Tiếng Việt | English

15/11/2016 - 15:41

Chân dung một nông dân trên bưng biền thời bình

Đồng Tháp Mười thời chiến được mệnh danh là “Bưng biền kháng chiến”(toàn bưng biền là chiến khu). Thời bình, từ “cánh đồng hoang” biến thành vựa lúa và hội đủ “cây lành trái ngọt” vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân làm nên kỳ tích ấy. Và sau đây là một trường hợp.


Tỉ phú nông dân Võ Quan Huy (Út Huy) trong những ngày đầu khai phá đất Bàu Sấu

1. Đầu năm 1993, tôi đi tắc-ráng với lãnh đạo huyện Đức Huệ trên kênh Rạch Gốc vào khu Bàu Sấu. Ông Tám Nhiên, Chủ tịch UBND huyện thời đó nói các cụ cao niên kể, hồi xưa Bàu Sấu là cái bàu lớn, mùa khô cá sấu kéo từng bầy đi trên cỏ để tìm nước, tìm mồi,... Nguyên Bí thư Huyện ủy Bảy Diệp nói, thời chống Mỹ, Bàu Sấu là “căn cứ chồng căn cứ” - hễ cơ quan này rút đi, cơ quan khác lại đến mở căn cứ, có cả chủ lực Miền, Bộ Tư lệnh khu Sài Gòn - Gia Định,... Trước đó nữa, Bàu Sấu mang địa danh Bình Thảo (Bình là bằng, thảo là cỏ - cỏ bằng - cẳng bò (cười) - chỉ có cẳng bò, chớ không có dấu chân người). Rồi ông kể, đầu năm 1992, Út Huy từ 2 trang trại mía ở Tây Ninh và Bình Dương bỏ về nhà ơ Hiệp Hòa bên kia sông Vàm Cỏ Đông để lấy xuồng đi Đức Huệ, vô khu Bàu Sấu khảo sát, sau đó đến gặp tôi. Tôi nói, Bàu Sấu còn hơn 15.000ha đất hoang hóa “da beo”, Út có khả năng thì cứ mượn mà làm, không phải thuê. Chớ Bàu Sấu mấy năm rồi có nhiều lượt dân các nơi đến rồi bỏ đi vì đất phèn và thiếu năng lực...

Đến “tổng hành dinh” của Út Huy là một dãy lán tre lá xập xệ bên bờ kênh. Ông Bảy Diệp nói vui: “Út Huy trồng mía giỏi ghê, cây nào cây nấy như... cây bắp!”. Út Huy đỏ mặt: “Anh Bảy ghẹo em hoài!”. Rồi anh kêu, nào không có đường bộ để vận chuyển, nào thiếu nước ngọt để tưới,... Bí thư Huyện ủy nói, Út trăn trở cũng phải, nhưng nghị quyết của Đảng bộ huyện có rồi, đang thực hiện đào kênh Mỹ Bình qua 5 xã biên giới của huyện, vừa là tuyến phòng thủ, vừa là kênh dẫn nước ngọt hồ Dầu Tiếng qua sông Vàm Cỏ Đông về Mỹ Bình, Bàu Sấu. Còn lộ 839 sắp khởi công để nâng thành đường nhựa vô tận Mỹ Bình. Út chỉ làm cây cầu nối Mỹ Bình với trang trại là thông suốt. Nay mai sẽ kéo điện về Mỹ Bình, về Bàu Sấu,...


Chuối quày vừa cắt đưa vào sơ chế để xuất khẩu

2. Được lãnh đạo huyện Đức Huệ đồng hành, Út Huy quyết không bỏ cuộc. Anh tìm đến các trường đại học, các viện nghiên cứu nông nghiệp ở Cần Thơ và TP.HCM để xin thọ giáo các thầy và chuyên gia giỏi. Gặp tôi, anh nói: “Của báu một nước không gì bằng đất đai. Nhân dân và mọi của cải do đó mà sinh ra” (dẫn lời Phan Huy Chú (1782-1840) viết trong sách Lịch triều hiến chương loại chí). Rồi nói, bấy lâu ở Bàu Sấu, mình ăn cũng đất, ngủ cũng đất, suy nghĩ cũng cho đất mà mơ cũng mơ về đất luôn! Làm sao để đất Bàu Sấu chịu nhả ra của cải cho mình. Anh còn tâm sự rằng, mình sinh ra là để làm nông nghiệp. 14-15 tuổi, anh học lái máy cày rồi về thuê máy cày đi cày thuê kiếm tiền học chữ.

Khi gần 40 tuổi, anh chọn Bàu Sấu mở trang trại để thử thách mình. Anh đổ vô Bàu Sấu bao nhiêu tỉ bạc, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt để biến đất này từ cỏ hoang lút đầu, chỗ lồi chỗ lõm, đốt cháy tới đâu bom đạn nằm phục dưới và trên mặt đất nổ tung lên tới đó, thành bằng phẳng, có bờ khu, bờ lô quy hoạch cho từng loại cây trồng thử nghiệm. Giống mía cũ thất bại, anh hợp đồng với Nhà máy Đường Hiệp Hòa đưa giống mía mới vào trồng. Vụ rồi, năng suất mía 120-130 tấn/ha, chữ đường đến 15-16, nhà máy đường vào mua hết. Vào vụ mía năm 2000, anh trồng 150ha - hơn nửa diện tích trang trại - với hy vọng sẽ trúng mùa, được giá. Mía đang tốt, bỗng trận lũ dữ ập tới. Anh tức tốc đưa hết lực lượng người và máy ở 2 trang trại Bình Dương và Tây Ninh về Bàu Sấu chống lũ. Hàng trăm con người và cơ giới vật lộn với “thủy thần”, đến nửa đêm, “ầm” một phát, hệ thống đê bao vỡ, dìm trang trại xuống biển nước. Út Huy phờ phạc, mái tóc đen xoăn ngả màu sương, nhưng anh vẫn gượng dậy, bày ngay keo khác...


Thu hoạch ớt trên trang trại

3. Đầu xuân 2005, Út Huy đón tôi tại thị trấn Đông Thành bằng ôtô anh tự lái. Xe chạy tới bờ kênh Ma-Ren, anh chuyển sang xuồng máy và lái đi vòng vòng các đường kênh mới đào dọc ngang trang trại. Cơ giới thi công, tất cả bờ bộng đều thẳng băng, đẹp mắt. Anh cho biết, từ khi có kênh Mỹ Bình, anh đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kênh mương tưới tiêu, xổ phèn. Đến khu trồng hơn 10ha ớt Tây Ban Nha đặc những trái to đều, dài và cong vút sừng trâu tầng tầng lớp lớp. Anh bảo, ớt này các quán ăn, nhà hàng mê lắm, họ tỉa thành bông hoa trang trí món ăn làm đẹp mắt thực khách. Mấy chục nữ công nhân hái ớt chứa đầy từng giỏ cần xé. Giáp lô ớt là các lô bưởi da xanh, cam, quít, chanh, măng cụt, thanh long, dưa hấu,... và khu tre lấy măng cao vút như đám rừng, rất tốt tươi. Tới khu nuôi cá, hàng chục ao mênh mông thả nuôi toàn cá sặt rằn và rô đầu vuông ngoi lên ăn móng như nồi cơm sôi ùng ục.

4. Vừa rồi, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Huệ - Trần Chủng rủ chúng tôi đi trang trại Võ Quan Huy. Tôi ngạc nhiên trước một vùng đủ loại cây trái, những đám cỏ trồng cao lút đầu người, những dãy nhà như kho xưởng xúm xít trên cái nền xanh ngồn ngộn ấy. Vừa tới cổng, chúng tôi ai nấy tháo giày, mang ủng của trang trại bước vào bồn nước sát trùng rồi đi vào khu nhà làm việc có máy điều hòa nhiệt độ. Các nhân viên đều làm việc trên máy tính.

Trưởng Ban quản lý trang trại Châu Văn Lan nhận ra tôi, anh nói tiếc quá, hôm nay, anh Út Huy đi các trại tôm ở Sóc Trăng và Bạc Liêu. Anh cho biết Út Huy đang làm chủ 8 trang trại rải từ miền Tây lên miền Đông. Ở Nghệ An anh ấy cũng có một trại bò Úc. Diện tích các trang trại gộp lại đến ngàn hécta. Trang trại Bàu Sấu chỉ chốt lại 243ha để đầu tư sâu. Ở đây có 250 công nhân lao động và kỹ thuật, hưởng lương 3 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng, tùy theo công việc và đều được bao ăn, ở, được mua bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Anh Lan đưa chúng tôi tới khu đất 80ha trồng chuối già. Dãy trại mênh mông đầy chuối là chuối. Chuối cắt quày từ đám móc vào ròng rọc kéo chạy trên ống thép vào tận nơi sơ chế, để từ đó cho ra từng thùng chuối sạch, đẹp, dán nhãn mác“Huy Long An”, đưa vào container xuất trực tiếp sang thị trường Nhật Bản.

Sang khu nuôi bò thịt với từng dãy trại dài hun hút, có 9.000 con bò Úc. Anh Lan cho biết, thức ăn cho bò, ngoài cỏ trồng còn có chuối cây vừa cắt quày và chuối con tỉa bỏ. Tất cả đưa vào máy cắt băm nhỏ. Bò đạt 500kg/con là cân bán với giá 100.000 đồng/kg. Nhiều con đạt 700-800kg. Phân bò thì phơi, ủ theo quy trình kỹ thuật trước khi đưa ra bón chuối và các loại cây trồng khác.

Ra về, chúng tôi chạy xe máy trên đường bờ kênh trải đá mi suốt bề dài trang trại. Gió lộng các loại hương hoa và trái chín trên trang trại, hít thở đến ngất ngây. Anh Trần Dũng bảo, có được thành quả như vầy là do Út Huy dám đầu tư sức người, sức của. Út Huy lấy ngắn nuôi dài, đem hết lợi nhuận của trang trại đầu tư trở lại cho trang trại, nên của cải cứ nằm ấp lẫm trên đất Bàu Sấu, một vùng“đất chết” mà trước đó không ai có thể tưởng tượng được nó sẽ là một trang trại tích hợp nhiều giống cây trồng, vật nuôi nên tầm nên vóc như thế này./.

Q.H.

Chia sẻ bài viết
  • Út Huy thật tuyệt vời

    An le - Cách đây 7 năm