An An chờ ngày cha về, cha sẽ mua nhiều bánh, sẽ chở hai chị em đi chơi
“Con trông cha về mua bánh cho con ...”
“Đêm nào con cũng gọi điện thoại cho đỡ nhớ cha! Con trông cha về mua bánh cho con” - Nguyễn Phước An An (7 tuổi) vừa nói, vừa dụi đầu vào người mẹ, đôi mắt trong veo chực ngấn nước. Tính đến nay, Đại úy Nguyễn Anh Việt (Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã trực chiến gần 1 tháng. Suốt khoảng thời gian đó, anh chỉ gặp con qua màn hình điện thoại và hứa hẹn đủ điều cho ngày cha về. An An chờ cha về sẽ mua nhiều bánh, chở hai chị em đi chơi. Vậy mà, An trông hoài vẫn chưa thấy cha về!
Vuốt tóc con, chị Nguyễn Thị Dễ (vợ anh Việt) kể: “Ở nhà, cha là người hay cưng chiều mấy đứa, mẹ thì nghiêm khắc hơn nên hai đứa mến cha lắm. Đợt này dịch bệnh, anh trực suốt, mấy mẹ con ở nhà với nội. Cũng có buồn, có chút sợ nhưng ở nhà ráng sắp xếp cho anh an tâm”. Bé Nguyễn Phúc Song An (13 tuổi) - con gái lớn của anh Việt và chị Dễ, tiếp lời mẹ: “Vì làm bộ đội nên cha phải đi thôi”. Bước sang tuổi thiếu niên nên Song An trầm tính, ít khi nói nhớ cha như em gái. Nhưng Song An mong mau hết dịch để cha về chở em đi học như trước.
Chiều nào cũng vậy, trời chập choạng tối là mấy mẹ con đóng chặt cửa, vào nhà gọi điện thoại cho cha. “Mấy cha con làm loạn lên với nhau trong điện thoại”, chị Dễ cười khi nhắc tới những cuộc gọi của anh và các con - thời khắc sum vầy, hạnh phúc nhất của gia đình trong những ngày anh trực chiến vì dịch bệnh!
Lúc trước, dù vẫn duy trì trực đơn vị nhưng anh Việt có thời gian về nhà, đưa đón các con đi học mỗi ngày và kể cho nhau nghe đủ chuyện. Từ dạo con tạm nghỉ học, anh lại trực nhiều hơn nên cha con không có thời gian gặp nhau. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các gia đình phần nhiều được sum vầy thì những đứa trẻ nhà anh Việt lại đếm từng ngày mong được gặp cha. Hỏi Song An ước muốn lớn nhất của em là gì, cô bé cười: “Em trông cho hết dịch bệnh”. Lúc đó, em sẽ được trở lại trường, cha lại về nhà và chở em đi học mỗi ngày.
Trác và em gái chơi với nhau những ngày cha đi vắng
“Nhưng cha hay đi vắng quá!”
Điểm chung của những gia đình có chồng làm bộ đội là phần lớn việc nhà đều do vợ lo toan, những đứa trẻ trong nhà cũng quen dần với việc cha hay đi vắng. Nhà Thượng úy Bạch Văn Chờ (Đồn Biên phòng Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) gần đơn vị công tác nhưng suốt nhiều tuần qua, anh chưa về được. Khi quy định cách ly xã hội được ban hành, cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải “căng mình” vừa bảo vệ đường biên giới, vừa làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Các anh thay nhau “cắm chốt”, khó khăn, vất vả đủ bề. Công việc nhiều, kỷ luật nghiêm nên dù nhà cách đơn vị không đến 10 phút đi xe máy, anh cũng không thể về. Ở nhà, mọi việc trong ngoài, một mình chị Võ Thị Hoa (vợ anh) lo liệu.
Thấy khách đến nhà, Bạch Võ Nguyễn Trác (8 tuổi) - con trai anh Chờ, vội vã mở cổng chào rồi đi gọi mẹ. Em giúp mẹ bưng nước lên mời khách, rồi đưa em gái ra trước sân nhà chơi. Căn nhà nhỏ gọn, sạch sẽ, 2 anh em chơi với những viên bi, Trác nhẹ nhàng nhường cô em gái, tiếng cười vang một góc sân. Là anh lớn trong nhà nên dù nhỏ tuổi nhưng Trác tỏ ra chững chạc. Từ năm học lớp 2, em đã tự mình đi xe đạp tới trường. Ở nhà, Trác chăm chỉ giúp mẹ những việc em có thể làm được: Quét, lau nhà, rửa chén, chăm sóc vườn rau, chơi với em,...
Chị Hoa kể, từ hôm anh trực chiến đến nay, hầu như đêm nào, mấy cha con cũng gọi nhau qua video rồi tỉ tê tâm sự. “Mấy đứa nhỏ ở nhà, đứa nào cũng mến cha. Cha chẳng khi nào la mắng, mỗi lần về là cưng chiều tụi nhỏ” - chị Hoa cười, giải thích. Thời gian trước, dù bận công tác, anh vẫn sắp xếp thời gian về thăm nhà. Chiều chiều, mấy cha con cùng nhau tưới hàng cây kiểng trước sân. 2 con nhỏ lon ton chạy theo bước chân cha nói chuyện. Rồi dịch bệnh mỗi lúc một phức tạp hơn, anh trực chiến đơn vị 24/24 suốt thời gian qua. Ngày anh đi, con gái cứ bám lấy cha năn nỉ “cha ẵm con thêm xíu nữa, xíu nữa thôi”. Con mãi không chịu buông ra làm chị Hoa phải ẵm vào nhà dỗ cho anh đi kẻo trễ.
Đang ngồi chơi với em, bất ngờ được hỏi con có thích cha làm bộ đội hay không, Trác lí nhí trả lời: “Con thích. Nhưng cha hay đi vắng quá!”.
Vì cha con là bộ đội!./.
Phương Phương