Tiếng Việt | English

02/06/2016 - 13:59

Cần Giuộc hiệu quả từ các tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp

Thực hiện chương trình Nông nghiệp, nông thôn và nông dân, thời gian qua để từng bước phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người dân, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích người dân thực hiện chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn, tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao để người dân mạnh dạn áp dụng vào trong sản xuất.


 Kinh tế hợp tác mang lại hiệu quả trong nông nghiệp

Toàn huyện, hiện có trên 1.800ha chuyên canh trồng rau màu các loại. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các xã Phước Hậu, Phước Lâm, Mỹ Lộc và Long Thượng. Với các loại cây trồng chủ lực như rau ăn lá, rau gia vị và các loại rau khác. Tổng sản lượng hàng năm đạt 150.000 tấn. Để giúp nông dân sản xuất ổn định, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, những năm qua, Hội Nông dân các cấp thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đồng thời, tham gia hỗ trợ, cung cấp thông tin, kỹ thuật giúp các hợp tác xã (HTX) trồng rau có định hướng trong sản xuất và tiêu thụ phù hợp với các loại cây trồng thích hợp. Hiện có 6 HTX, 1 liên hiệp HTX và 22 tổ liên kết sản xuất trong lĩnh vực rau an toàn. Trong đó, HTX Phước Thịnh được thành lập từ năm 2012, với 9 xã viên ban đầu. Qua gần 5 năm hoạt động, HTX phát triển, liên kết hợp tác sản xuất với 40 xã viên, mở rộng quy mô sản xuất với diện tích 10ha. Hàng ngày, qua sơ chế, HTX cung cấp từ 1,5 đến 2 tấn rau, củ, quả các loại cho các siêu thị tại thành phố, bếp ăn tại các khu công nghiệp, nhà trẻ trong và ngoài huyện với tổng mức doanh thu hàng năm trên 300 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra của các mặt hàng rau không ổn định; giá cả bấp bênh, còn phụ thuộc nhiều vào các thương lái. Để tạo đầu ra ổn định cho xã viên trong các HTX đòi hỏi địa phương cần quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp,… góp phần nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu có uy tín cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, từ đó, nông dân tích cực đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Kim Hoàng-Chí Hiếu

Chia sẻ bài viết