Tiếng Việt | English

26/06/2023 - 10:56

Câu lạc bộ Lân Sư Rồng - Nơi nuôi dưỡng ước mơ

10 năm qua, Câu lạc bộ Lân Sư Rồng tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Long An trở thành sân chơi lành mạnh cho thanh, thiếu niên từ 14 tuổi trở lên được rèn luyện thể lực, sống hết mình với đam mê và bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp.

Mỗi tối, cứ đến 19 giờ 30 phút, các thành viên của CLB họp mặt tại sân sau Nhà Thiếu nhi tỉnh, cùng tập luyện bộ pháp, bài múa lân, sư, rồng và trò chuyện về hoạt động trong ngày. CLB Lân Sư Rồng được thành lập từ năm 2013 do ông Ôn Quan Huy (SN 1969, ngụ phường 2, TP.Tân An) làm chủ nhiệm. Với trên 20 năm gắn bó với nghề, ông Huy mong muốn truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ; đồng thời, giúp các em có thể trang trải phần nào cuộc sống.

Ông Huy chia sẻ: “CLB tuyển thành viên thường xuyên và hoàn toàn miễn phí. Các em có hoàn cảnh khác nhau, em thì khá giả, em lại khó khăn, có em mồ côi hoặc đã nghỉ học và bắt đầu đi làm từ sớm. Vì vậy, khi giảng dạy, tôi muốn hướng dẫn các em thuần thục một kỹ năng như đánh trống, múa lân,... theo năng khiếu trước để tham gia biểu diễn, có thêm thu nhập. Sau đó, các em tiếp tục luyện tập, nắm chắc toàn bộ kỹ thuật bộ môn múa lân, sư, rồng”.

Câu lạc bộ Lân Sư Rồng tham gia biểu diễn cho sự kiện tại Bến Lức (Ảnh: Hà Lan)

Đối với ông Huy, CLB không chỉ là nơi dạy cho thanh, thiếu niên về nghề múa lân mà còn là "ngôi nhà chung" để cảm thông, dẫn dắt học viên đi đúng hướng. Với những em đang ngồi trên ghế nhà trường, ông khuyến khích tiếp tục học; còn những người đã nghỉ học, ông khuyên tìm kiếm công việc ổn định. Đồng thời, tạo điều kiện cho các thanh niên từng mắc sai lầm hòa nhập vào CLB, vượt qua mặc cảm, tự ti để vươn lên trong cuộc sống.

Anh Huỳnh Thanh Quý (SN 1997, ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) là một trong những thành viên lâu năm của CLB. Từ sự yêu thích với bộ môn múa lân, sư, rồng ngay từ khi còn nhỏ, anh Thanh Quý đã được bạn bè giới thiệu để tham gia vào CLB và hoạt động cho đến nay.

Anh Thanh Quý bày tỏ: “Tôi đến với múa lân từ năm 2018. Trước đây, nhìn thấy người khác biểu diễn, tôi nghĩ đơn giản, đến khi tự mình thực hiện thì rất khó. Vì bộ môn nghệ thuật này đòi hỏi phải nắm chắc kỹ thuật, hiểu rõ cảm xúc với lân để múa đúng, múa đẹp”. Anh Thanh Quý kể, có một lần tập múa mai hoa thung, anh bị ngã từ độ cao 2-3m xuống đất, chấn thương nặng phần ống quyển. Vết thương sưng tấy trong nhiều ngày, tuy nhiên, ngay khi cảm thấy có thể đi đứng bình thường, anh liền quay lại tập luyện cùng CLB.

Theo ông Huy, các thành viên CLB có những công việc riêng như làm shipper, thợ hàn sắt, nhôm,... nhưng đều sắp xếp tập luyện cùng nhau mỗi tối, dành thời gian rảnh tham gia biểu diễn sự kiện, khai trương, lễ, tết. Tiền thù lao một phần được trích ra cho việc đi lại, trang phục, đạo cụ; phần còn lại sẽ chia đều cho các thành viên, mỗi người từ 100.000-200.000 đồng.

“Tôi rất muốn các em được giao lưu, tham gia các cuộc thi về bộ môn múa lân, sư, rồng để thỏa niềm đam mê và mở mang tri thức. Thời gian tới, hy vọng CLB được nhiều người biết đến hơn để chúng tôi có cơ hội phục vụ người dân, các cơ quan, tổ chức, qua đó, vừa có thêm nguồn vốn đầu tư đạo cụ, trang phục biểu diễn, vừa tạo điều kiện tăng thu nhập, giúp các em trang trải cuộc sống” - ông Quan Huy tâm sự.

Múa lân, sư, rồng là bộ môn múa dân gian, thường góp mặt trong các sự kiện, dịp lễ hội, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán,... Sự ra đời và duy trì CLB Lân Sư Rồng tại Nhà Thiếu nhi tỉnh góp phần bảo tồn loại hình múa nghệ thuật đặc sắc cho thế hệ trẻ./.

Hoàng Lan

Chia sẻ bài viết