Tiếng Việt | English

01/12/2022 - 09:31

'Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!'

Những năm qua, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, đại dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống gặp nhiều khó khăn, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, tổ chức và đoàn thể, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên phải giữ vai trò xung kích, đi đầu.

Người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa

Những năm qua, nhờ nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam giảm trên 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm. Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển KT-XH của đất nước.

Các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nam quan hệ đồng giới

Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, 5 năm gần đây, dịch HIV lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM). Trong số người nhiễm HIV do quan hệ tình dục, người nhiễm trong nhóm MSM năm 2018 là 16,2%, năm 2019 là 43,2%, năm 2020 là 65,8%, năm 2021 là 69,9%, đến nay là 82,3%. Số người nhiễm chủ yếu tập trung ở nhóm trẻ tuổi là công nhân, lao động, học sinh, sinh viên.

Tại Long An, từ năm 2018 đến nay, dịch HIV có xu hướng gia tăng trở lại, trung bình khoảng 300 ca/năm. Người nhiễm HIV phát hiện bị lây qua quan hệ tình dục tăng từ 63,7% (năm 2018) lên 94,3% (năm 2022). Trong đó, chủ yếu lây do quan hệ tình dục đồng giới, chiếm 91,8%. Theo các chuyên gia, tình dục không an toàn, tình dục đồng giới, kiến thức về HIV/AIDS còn hạn chế, tâm lý chủ quan với dịch bệnh là những nguyên nhân làm gia tăng số người nhiễm HIV trẻ tuổi. Trong đó, nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới thường có xu hướng không thích dùng bao cao su, hay thay đổi bạn tình, thậm chí quan hệ không an toàn theo nhóm,... nên càng dễ nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai,...

Trong 5 năm gần đây, dịch HIV lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục trong nhóm nam quan hệ đồng giới (Ảnh minh họa)

Trước tình hình dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh đến nhóm tuổi trẻ, năm 2021, Bộ Y tế, cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ban hành nhiều văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tăng cường phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu công nghiệp.

Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 được tổ chức từ ngày 10/11 đến 10/12 với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”. Hưởng ứng tháng hành động, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng, chống HIV cho cộng đồng, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của thanh niên.

Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Dịch bệnh AIDS được xem là chấm dứt khi Việt Nam đạt được các tiêu chí: Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm (hiện nay >10.000 ca/năm); người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS <1/100.000 dân (hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân); lây truyền HIV từ mẹ sang con <2% (hiện nay 6%).

Chung tay đẩy lùi đại dịch AIDS

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh cho biết: “Mục tiêu của tháng hành động nhằm huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo đảm việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, nhất là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao,... Đồng thời, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;...”.

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các hoạt động truyền thông trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt là qua Internet để huy động sự chung tay, góp sức của đoàn viên, thanh niên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức Đoàn, Hội các cấp có nhiều sáng kiến, hoạt động sáng tạo nhằm phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động tư vấn tâm lý; tập huấn kiến thức, kỹ năng và tư vấn tiền hôn nhân cho đoàn viên, thanh niên, hội viên;...

Mỗi thanh niên cần có lối sống lành mạnh, nói không với ma túy và các tệ nạn xã hội

Phó Bí thư Thành Đoàn Tân An - Huỳnh Thị Thùy Linh chia sẻ: “Các cơ sở Đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV thông qua các tiết ngoại khóa, các hoạt động sân khấu; lồng ghép trong hoạt động truyền thông tại các trường học. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS; các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của thanh niên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS”.

Các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trong thanh niên là công nhân, người lao động cũng được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngành Y tế phối hợp tổ chức phân phát ấn phẩm truyền thông, các hội thảo, sự kiện và các hình thức truyền thông phù hợp khác về phòng, chống HIV/AIDS tại các công ty thuộc các khu công nghiệp.

Thời gian hoàn thành mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 ngày càng rút ngắn. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, mỗi thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước cần có lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các phong trào xã hội ý nghĩa và chung tay đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS vì một tương lai tươi sáng./.

Khi trưởng thành tôi xác định mình là MSM. Xã hội không chấp nhận nên tôi phải giấu gia đình và bạn bè. Những người như tôi rất sợ người khác biết, sẽ bị phân biệt, kỳ thị nên nếu nghi ngờ nhiễm HIV thì muốn đi xét nghiệm cũng rất khó khăn”.

L.H.P (thành viên nhóm MSM)

Em được thầy, cô giáo truyền đạt nhiều thông tin về tình hình dịch HIV/AIDS, nguyên nhân, con đường lây bệnh và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm. Qua đó, em biết được phòng, chống HIV/AIDS là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội, từng gia đình và mỗi cá nhân. Là học sinh, em nhận thấy bản thân phải có thói quen sống lành mạnh, nói không với ma túy và các tệ nạn xã hội”.

Nguyễn Ngọc Quỳnh Như - học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Bảy (huyện Cần Giuộc)

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết