Tiếng Việt | English

27/12/2018 - 15:51

Cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất

Những ngày cuối năm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần dành cho phóng viên (PV) Báo Long An online cuộc trao đổi về tình hình phát triển KT-XH của tỉnh năm 2018 và những giải pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2019.

► PV: Ông có thể cho biết những kết quả mà tỉnh đã đạt trong năm 2018? 

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần: Năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt mức tăng cao nhất trong những năm gần đây, tăng 10,36% (kế hoạch tăng 9,4%, năm 2017 tăng 9,53%). Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển theo hướng chất lượng cao, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đều phát triển, đạt hiệu quả. Chương trình đột phá của tỉnh về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung thực hiện; bước đầu xây dựng được hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng  công nghệ cao để làm điểm nhân rộng ra toàn vùng. Toàn tỉnh có 68 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 40,9%. 

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần kiểm tra tiến độ thi công các công trình trọng điểm

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần kiểm tra tiến độ thi công các công trình trọng điểm

Ngành công nghiệp tiếp tục phát triển khá nhanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh. Các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng với mức độ khá cao, có 68/75 nhóm ngành có tốc độ tăng so cùng kỳ. Chỉ số phát triển công nghiệp (IPP) tăng 16,05% so cùng kỳ năm 2017.
Thương mại - dịch vụ duy trì ổn định, thị trường nội địa tăng trưởng khá, hàng hóa đa dạng, phong phú, giá cả được quản lý, kiểm soát tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 là 76.600 tỉ đồng, đạt xấp xỉ 100% kế hoạch, tăng 15,8% so cùng kỳ. Công tác xúc tiến thương mại, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa được thực hiện tốt; xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng khá; các ngành dịch vụ phát triển ổn định, góp phần tăng trưởng khu vực thương mại - dịch vụ. Các chương trình đột phá và công trình trọng điểm từng bước mang lại hiệu quả tích cực. Công tác quản lý, điều hành ngân sách được tập trung quyết liệt, kết quả thu đạt khá. 

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội ngày càng tiến bộ. An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng - an ninh cơ bản ổn định. Cải cách hành chính đạt nhiều hiệu quả tích cực. Tỉnh tập trung chỉ đạo củng cố, sắp xếp tổ chức, hoạt động các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy, thực hiện tinh giản biên chế đạt yêu cầu đề ra. 

► PV: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, UBND tỉnh đề ra nhiệm vụ, giải pháp gì để đạt mục tiêu phát triển KT-XH năm 2019 và những năm tiếp theo, thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần: Năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH theo đúng định hướng quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung khắc phục những bất cập, hạn chế của các loại hình quy hoạch nhằm bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Triển khai lập quy hoạch tỉnh theo hướng tích hợp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040. 

Theo dõi chặt chẽ tình tình thời tiết, khí hậu, thủy văn, kịp thời thông tin để người dân chủ động đối phó, tổ chức sản xuất nông nghiệp; tập trung thực hiện các giải pháp chống biến đổi khí hậu. Tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng việc xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình ứng dụng công nghệ cao. 

Duy trì thực hiện chủ trương tiếp nhận đầu tư vào tỉnh; yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương với các nhà đầu tư trong việc thực hiện các cam kết tiến độ đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều hình thức: Tổ chức hội nghị đối thoại; tổ chức kiểm tra, xử lý khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy khu, cụm công nghiệp; tổ chức đoàn công tác của tỉnh xúc tiến đầu tư, thương mại trong nước và ngoài nước,... Kiên quyết thu hồi các dự án không hoặc chậm thực hiện. Tăng cường vai trò chủ động, quyết liệt của các ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm những quyền lợi chính đáng của người dân và nhà đầu tư. 

Tập trung vốn đầu tư công và tăng cường huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước bằng các hình thức thích hợp: Xã hội hóa, hợp tác công tư,... để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, chương trình đột phá. Hoàn thành quy hoạch, xác định phương thức đầu tư trục giao thông kết nối Tiền Giang - Long An - TP.HCM. Đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả hợp tác phát triển KT-XH giữa Long An với các địa phương trong vùng: TP.HCM, Tây Ninh, Tiền Giang và Đồng Tháp; đặc biệt là đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông liên kết vùng.

