Tiếng Việt | English

14/12/2017 - 03:05

Cần Đước: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt kết quả bước đầu

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhiệm kỳ 2015-2020 về phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững..., Huyện ủy, UBND huyện tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, từng bước cải thiện đời sống nông dân. Qua khảo sát thực tế, Cần Đước xác định, sản xuất nông nghiệp của huyện tập trung chủ yếu: con gà, tôm, cây rau và lúa (2 cây, 2 con); từ đó, các ngành chuyên môn quy hoạch vùng sản xuất, đồng thời, xây dựng các mô hình điểm đạt kết quả khá tốt.

Triển khai mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Để người dân thông suốt chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện, an toàn, bền vững, chất lượng cao, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền: Thông qua hội nghị triển khai nghị quyết, sinh hoạt các đoàn thể trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân nắm bắt, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tư duy canh tác thay đổi. Ngành nông nghiệp tổ chức các mô hình, áp dụng công nghệ mới, xây dựng quy trình sản xuất hiệu quả để tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Sử dụng máy nông nghiệp thay thế lao động thủ công được áp dụng rộng rãi trên đồng ruộng Cần Đước

Toàn huyện triển khai 5 mô hình trình diễn sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) với diện tích 5ha ở các xã: Long Hòa, Long Trạch, Long Khê, Phước Vân (Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học). Huyện cũng hỗ trợ phân bón thực hiện 3 mô hình, nhân rộng cho 707 hộ với diện tích 183ha. Qua triển khai mô hình, nhận thức của người dân về sản xuất rau an toàn được nâng lên, từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Mô hình này giảm chi phí sản xuất và sâu, bệnh, hiệu quả cao hơn so với cách trồng truyền thống. Hiện nay, nông dân tiếp tục mở rộng diện tích. Nông dân thực hiện 85ha trồng rau trong nhà lưới, có hệ thống tưới tự động; có trên 200ha rau màu sử dụng phân hữu cơ, vi sinh thay thế phân vô cơ, đạt hiệu quả cao.

Đối với các xã vùng hạ, nhất là các xã vùng ngập mặn, với thế mạnh nuôi trồng thủy sản, việc đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất cũng được thực hiện. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện phối hợp Sở Khoa học Công nghệ chọn 2 mô hình điểm nuôi tôm ƯDCNC tại ấp 6, xã Tân Ân và ấp Lăng, xã Tân Chánh. Ngoài ra, toàn huyện có gần 150ha nuôi tôm công nghiệp (mật độ 60 con/m2, trang bị máy cho ăn, máy quạt nước, máy thổi oxy, đạt năng suất 4-5 tấn/ha, có hộ 8-10 tấn/ha). Hầu hết, nuôi tôm theo mô hình công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, các xã tiếp tục vận động, hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình phù hợp thực tế, khả năng đầu tư; tổ chức cho nông dân tham quan mô hình, tập huấn kỹ thuật nuôi tiên tiến, hỗ trợ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện.

Hỗ trợ tìm đầu ra ổn định

Song song triển khai các mô hình ƯDCNC, huyện tập trung củng cố, xây dựng các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Huyện Cần Đước hiện có 6 hợp tác xã chuyên canh rau, được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 3 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại xã Long Hòa và Phước Vân. Các ngành chức năng huyện tạo điều kiện cho hợp tác xã, nông dân giao lưu với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, mở 4 điểm bán rau sạch tại các chợ trên địa bàn huyện.

Ngoài con tôm, chăn nuôi gà cũng là thế mạnh của nông dân Cần Đước, đặc biệt là tại xã Tân Lân. Ngành nông nghiệp triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chăn nuôi phát triển, điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi gà tại xã Tân Lân, hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại Hợp tác xã Chăn nuôi Tân Mỹ với 5 hộ tham gia, quy mô 1.000 con/hộ, ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà thịt với Công ty Đại Việt, tạo đầu ra ổn định; hướng dẫn thành lập Hợp tác xã Nuôi gà đẻ Ao Gòn, xã Tân Lân và đăng ký sản xuất theo chuẩn VietGAP. Số lượng đàn gà đẻ tại xã Tân Lân duy trì ổn định với 78 trang trại, 350 gia trại, tổng đàn hơn 500.000 con. Tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện 938.700 con.

Bên cạnh chăn nuôi, trồng rau màu, lúa vẫn là cây trồng chủ lực. Phát huy thế mạnh trong xây dựng cánh đồng lớn, tạo mối liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao, năm 2017, phòng nông nghiệp xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 145,8ha tại xã Tân Ân, Phước Vân và Phước Đông, duy trì hình thức bao tiêu sản phẩm tại cánh đồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào với diện tích 100ha, xã Phước Tuy với diện tích 15ha.

Qua 2 năm triển khai chương trình nông nghiệp an toàn, bền vững, chất lượng cao, huyện hoàn thành đề án, xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực, triển khai các mô hình mang lại kết quả cao, được người dân đồng tình. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Ngoài ra, do sản xuất phân tán nhỏ, lẻ, việc đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn; sản phẩm chưa có thị trường ổn định, nông dân thiếu vốn đầu tư ban đầu;...

Để xây dựng nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, chất lượng cao, đòi hỏi sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Ban Chỉ đạo huyện cần xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể cho từng vùng, từng loại cây, con; đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình cụ thể, không dàn trải; nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước cùng tham gia với nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống nông dân, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020./.

Kim Khánh

Chia sẻ bài viết