Tiếng Việt | English

09/05/2020 - 14:25

Chiếu trong đời sống hàng ngày

Ở Việt Nam nói chung và Long An nói riêng, nơi mà sản xuất nông nghiệp còn đóng vai trò chủ yếu, đã có rất nhiều sản phẩm thủ công thiết yếu xuất hiện, tồn tại và phát triển trong suốt tiến trình lịch sử. Tuy nhiên, chỉ có một số ít sản phẩm gắn bó thiết thân với con người trong đời sống hàng ngày, trong đó có chiếc chiếu. Thật vậy, chiếu là vật dụng có mặt trong mọi gia đình, vừa bình dị, mộc mạc, vừa nghệ thuật mà đã là người Việt Nam thì ai cũng biết và dùng đến.


Ảnh: Duy Bằng

Dệt chiếu là một trong những nghề thủ công ra đời sớm nhất ở Long An và được duy trì, phát triển trong sinh hoạt kinh tế của người dân địa phương từ trước đến nay. Xã Long Định, huyện Cần Đước được xem là cái nôi của nghề dệt chiếu ở Long An. Theo những người lớn tuổi, nghề dệt chiếu đã từ vùng Long Định, Long Kim truyền qua Long Cang, Long Sơn, Phước Vân thuộc huyện Cần Đước. Sau này, nghề dệt chiếu còn lan rộng sang huyện Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành và Bến Lức. 

Chiếc chiếu gắn bó với người Việt Nam, trong đó có Long An, từ lúc còn là đứa trẻ sơ sinh vừa mới cất tiếng khóc chào đời. Ra đời trên chiếu, và suốt cuộc đời sau này, chiếc chiếu trở thành vật gắn bó thiết thân với con người. Khi ta còn nhỏ, chiếc chiếu là vật phản ánh tình mẫu tử bao la không bờ bến. Mẹ ta lúc nào cũng nhường ta chỗ chiếu sạch sẽ, khô ráo, giành chỗ ướt át, lạnh lẽo trong những đêm đông. Bởi thế, một trong những hình ảnh cảm động về tình mẫu tử mà ông cha ta đã nêu ra là “chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo phần con”.

Trong giấc ngủ của chúng ta, chiếc chiếu ngoài công năng trải ván, trải giuờng, còn được sử dụng để đắp ở những nhà nghèo không có chăn êm, nệm ấm. Khi ta trưởng thành, được dựng vợ, gả chồng, chiếc chiếu trở thành vật chứng cho tình cảm lứa đôi, ân ái. Trong hôn lễ, gia chủ hay cặp vợ chồng trẻ lạy ông bà trên chiếu bông trải trước bàn thờ gia tiên. Trên chiếu thường có hoa văn chữ song hỷ màu đỏ để tỏ ý vui mừng và mong cầu may mắn. Chiếu còn là vật không thể thiếu trong chốn loan phòng đêm tân hôn. Trong dịp này, người ta thường sử dụng một đôi chiếu bông để trải trên giường cưới và người trải chiếu phải là người còn đủ vợ, đủ chồng, có hạnh phúc lâu dài trong cuộc sống lứa đôi. Trên chiếc chiếu quê hương, biết bao sự buồn, vui, hờn, giận, ghen tuông… đã diễn ra.

Chỉ riêng trong lĩnh vực này, chiếc chiếu đã trở thành hình tượng hết sức sinh động, có mặt trong nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Sau khi ta sống trọn cuộc đời, nhắm mắt xuôi tay trở về cát bụi, bỏ hết những gì ở chốn trần gian thì chiếc chiếu là vật dụng bao bọc thân ta mãi mãi. Những người giàu sang quyền quý được an táng bằng trong quan, ngoài quách, được bó thân bằng chiếu hoa, chiếu miến. Người bình dân thì sử dụng chiếu bình thường. Cho đến những người bạc phận, chết ở xứ lạ quê người, không ai thừa nhận thì ít nhất cũng được chôn bằng một manh chiếu, thậm chí là manh chiếu rách.

Chiếc chiếu còn là vật dụng cần thiết của mỗi gia đình trong sinh hoạt hàng ngày. Xưa kia, khi có khách quý đến nhà, gia chủ thường trải chiếu hoa trên sập chân quỳ để giữa nhà để đón tiếp trọng thể. Trong việc đãi đằng, tiệc tùng ngày xưa, người ta không bày thức ăn trên bàn tròn như ngày nay mà dọn trên bộ ván dài từ 3-5m. Có những bộ ván dài suốt cả gian nhà. Khi có đám tiệc, người ta trải chiếu theo chiều dọc ở giữa bộ ván, giống như một loại mâm dài. Chiếu được trải trên bộ ván này được gọi là chiếu cỗ. Đây là loại chiếu có chiều ngang khoảng 0,5m, chiều dài 2,4m, rất thông dụng ở nông thôn từ năm 1945 trở về trước. Khi ăn, thực khách ngồi xếp bằng tròn 2 bên chiếu cỗ. Trong những nhà điền chủ, chiếc chiếu cỗ và bộ ván dài thường được sử dụng để dọn cơm cho công cấy, công gặt trong những ngày mùa. Ở đám cúng đình, cúng miễu ngày xưa, khi đãi ăn, thức ăn cũng được dọn trên chiếu cỗ nhưng ít khi trải trên ván mà trải dưới đất.

Ngày trước, ở nông thôn Long An, vào dịp cuối năm, khi mùa màng thu hoạch xong, các gia đình thường làm bánh tráng, bánh phồng để chuẩn bị ăn tết. Bánh tráng, bánh phồng sau khi cán xong, được phơi nắng trên chiếu cho khô. Chiếc chiếu còn dùng để phơi thóc giống và hạt giống như đậu, bầu, bí,…

Ở nông thôn, vào những đêm trăng sáng sau một ngày lao động mệt nhọc, những nghệ sĩ đờn ca tài tử tề tựu bên nhau quanh ly trà thơm, chén rượu nồng để trải tâm hồn cùng lời ca, tiếng nhạc. Và trong những buổi sinh hoạt văn nghệ ấy, chiếc chiếu cũng là vật dụng không thể thiếu.

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều người đã dùng nệm mouse trong sinh hoạt, nhưng chiếc chiếu vẫn còn là vật dụng phổ biến của hầu hết gia đình. Sản phẩm chiếu trở nên đa dạng hơn, ngoài chiếu lác còn có chiếu nylon và gần đây là chiếu trúc. Ngoài ra, còn có những chiếc chiếu cỡ nhỏ dùng để trải nôi em bé. Nói chung, chiếu vẫn tồn tại và ngày càng có nhiều sản phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

"Chiếc chiếu gắn bó với người Việt Nam, trong đó có Long An, từ lúc còn là đứa trẻ sơ sinh vừa mới cất tiếng khóc chào đời. Ra đời trên chiếu, và suốt cuộc đời sau này, chiếc chiếu trở thành vật gắn bó thiết thân với con người"./.

Nguyễn Văn Thiện

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích