Tiếng Việt | English

18/03/2022 - 21:49

Cần đầu tư hạ tầng giao thông và logistics cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 18/3, tại Long An, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức Tọa đàm Phát triển cảng biển và Logistics cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm dự.

Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Quốc tế Long An

ĐBSCL với tổng diện tích 40.572 km2 chiếm 12,3% diện tích đất liền của cả nước, được biết đến là vùng sản xuất nông nghiệp màu mỡ nhất của Việt Nam. Với hệ thống đồng bằng trù phú, hệ thống sông ngòi dày đặc, ĐBSCL có lợi thế lớn trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong đó các mặt hàng chủ lực gồm gạo, thủy hải sản và cây ăn quả với sản lượng dẫn đầu cả nước. 

Nhận thấy thế mạnh của vùng ĐBSCL khi chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, 70% lượng trái cây xuất khẩu và 65% lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước nhưng phần lớn phải vận chuyển lên TP. HCM để xuất khẩu, UBND TP.Cần Thơ và Bộ GTVT đang nghiên cứu triển khai dự án phát triển nhà kho hàng hóa tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ thành trung tâm logistics hàng không để xuất khẩu nông sản, thủy sản, trái cây giúp tăng giá trị xuất khẩu cho nông sản và thủy sản của vùng.

Với vai trò là vựa lúa, vựa nông sản và vựa thủy sản lớn nhất cả nước, vùng ĐBSCL đang hình thành các kho lạnh chuyên dụng hiện đại phục vụ nhu cầu bảo quản các mặt hàng thế mạnh tại đây. Tính đến thời điểm hiện tại, vùng ĐBSCL sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam, chủ yếu phân bố tại Long An, Cần Thơ và Hậu Giang.

Để đáp ứng với sự mở rộng và phát triển thị trường xuất nhập khẩu, vùng ĐBSCL có nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics nhằm hướng đến phục vụ hàng nông thủy sản của toàn vùng, với những dịch vụ logistics chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng. 

Dù có vị trí thuận lợi về giao thông với tổng chiều dài đường thủy lên tới hơn 14.826 km nhưng hệ thống logistics tại ĐBSCL hiện nay vẫn chưa thể phục vụ cho hàng hóa trong vùng. Hiện nay, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP; trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Hiện nay, ĐBSCL hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa, tuy nhiên, 70% lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP.HCM (TP.HCM) và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40% tùy từng tuyến.

Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group trình bày quy mô Cảng Quốc tế Long An tại hội thảo

Đứng trước nhiều khó khăn và hạn chế của ĐBSCL, cùng với hệ thống logistics hiện tại của khu vực TP.HCM đang phục vụ xuất khẩu và giao nhận hàng hoá cho vùng đang quá tải. Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 3383/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long (Nhóm 6) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quyết định hướng đến việc phát triển cảng biển ĐBSCL nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, đảm bảo thực hiện tốt vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Với mục đích phục vụ cho quá trình nghiên cứu kinh tế vùng, làm tham mưu chính sách phát triển kinh tế địa phương, VCCI Cần Thơ tổ chức Tọa đàm Phát triển cảng biển và Logistics ĐBSCL được tổ chức tại Long An – một trong những trung tâm đầu mối xuất khẩu hàng hóa, và là cửa ngỏ tích hợp nhiều dịch vụ cảng biển tiện ích của vùng.

Tọa đàm với sự tham dự của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải), các chuyên gia kinh tế, giao thông, logistic, cùng đại diện các cơ quan liên quan, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong vùng,… cùng thảo luận, đánh giá hiện trạng và thảo luận cơ hội phát triển phát triển; dự báo nhu cầu vận tải để tham vấn chính sách đầu tư phát triển hệ thống kho bãi logistic và kinh tế nói chung cho từng địa phương và vùng ĐBSCL./.

An Thuận

Chia sẻ bài viết