Tiếng Việt | English

30/09/2020 - 21:50

Cần Đước: Điểm sáng về xây dựng xã hội học tập

Xây dựng xã hội học tập (XHHT), huyện Cần Đước, tỉnh Long An có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, với mục tiêu ai cũng được học hành, học thường xuyên, học suốt đời, góp phần vào sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội ở địa phương.

Huyện Cần Đước tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 89/QĐ-TTg và Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ thướng Chính phủ về chủ trương học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và xây dựng xã hội học tập đến năm 2020

Nỗ lực triển khai

Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg, ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án (ĐA) “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, tỉnh triển khai thực hiện đại trà 4 mô hình học tập ở cơ sở: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Đơn vị học tập, Cộng đồng học tập. Theo đó, tỉnh chọn xã Long Trạch làm điểm của tỉnh thực hiện ĐA giai đoạn 2014-2015; đồng thời, huyện Cần Đước chọn xã Tân Lân làm điểm của huyện, các xã, thị trấn còn lại chọn 1 ấp làm điểm triển khai 4 mô hình trên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Để triển khai thực hiện các mô hình, huyện tập trung lãnh đạo, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo theo tình hình thực tế từng năm; thành lập đoàn kiểm tra đánh giá cộng đồng học tập cấp xã; tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả; thường xuyên củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng XHHT,... Đến nay, huyện xây dựng thành công XHHT, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời ở mọi lứa tuổi”.

Huyện Cần Đước xây dựng thành công xã hội học tập vào năm 2020

Điểm sáng về xây dựng xã hội học tập

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đến nay, huyện Cần Đước có 17/17 xã, thị trấn đạt cộng đồng học tập cấp xã; gần 42.840 hộ gia đình được công nhận gia đình học tập; 52 dòng họ học tập; 115/115 ấp, khu phố được công nhận cộng đồng học tập,...

Xã Tân Lân là đơn vị tiêu biểu của huyện trong thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, điều hành xây dựng XHHT. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lân - Trần Thị Yến Nga cho biết: “Xã Tân Lân được huyện chọn làm điểm thực hiện 4 mô hình học tập; đồng thời, xã chọn ấp Ao Gòn, Trường Tiểu học Tân Lân 2, dòng họ Bùi (ấp Xóm Chùa) làm điểm. Theo đó, xã tổ chức tập huấn, hội thi, treo áp phích tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng XHHT; vận động các hộ gia đình đăng ký gia đình hiếu học,... Sau thời gian triển khai, đến nay, xã có 98% gia đình đạt gia đình học tập, 4 dòng họ đạt dòng họ học tập (Bùi, Trần, Nguyễn và Phạm); 11/11 ấp đạt cộng đồng học tập; 5/5 đơn vị đạt đơn vị học tập”.

Huyện Cần Đước xây dựng thành công xã hội học tập vào năm 2020

Huyện Cần Đước xây dựng thành công xã hội học tập vào năm 2020

“Trái ngọt”

Hưởng ứng phong trào xây dựng XHHT, năm 2017, dòng họ Mai (ấp 4, xã Long Cang) mạnh dạn đăng ký dòng họ học tập, với 10 gia đình và 45 thành viên tham gia. Tại đây, dòng họ Mai thành lập Quỹ Khuyến học để khen thưởng con cháu trong dòng họ đạt thành tích cao trong học tập và giúp đỡ con cháu khó khăn về chi phí học tập.

Trưởng tộc - Mai Thị Tiếu khẳng định: “Hiện nay, dòng họ Mai có 1 thạc sĩ, 4 cử nhân, 1 cao đẳng, 1 trung cấp,... Ngoài ra, dòng họ Mai còn có 2 cháu đang học Đại học ngành Y, 1 cháu đang học Đại học Bách khoa và nhiều cháu đang học THPT, với thành tích học tập đạt loại khá trở lên. Nhờ xây dựng dòng họ học tập đã tạo ra không khí học tập sôi nổi, khắc phục khó khăn trong mỗi gia đình. Đặc biệt, những người lớn tuổi trong gia đình cũng không ngừng tự học để nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Bị khuyết tật, kinh tế gia đình khó khăn, thế nhưng anh Huỳnh Quang Huyện, ngụ ấp Đồng Tâm, xã Long Trạch, luôn kiên trì vượt khó nuôi 4 người con ăn học thành tài. Được biết, trước đây, anh Huyện là học sinh khá giỏi và tốt nghiệp THPT năm 1982. Do kinh tế gia đình khó khăn nên anh đành từ bỏ ước mơ đến giảng đường đại học. Và ước mơ đó được anh gởi trọn vào 4 người con.

Anh Huyện trải lòng: “Năm 2015, tôi thực hiện mô hình Gia đình học tập. Để thực hiện tốt mô hình, tôi xây dựng góc học tập, thời khóa biểu đọc sách cho các con, đồng thời động viên các con không ngừng học tập nâng cao trình độ, tay nghề, chuyên môn. Còn bản thân tôi thì thực hiện mô hình Nuôi heo đất để có tiền lo cho con ăn học. Giờ đây, các con tôi đã là thạc sĩ, kỹ sư, giáo viên và có việc làm ổn định”.

Xây dựng XHHT cũng đồng nghĩa xây dựng một xã hội tiến bộ, phát triển và ổn định. Và thời gian qua, huyện Cần Đước đã trở thành điểm sáng trong xây dựng XHHT, góp phần nâng chất huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết