Tiếng Việt | English

10/01/2023 - 12:10

Canh tác lúa thân thiện với môi trường

Đây là mục tiêu mà Hội Nông dân (HND) Việt Nam tỉnh Long An đang hướng đến, giúp ND thay đổi tập quán sản xuất, vừa tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, vừa góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường được nhiều nông dân hưởng ứng

Trước đây, ông Ngô Văn Thiện (ấp 2, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) nghĩ việc sản xuất lúa theo hướng sạch, thân thiện với môi trường rất khó áp dụng. Sau khi tham gia Dự án Tuyên truyền, vận động ND áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam (Dự án) được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó có xã Mỹ An, ông nhận thấy việc canh tác lúa thân thiện với môi trường rất dễ làm, chi phí sản xuất thấp, năng suất và lợi nhuận tăng trên cùng một diện tích. Khi được HND Việt Nam tỉnh chọn làm điểm 5.000m2 thực hiện mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường, qua so sánh với mô hình đối chứng, chi phí sản xuất giảm gần 1,5 triệu đồng từ việc giảm phân, thuốc, giống, nhân công lao động,...

Ông Thiện cho biết: “Không riêng tôi mà những ND tham gia Dự án đều thấy mô hình rất dễ làm. Vì vậy, tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của gia đình sang canh tác lúa thân thiện với môi trường".

Hiện nay, Dự án được thực hiện ở 4 địa phương trong tỉnh, gồm: Xã Mỹ Phú, Mỹ An (huyện Thủ Thừa); xã Thuận Nghĩa Hòa, Thủy Đông, (huyện Thạnh Hóa). Thời gian thực hiện từ tháng 7/2021 đến 6/2023, nguồn kinh phí từ Ban Quản lý dự án Trung ương. Khi tham gia Dự án, nông dân được kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn về các kỹ thuật như xử lý đất; tưới khô xen kẽ; xử lý rơm, rạ; quy trình bón phân; đồng thời, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật;...

Ông Nguyễn Thanh Tùng (kỹ sư nông nghiệp, chuyên gia của Dự án) chia sẻ: “Nhiều ND vẫn còn quan niệm sản xuất lúa phải đạt năng suất thật cao mà không chú trọng đến chất lượng. Điều này làm cho nông sản sau khi thu hoạch tồn dư thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. Ngoài ra, ND còn canh tác lúa dựa vào kinh nghiệm mà không thay đổi tập quán sản xuất như cứ thấy sâu, rầy là phun thuốc, chưa biết cách dùng thiên địch phòng trừ côn trùng gây hại,... Do đó, việc triển khai, thực hiện Dự án là giải pháp hiệu quả để thay đổi quan niệm sản xuất của ND”.

Để hạn chế ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, ND phải thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và hạn chế sử dụng thuốc hóa học. Phó Chủ tịch HND Việt Nam tỉnh - Trần Quốc Quân cho biết: “Sản xuất sạch, thân thiện với môi trường là hướng đi tất yếu của ngành Nông nghiệp hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tin rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, Dự án sẽ ngày càng được lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của ND”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết