Tiếng Việt | English

16/07/2019 - 20:00

Cần Giuộc: Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững

Những năm qua, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An là điểm sáng của tỉnh trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững (GNBV). Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm qua từng năm, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng lên.

Năm 2016, xã Phước Vĩnh Đông có trên 20,94% hộ nghèo. Thực hiện theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về GNBV, xã được hỗ trợ trên 55,5 tỉ đồng xây dựng hạ tầng giai đoạn 2016-2019, trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trên 4 tỉ đồng; nguồn vốn tỉnh và huyện gần 50 tỉ đồng, nhân dân đóng góp 1,5 tỉ đồng. Đồng thời, xã còn được hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng các mô hình giảm nghèo: Nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi gia cầm và dự án “Nhân rộng mô hình vốn sinh kế”. 

Xã Phước Vĩnh Đông vận động xã hội hóa tặng quà cho người nghèo

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông - Nguyễn Minh Thuận chia sẻ: “Bên cạnh việc phát huy tốt những chính sách, chương trình dành cho xã bãi ngang, xã chủ động rà soát, đánh giá, phân loại hộ nghèo, từ đó có biện pháp GNBV, tránh tình trạng để phát sinh hộ nghèo hoặc tái nghèo. Ngoài ra, xã còn chủ động vận động xã hội hóa xây nhà tình thương, Đại đoàn kết, tặng quà cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, toàn xã còn 4,7% hộ nghèo”.

Bà Trần Thị Bỉ, ngụ xã Phước Vĩnh Đông, thuộc diện hộ nghèo neo đơn, không có khả năng lao động. Vì thế, xã đưa bà Bỉ vào danh sách hộ nghèo bền vững, đồng thời ưu tiên cho bà được nhận quà, gạo, nhu yếu phẩm từ các đoàn từ thiện, mạnh thường quân. Bà Bỉ tâm sự: “Nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành và mạnh thường quân, tôi vui lắm! Dù cuộc sống tôi không bằng nhiều người nhưng ổn định, không thiếu ăn, thiếu mặc”.

Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống, năm 2019, huyện chọn xã Phước Lâm thực hiện mô hình trồng rau an toàn. Tại đây, huyện hỗ trợ vốn cho 9 hộ nghèo, mỗi hộ 15 triệu đồng, với thời gian 36 tháng. Điều đặc biệt là khi hết thời gian quy định, hộ nghèo chỉ cần hoàn trả vốn 30%/tổng số tiền hỗ trợ, đồng thời số tiền trả lại tiếp tục được hỗ trợ những người nghèo khác khi có nhu cầu. Đây được xem là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với người nghèo - những người yếu thế trong xã hội. 

Huyện Cần Giuộc thường xuyên tạo điều kiện cho người nghèo vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp

Huyện Cần Giuộc thường xuyên tạo điều kiện cho người nghèo vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp

Không chỉ tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, huyện còn chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với tình hình thực tế ở địa phương; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế,... Bên cạnh đó, huyện còn giới thiệu người nghèo làm việc trong các công ty, xí nghiệp trên địa bàn,...

Trước đây, cuộc sống của 5 thành viên trong gia đình bà Huỳnh Thị Mười, ngụ xã Phước Hậu, dựa vào số tiền làm thuê “ngày có, ngày không” của chồng bà nên luôn thiếu trước, hụt sau. Do đó, bà Mười quyết định đi làm công nhân để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, đi làm chưa được bao lâu, bà Mười xin nghỉ, vì không có thời gian chăm sóc gia đình. Biết được hoàn cảnh gia đình, chính quyền địa phương giới thiệu bà Mười vào làm việc tại Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh (ấp Trong, xã Long Hậu). Nhờ vậy, bà Mười vừa có thu nhập ổn định, vừa có thời gian chăm sóc gia đình, nhất là vươn lên trở thành hộ khá giàu ở địa phương.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Giuộc - Hồ Văn Sơn nói: “Các chương trình, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về GNBV góp phần tích cực cùng địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Kết quả cuối năm 2018, huyện còn 2,16% hộ nghèo (thoát nghèo 275 hộ), cận nghèo 3,21%. Thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng những mô hình hiệu quả trong công tác giảm nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo để mọi người hiểu giảm nghèo không phải là trách nhiệm của riêng ai”./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết