh khác nhau như HDR10 hay Dolby Vision, song nói chung mọi loại TV hỗ trợ chuẩn HDR đều sẽ tạo hình ảnh tốt hơn.
Ngoài ra bạn cũng cần quan tâm tới tần số làm tươi màu màn hình (Refresh rate). Đây là số lần trên một giây tín hiệu hiển thị trên màn hình làm mới lại các hình ảnh, nó được đo bằng đơn vị Hz.
Tần số này càng cao thì chất lượng hình ảnh càng sắc nét và bớt mờ khi bạn xem các hình ảnh có tốc độ hình nhanh và xem thể thao./.
Theo Tuoitre.vn