Thực hiện tốt hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, hàng hóa của tỉnh nhằm góp phần tiêu thụ tốt hơn nông sản hàng hóa; tiếp tục thực hiện hiệu quả liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt tại thị trường TP.HCM. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ lớn, mang tính chất động lực trên địa bàn tỉnh, nhất là các vùng trọng điểm. 

Tập trung thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách theo kế hoạch; siết chặt kỷ luật tài chính, ngân sách ở các ngành, các địa phương. Phải tiết kiệm triệt để, chi theo khả năng cân đối; phấn đấu giảm chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển.

Tiếp tục chỉ đạo quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản. Triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt theo hướng tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ ổn định môi trường; năm 2019, phấn đấu xử lý dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường đang tồn tại, quy hoạch và đầu tư thêm các điểm xử lý rác; bảo đảm thu gom, tiêu hủy hết lượng rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. 

Tập trung đầu tư phát triển văn hóa - xã hội gắn với đẩy mạnh xã hội hóa. Trong đó, UBND tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng cường đào tạo nghề cho công nghiệp, dịch vụ; tập trung thực hiện công tác xã hội hóa đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội; thực hiện tốt các chính sách, bảo đảm an sinh xã hội; tập trung phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tập trung nguồn lực đầu tư cho y tế; nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tiếp tục phát huy giá trị các công trình di tích lịch sử văn hóa; tăng cường kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; thực hiện tốt nhiệm vụ về bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội năm 2019.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị bảo đảm theo tiến độ và lộ trình theo quy định của Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy; đổi mới phương thức, lề lối làm việc, tăng cường ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân ở các cấp, các ngành; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm vi phạm.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ về an ninh, quốc phòng, nội chính, đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là bảo vệ chủ quyền trên tuyến biên giới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tham quan cánh đồng xã Tân Tây

► PV: Ông có thể cho biết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và Long An sẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh đó ra sao trong tiến trình phát triển chung của khu vực?

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần: Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước, cửa ngõ từ miền Đông Nam bộ đi các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ và ngược lại; có biên giới, cửa khẩu, Cảng Quốc tế Long An đã đi vào hoạt động, khai thác. Bên cạnh đó, tỉnh có quỹ đất khu, cụm công nghiệp lớn, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, kết nối thông suốt đến TP.HCM, kết nối hạ tầng giữa các khu công nghiệp và đến Cảng Quốc tế Long An; đây có thể xem là những ưu thế hết sức to lớn trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dân cư - đô thị của Long An so với các địa phương khác trong vùng.

Những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn nhưng nhờ áp dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương, cùng với sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của lãnh đạo tỉnh cũng như sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh, tăng trưởng kinh tế tỉnh luôn ở mức cao trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 68,62 triệu đồng, sản lượng lương thực đạt bình quân hàng năm 2,75 triệu tấn. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ sang công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện, giữ vững sự ổn định chính trị và mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nước láng giềng Campuchia.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, tỉnh sẽ tập trung một số định hướng lớn trong phát triển: Tiếp tục tập trung đầu tư 3 công trình trọng điểm và Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nhằm tạo động lực phát triển công nghiệp, đô thị ở Vùng 3 (gồm các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, một phần huyện Tân Trụ, một phần huyện Thủ Thừa và TP.Tân An); tập trung phát triển nông nghiệp ở Vùng 1 (các huyện vùng Đồng Tháp Mười, một phần huyện Châu Thành, Tân Trụ) thông qua đẩy mạnh thực hiện Chương trình đột phá Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả nhằm nâng cao đời sống người dân; phối hợp các tỉnh, thành trong vùng, đặc biệt là với TP.HCM trong việc đầu tư, hoặc kiến nghị Trung ương đầu tư các công trình mang tính chất kết nối vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4, Quốc lộ N1, mở rộng Quốc lộ N2, Quốc lộ 50,…; tập trung thúc đẩy các dự án đầu tư có quy mô lớn, của các nhà đầu tư có năng lực để tạo đột phá trong sự phát triển của tỉnh.

► PV: Xin cảm ơn ông!

Song Hồng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết