Tiếng Việt | English

02/07/2015 - 11:32

Cảm động một chuyến đi 

Hàng năm, ngày thương binh, liệt sĩ 27-7 đã trở thành ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước.

Hướng về ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7 năm nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An đã tổ chức đoàn các gia đình liệt sĩ đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc và nhà tù Phú Quốc.


Đoàn Gia đình liệt sỹ Long An thắp hương tại nghĩa trang Phú Quốc

Tại Nghĩa trang Phú Quốc, sau khi dâng hương đài liệt sĩ, các gia đình đã đến thắp hương trên các ngôi mộ của thân nhân và cả những đồng đội của người thân mình. Trong đó có hàng ngàn liệt sĩ vô danh đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này.

Trong chuyến đi, có một gia đình 3 thế hệ đã đến thăm mộ liệt sĩ Đặng Tấn Cần. Đó là Mẹ VNAH Thiều Thị Phát, SN1921, cùng vợ liệt sĩ là bà Nguyễn Thị Lệ Hoa và con trai Đặng Tấn Dũng, cả 3 đã vượt chặng đường dài ra huyện đảo để thăm người thân đã hy sinh.



Mẹ, vợ và con trai liệt sĩ Đặng Tấn Cần

Tại nơi an nghỉ của liệt sĩ Đặng Tấn Cần, Mẹ VNAH Thiều Thị Phát đã bùi ngùi lau dòng nước mắt “… Thôi thì con ở lại với anh em của một thời sinh tử, mẹ cũng chỉ có thể thăm con lần này nữa thôi vì đường sá xa xôi và mẹ cũng đã luống tuổi…”

Mẹ VNAH Thiều Thị Phát bùi ngùi ôn lại những kỷ niệm bên mộ con trai.

Một điều đặc biệt nữa là trong đoàn cùng đi còn có gia đình liệt sĩ Lê Văn Nghĩa. Người nhà kể rằng, sau khi thoát ly gia đình tham gia cách mạng, người chiến sĩ ấy bị địch bắt và đày tới nhà tù Phú Quốc. Để đảm bảo bí mật, anh đổi tên là Lê Văn Tiên. Năm 1970 anh hy sinh.

Mãi đến sau này, khi người đồng đội từng bị nhốt chung về kể lại và hướng dẫn gia đình đi tìm. Chuyến đi này cũng là lần đầu tiên gia đình được nhìn thấy mộ anh, sau gần nửa thế kỷ tìm kiếm.

Rời nghĩa trang, đoàn tiếp tục đến thăm nhà tù Phú Quốc, một địa ngục trần gian đã nhốt và tra tấn hàng ngàn chiến sĩ ta trước năm 1975.

Cổng nhà tù Phú Quốc trước năm 1975 (Ảnh tư liệu)

Được biết kỹ nghệ tra tấn nổi danh ở nhà tù Phú Quốc do Bảy Nhu sáng tạo gồm đục răng, đục bánh chè, gậy biệt ly, gậy sanh tử,… Và đã có khoảng 10.000 tù nhân bị hắn và cai ngục đập nát mắt cá chân.

Ngoài ra, còn có “chuồng cọp” chỉ rộng có 24m2, mất 2m2 làm gian tra khảo, chỉ còn lại 22m2 và trần chỉ cao 1,8m, mà hắn lèn tới 300 người. Thiếu không khí để thở, nên các tù binh liên tục chết.

Có ngày, một chuồng cọp chết tới 70-80 người. Hàng ngày, chúng đi kiểm tra, tù binh nào chết thì chúng đưa lên máy bay rồi ném xuống biển. Hắn không quên nhồi thêm tù binh mới cho đủ số lượng kinh khiếp ấy.

Nhiều khi, xem xét các chuồng cọp, thấy lèn chặt tù binh như vậy mà không chết ai, hắn cho đám quân cảnh nã cối 82 ly. Chỉ trong tích tắc, mấy chục tù nhân hy sinh. Chúng kéo xác vào rừng, đào hố sâu, rồi chôn tập thể các chiến sĩ cách mạng.
Bên cạnh đó, Bảy Nhu còn áp dụng đòn tra khảo khủng khiếp không tưởng tượng nổi. Hắn đốt cháy bộ phận sinh dục của chiến sĩ cách mạng để triệt đường sinh sản.

Một hình phạt khác như hắn bắt ông Ba Vạn, một chiến sỹ cách mạng nằm ngửa, căng miệng, rồi đổ chất bột đen vào miệng. Hắn phóng hỏa. Chất bột trong miệng bốc cháy, đốt cháy lưỡi và chín toàn bộ khoang miệng. Ông Ba Vạn ngất xỉu thì hắn ném về phòng giam. Lúc tỉnh dậy, mọi người hỏi, ông không nói được gì, cứ chỉ tay vào miệng. Ú ớ mấy tiếng thì ông ra đi vĩnh viễn.

Cựu tù nào không khai, hắn đều đốt miệng cho im lặng đến hết đời. Tù binh Đặng Văn Bê, quê ở Tiền Giang, là một trong số cả ngàn tù binh bị Bảy Nhu và bọn cai ngục hành hạ đến chết.

Chúng còn dùng chiếc chày vồ nện vỡ hết mắt cá chân, khuỷu tay, vai, đóng đinh vào khắp người anh Bê. Chúng luộc chín tù nhân trong nước sôi sùng sục; tra tấn đánh đập tù nhân đến chết.

Không chỉ luộc tù binh trong chảo, chúng còn có màn “vặt lông gà”, đó là dội nước sôi để tù binh chết nóng một cách chậm rãi hơn. Khủng khiếp hơn trò luộc chín tù binh cộng sản là thú vui giết người tàn bạo bằng trò “bê quay”.

Tên Nhu cùng đám quân cảnh lôi du kích trẻ người Cà Mau ra lấy lời khai. Chẳng làm người du kích này hé răng, nên chúng áp dụng hình phạt thảm khốc nhất.

Một số hình ảnh tra khảo tại nhà tù Phú Quốc được phục dựng:

Các đòn tra tấn còn hơn thời trung cổ đã khiến những người cùng đi trong đoàn không khỏi ngậm ngùi.


Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc - nơi chôn cất những chiến sĩ đã hy sinh tại nhà tù Phú Quốc

Chuyến đi đã để lại nhiều kỷ niệm cho các gia đình khi gặp lại nấm mộ của người thân cũng như đọng lại biết bao ngậm ngùi xen lẫn sự căm hờn trước sự tra tấn tàn nhẫn của kẻ thù.

Được biết, trước đó Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức một đoàn đi thăm Côn đảo. Tháng 7-2015, Sở sẽ tiếp tục đưa đoàn mẹ VNAH về thăm Hà Nội nhân kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ 2015./.

Bùi Diệu - Tấn Lộc




 

Chia sẻ bài viết