Việt Nam nên tận dụng cơ hội giá gạo cao để xuất khẩu. Trong ảnh: Tập đoàn Tân Long đóng gạo đưa lên xe tải đi xuất khẩu - Ảnh: VĨNH SƠN
Theo đó, Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
Ông Cua nhận định rằng giá gạo hiện đang ở mức cao nhất lịch sử, nên giải pháp tốt nhất cho Việt Nam là tăng cường sản xuất để có gạo xuất khẩu càng nhiều càng tốt để thu lợi về cho nông dân, cho doanh nghiệp và thu ngoại tệ về cho đất nước.
Hiện thương lái vẫn đang đặt cược với giá lúa non 8.500 đồng/kg, họ cũng đặt cọc trước với nông dân. Giá cao thôi thúc nông dân xuống giống sớm, đặc biệt ở vùng ven biển lại phù hợp với chủ trương của Bộ NN&PTNT để tránh hạn mặn vào giai đoạn sau của cây lúa.
Do vậy, vụ đông xuân này, ĐBSCL sẽ có nhiều lúa chín trong Tết, lại có giá cao giúp nông dân có Tết cổ truyền sung túc hơn mọi năm.
* Thưa ông, nhưng cũng có ý kiến lo ngại nếu Việt Nam ồ ạt xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực?
- An ninh lương thực nước ta không còn là vấn đề lớn như trước kia nữa. Lúa gạo ở Việt Nam được trồng và thu hoạch quanh năm. Bởi bộ giống lúa của Việt Nam hiện nay vừa ngắn ngày, vừa có năng suất cao.
Giá lúa đã tăng cao 3 tháng nay rồi, tâm lý người tiêu dùng đã ổn định, không có cảnh đông người mua gạo dự trữ nữa.
Khác với cuộc khủng hoảng gạo lần trước, khi đó giá gạo thế giới đột biến tăng lên hơn gấp đôi chỉ trong thời gian rất ngắn. Lúc đó, Chính phủ cấm xuất khẩu gạo để ổn định thị trường trong nước.
Bây giờ khác rồi, tôi cho rằng sẽ không có khủng hoảng lúa gạo trong nước, xuất khẩu gạo chỉ có niềm vui của hàng triệu người vì trúng mùa, bán được giá cao.
* Giá gạo Việt Nam đã vượt Thái Lan, Ấn Độ... liệu đây chỉ là mức giá tạm thời và "ăn may" của Việt Nam khi các quốc gia khác hạn chế xuất khẩu gạo?
- Không, chính người Thái đã thừa nhận chất lượng gạo dài 5% tấm của họ thua Việt Nam rồi. Năm nay Việt Nam vừa gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu, vừa có cơ hội phổ biến rộng hơn gạo ngon của Việt Nam.
Đâu phải ăn may, đó là do Việt Nam đã định hướng đúng từ 3 thập niên trước nên bây giờ hưởng lợi.
Trước đây giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan bởi vì chúng ta thua họ toàn diện, đó là hạt gạo ngắn, hay đục khô cơm, xay xát kém.
Cách đây 3 thập niên (khoảng 1993), nhân triển khai chương trình giống lúa của Bộ NN&PTNT, GS Bùi Chí Bửu đã đề ra chương trình lúa chất lượng cao (hạt dài và cơm mềm, thơm nhẹ) và dần dần phát triển được nhiều giống. Khu vực tư nhân cũng xắn tay tham gia nghiên cứu chọn tạo.
Hiện nay nhóm lúa này và nếp chiếm trên 80% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Thái Lan ngoài gạo thơm Khao Dawk Mali chiếm độ ¼ sản lượng lúa, số còn lại đa số cho cơm khô như trước đó hai thập niên.
Sau Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu năm 2022 tại Phuket (Thái Lan), ông chủ tịch danh dự Hiệp hội Lúa gạo Thái Lan trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí đã thẳng thắn phê bình Chính phủ Thái Lan thiếu quan tâm đầu tư nghiên cứu giống lúa mềm cơm nên thua sút Việt Nam và gần như để thị trường Philippines rơi vào tay các doanh nghiệp Việt.
Dù Việt Nam vượt qua Thái Lan ở phân khúc gạo trên, nhưng chúng ta cần lưu ý trong 5-7 năm qua cơ cấu giống mềm cơm, thơm nhẹ của Việt Nam thay đổi liên tục.
Một khi giống lúa nào được thị trường ưa chuộng thì chất lượng sau đó bị suy giảm liên tục vì không đảm bảo giống chuẩn do bị làm nhái, lấy lúa lương thực làm giống, thậm chí doanh nghiệp có bản quyền hạt giống đó cũng không duy trì chất lượng như ban đầu.
Tôi nghĩ điều Việt Nam cần chú ý là Thái Lan đã chọn xong bốn giống lúa cho cơm mềm và đã nấu cho khách ăn thử tại Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu ở Phuket vào tháng 11-2022.
Sắp tới, cuộc cạnh tranh sẽ bắt đầu khốc liệt.
* Có một thực tế rất lạ là giá lúa gạo tăng mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại không có gạo trong kho, than lỗ. Có đúng thực tế như vậy không và làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
- ĐBSCL sản xuất ra lúa suốt năm, vào vụ chính thì nhiều, vụ phụ thì ít hơn. Do vậy, doanh nghiệp không cần trữ lúa nhiều để làm gì khi phải đóng lãi ngân hàng cao và để lâu gạo sẽ giảm phẩm chất.
Tuy nhiên, thực tế vừa qua doanh nghiệp không lường được biến động giá nên ký hợp đồng xuất khẩu lúc giá chưa lên và lên dần đến hơn 30%, bình quân 10%/tháng, nên lỗ là chuyện đương nhiên.
Có điều không như Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác không coi đó là độ nhạy bén của thương lái với giá cả. Tín hiệu giá được truyền đi liên tục và khi đã có sức hút về lợi nhuận thì đội ngũ thương lái sẽ rất đông.
Nhưng họ không phải là người giữ lúa vì họ không có hậu cần. Trong khi các doanh nghiệp có lò sấy, có kho vựa và có vốn mới là nơi cần lúa. Đây là kinh tế thị trường, hãy để nó tự điều chỉnh. Ai là người tính toán giỏi và biết giữ chữ tín thì tồn tại thôi./.
Theo TTO
Nguồn: https://tuoitre.vn/cha-de-gao-st25-gia-gao-viet-dang-cao-nhat-the-gioi-thi-nen-tranh-thu-xuat-khau-nhieu-20231110223152169.htm?gidzl=Dwhg8i47X1mxj-aamH23736ywYlS5eSMBkpjAjjAWaSljhXzZHo0Ioldv2VHGDjF8k_aTMR3dbmEnG6F60