Tiếng Việt | English

12/10/2020 - 14:55

Cây lục bình, từ nổi trôi đến xu thế hàng mỹ nghệ

Suốt đời trôi nổi lên đênh
Cái tai giống mũ có vành cong cong
Góc ao hồ, mặt nước sông
Lọc nước, nuôi lợn góp công với người
Bị chê là rẻ nhất đời
Mùa hoa nở tím sáng ngời ao quê?

Cây lục bình trôi nổi trên sông là hình ảnh quen thuộc với người dân trong tỉnh, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười. Lục bình là cây mọc dại và không có giá trị kinh tế, cho đến khi nghề đan lục bình xuất hiện.

Những nhánh lục bình trôi nổi ven sông qua bàn tay khéo léo của người thợ đan lục bình lại trở thành nguồn cải thiện kinh tế cho những phụ nữ nông thôn.

Nghề đan lục bình giúp nhiều phụ nữ có thêm thu nhập

Nghề đan lục bình giúp nhiều phụ nữ có thêm thu nhập

Công phu phơi, cắt lục bình

Sáng nào cũng vậy, ngày mới của bà Lê Thị Ý (xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) bắt đầu bằng việc chèo xuồng ra sông cắt lục bình. Trời vừa rõ mặt người là bà Ý đã đi, đến khoảng 9 giờ, khi nắng lên cao lại quay xuồng về với ăm ắp lục bình trên khoang. Bà Ý kể, bà làm nghề cắt lục bình đã hơn 5 năm, từ khi địa phương có người đan lục bình. Những nhánh lục bình trôi nổi trên sông tưởng chừng vô giá trị bây giờ lại trở thành nguồn cải thiện kinh tế của bà. Mỗi buổi sáng như vậy, bà cắt được khoảng 50kg lục bình tươi, sau khi phơi khô còn 4-5kg, bán giá trung bình 13.000 đồng/kg. Bà Ý nói: “Tui chỉ cắt lục bình lúc sáng sớm, nắng lên thì trải lục bình ra phơi. Lớn tuổi rồi nên không làm nhiều. Tui bán lục bình cho người đan gia công và cho mấy cơ sở lớn nên đầu ra ổn định”.

Nghề cắt và phơi lục bình tưởng dễ nhưng cũng lắm công phu. Cắt lục bình nên chọn loại cây dài, suôn thẳng thì lúc đan, người thợ sẽ ít tốn công nối và thời gian. Lục bình phải phơi “đặng nắng” thì thành phẩm lục bình khô mới trắng, bán được giá. Nếu không, lục bình sẽ bị ám đen, giá trị giảm đi nhiều.

Bà Lê Thị Loan (xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) - người thành lập Tổ Đan gia công lục bình Thạnh Phước, cho biết, tại tổ hợp tác của bà, lục bình trắng được mua với giá cao vì dùng được cho nhiều loại sản phẩm khác nhau, còn lục bình đen chỉ dùng đan giỏ, hộp theo cách lồng vào khung sắt có sẵn nên giá cũng thấp hơn nhiều.

Bà Loan nói: Cây lục bình góp phần giúp phụ nữ nơi đây có việc làm thêm, tăng thu nhập, cuộc sống được ổn định hơn. Hồi xưa chưa có nghề đan lục bình thì lục bình trôi sông không ai để mắt tới”. Người khéo tay, tỉ mỉ khi tham gia tổ hợp tác đan lục bình, mỗi tháng có thu nhập từ 3-6 triệu đồng tùy khả năng từng người. Không làm nghề đan thì có thể chọn cắt lục bình, phơi khô bán nguyên liệu như bà Ý cũng có được nguồn thu ổn định.

Những nhánh lục bình trôi nổi trên sông, qua bàn tay người thợ trở thành sản phẩm bền, chắc, mềm mại, được thị trường ưa chuộng

Những nhánh lục bình trôi nổi trên sông, qua bàn tay người thợ trở thành sản phẩm bền, chắc, mềm mại, được thị trường ưa chuộng

Trở thành những sản phẩm đẹp mắt

Nghề đan lục bình giờ đây có mặt ở nhiều địa phương vùng Đồng Tháp Mười như Tân Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa,... Ở Thạnh Phước, bà Loan có thể được xem là người đầu tiên đem nghề đan lục bình về với địa phương này. Hiện nay, tổ hợp tác của bà có khoảng 170 hộ tham gia, nhận đan gia công tất cả các mẫu sản phẩm từ cây lục bình. Bà Loan chia sẻ: “Công ty chỉ cần gửi mẫu bằng hình ảnh, tôi sẽ tìm cách đan và hướng dẫn chị em thực hiện”. Hầu như chưa có mẫu hàng nào làm khó được bà Loan.

“Làm nghề này, điều đầu tiên phải chịu khó. Đan lục bình thì tỉ mỉ sẽ làm được nhưng phải làm ra sản phẩm đẹp và đa dạng mới giữ được khách hàng và duy trì công việc lâu dài cho chị em trong tổ” - bà Loan nói. Chính vì quan điểm đó, bà thường động viên chị em trong tổ tỉ mẩn trong từng chi tiết của sản phẩm. Những thành phẩm không ưng ý, bà thuê người đến tháo ra, sửa lại chứ không giao sản phẩm lỗi cho khách hàng. Có lẽ nhờ vậy, tổ hợp tác của bà Loan ngày càng phát triển, bảo đảm việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ trong và ngoài xã. Bà Loan kể: “Khi đơn hàng ngày một nhiều, tôi hướng dẫn một số chị em ở xã Thuận Nghĩa Hòa (huyện Thạnh Hóa) thành lập một tổ riêng. Giờ tổ đó cũng hoạt động ổn định lắm”.

Nhìn kho hàng đầy ắp những sản phẩm từ lục bình, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi chẳng ngờ rằng, loại cây mọc dại trên sông nước lại có thể trở thành đa dạng sản phẩm như vậy. Không chỉ có hộp, giỏ, thảm mà cả những sản phẩm mỹ nghệ treo tường, không chỉ đan nong mốt mà nhiều sản phẩm còn đan hoa văn đẹp mắt.

Những nhánh lục bình trôi nổi trên sông, qua bàn tay người thợ trở thành sản phẩm bền, chắc, mềm mại, được thị trường ưa chuộng. Cây lục bình đang góp phần giúp những phụ nữ vùng sông nước ổn định cuộc sống./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết