Tiếng Việt | English

22/01/2023 - 02:40

Chắp cánh cho nông sản vươn ra thế giới

Khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) được ký kết, doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt cơ hội, chuyển đổi cơ cấu hàng hóa và xuất khẩu các mặt hàng giá trị cao. Qua đó, nông sản được chế biến có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam được thị trường thế giới đón nhận, đánh giá cao.

Nhiều loại nông sản đặc trưng của tỉnh như gạo, chanh không hạt, chuối, tôm,... thông qua hoạt động chế biến, xuất khẩu của DN được cung cấp cho nhiều thị trường trên thế giới.

Đa dạng sản phẩm nông nghiệp

Long An đứng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng lúa gần 3 triệu tấn/năm, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành Nông nghiệp nói riêng và cơ cấu kinh tế của tỉnh. Những năm gần đây, sản lượng cũng như chất lượng hạt gạo của tỉnh không ngừng được nâng cao, từng bước khẳng định uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh có nhiều loại gạo được chế biến, xuất khẩu như Jasmine 85, Nàng Hoa, Thơm Lài, nếp. Hiện toàn tỉnh có trên 160 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lúa gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Quá trình xay xát chế biến lúa gạo của DN được đầu tư đổi mới, ứng dụng các dây chuyền máy móc tiên tiến, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng.

Tỉnh hiện có 25 DN được phép xuất khẩu gạo trực tiếp. Trong đó, có 3 DN được xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc. Năm 2022, sản lượng xuất khẩu của DN trên địa bàn tỉnh đạt 725.490 tấn, kim ngạch đạt 370 triệu USD, tăng 0,53% về sản lượng và 9,25% về kim ngạch so với năm 2021. Hiện nay, DN tại Long An giảm phụ thuộc vào một thị trường chính mà chuyển hướng xúc tiến giao thương với nhiều đối tác tại Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia. Đặc biệt, không ít DN đã kết nối giao thương thành công với thị trường khó tính như EU, Mỹ, Canada,... Để có sản lượng xuất khẩu ổn định, DN liên kết với nông dân thông qua hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất tại nhiều địa phương để chủ động nguồn cung cũng như kiểm soát chất lượng đầu vào.

Chanh không hạt sản xuất tại Long An được doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu sang châu Âu, tạo ra giá trị gia tăng cao (Ảnh TRF)

Cây chanh không hạt được trồng và phát triển trên địa bàn tỉnh được ví như một “luồng gió mới”, mang đến giá trị kinh tế cao cho người trồng. Chanh không hạt được DN trong và ngoài tỉnh liên kết với nông dân, bao tiêu đầu ra. Long An có gần 11.000ha trồng chanh, trong đó, huyện Bến Lức chiếm gần 7.000ha. Nhiều năm qua, huyện Bến Lức phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh, đến nay đạt 1.866ha, phấn đấu đến năm 2025 đạt 2.700ha. Để cây chanh phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật nhằm xây dựng cầu, đê bao kết hợp đường giao thông vận chuyển nông sản, hệ thống cống, điện bơm tưới, tiêu nước,... cho vùng chuyên canh chanh. Gần 5.000ha diện tích trồng chanh hưởng lợi từ dự án này. Dự án có mức đầu tư gần 200 tỉ đồng, mở ra điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng chanh xuất khẩu, làm giàu. Đặc biệt, tỉnh đang thực hiện thủ tục xin cấp chỉ dẫn địa lý chanh không hạt Bến Lức. Theo xu hướng tất yếu, nông sản khi có chỉ dẫn địa lý, được cấp mã số vùng trồng sẽ có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Nhiều năm nay, Công ty (Cty) TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ (Cty TFR) phối hợp huyện Bến Lức, một số hợp tác xã, tổ liên kết tại vùng trồng chanh không hạt theo hướng liên kết. Theo đại diện Cty TFR, Long An có hàng trăm nông dân hợp tác cùng Cty sản xuất chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP, xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu, Úc, Canada, Trung Đông. Sản lượng Cty thu mua khoảng 200 tấn/tuần và ổn định xuất khẩu suốt năm. Ngoài ra, Cty TFR còn đưa trái chanh không hạt của Long An bày bán rộng rãi trong các siêu thị: Co.opmart, Winmart, Aeon, BigC, Lotte Mart, Emart,... trên khắp cả nước. Cty đang hướng tới cung ứng cho thị trường Mỹ. Theo đánh giá của Cty TFR, chanh không hạt trồng tại Long An chất lượng trái cũng như màu sắc đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ Cty trong quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Nông sản của Việt Nam, trong đó có chanh sản xuất tại Long An được quảng bá, giới thiệu nhân dịp Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan sang thăm Việt Nam vào tháng 11/2022

Không chỉ sản xuất, xuất khẩu nông sản tươi, nhiều DN trên địa bàn tỉnh còn ứng dụng kỹ thuật chế biến nông sản thành thực phẩm xuất khẩu sang nước ngoài, nhất là các thị trường khó tính. Điển hình là Cty Cổ phần Thực phẩm GN (Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc) chuyên sản xuất các loại thức ăn đông lạnh như bánh bao, há cảo tôm, xíu mại. Theo Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Thực phẩm GN - Trần Linh Nguyên, nguyên liệu sản xuất có đến 94% trong nước, là các loại nông sản như bột gạo, tôm, mít non, bắp, rau, củ,... trong đó, không ít sản phẩm có nguồn gốc tại Long An. Năm 2022, 2 sản phẩm mà Cty có lượng xuất khẩu nhiều nhất là xíu mại, há cảo tôm, khoảng 14.000 tấn. Sản phẩm được xuất khẩu qua thị trường Úc, New Zealand, Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Canada,...

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ nhấn mạnh, để bảo đảm cho nông sản tiếp tục vươn ra thế giới, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ các đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ những quy định của thị thường nhập khẩu yêu cầu; danh mục, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường./.

 Gia Hân

Chia sẻ bài viết