Tiếng Việt | English

01/09/2016 - 04:36

Chính phủ tuyên bố không nương tay vụ Trịnh Xuân Thanh

Ngày 31/8, trả lời về một số vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ sẽ không nương tay với các sai phạm, vi phạm.

Ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe Lexus biển trắng được "hóa kiếp" thành xe biển xanh

Dưới đây là một số câu hỏi và trả lời của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng:

* Xin cho biết các cơ quan đã có báo cáo xác minh làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan những thua lỗ của Tổng công ty Dầu khí trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh theo chỉ đạo của Tổng bí thư và Thủ tướng chưa? Nội dung như thế nào?

- Về vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC);

Thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC giai đoạn 2008-2013, trọng tâm là việc đầu tư, thực hiện các dự án;

Kiểm tra, kết luận rõ đúng sai việc thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về việc thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Hiện nay, các bộ, cơ quan đang triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại phiên họp báo thường kỳ tháng 7, tôi cũng đã thông báo về việc thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về vụ việc này.

Phải nói rằng chỉ đạo của Tổng bí thư cho thấy quyết tâm chính trị rất cao trong việc chống tham nhũng, chống tiêu cực, kể cả việc chống lợi ích nhóm trong công tác cán bộ.

Tới đây có báo cáo chính thức của Bộ Nội vụ và cơ quan chức năng, Văn phòng Chính phủ sẽ có thông báo đến cơ quan báo chí.

* Kể từ thời điểm phát hiện sai phạm nghiêm trọng tại công trình 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) đến nay gần 10 tháng nhưng việc phá dỡ phần xây dựng sai phép vẫn chưa hoàn thành, gây bức xúc dư luận dù vụ việc đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc chậm trễ thi hành thực hiện chỉ đạo này sẽ được xem xét ra sao?

- Về việc xử lý phần xây dựng trái phép công trình 8B phố Lê Trực (Hà Nội), UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan có nhiều biện pháp quyết liệt để thúc đẩy tiến độ phá dỡ như: thay nhà thầu, thành lập tổ công tác theo dõi, giám sát việc cưỡng chế, thẩm định, phê duyệt phương án, lựa chọn nhà thầu phá dỡ, nhà thầu tư vấn giám sát, tạm ứng ngân sách để thực hiện, đồng thời có biện pháp hành chính cương quyết đối với chủ đầu tư.


Tòa nhà xây sai phép 8B Lê Trực - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đến nay đã cơ bản phá dỡ xong toàn bộ sàn tầng 19 (giai đoạn 1), trước ngày 30-9-2016 sẽ hoàn thành phương án phá dỡ giai đoạn 2 trình thẩm định.

Để tăng cường việc chỉ đạo xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, ngày 19-8, UBND TP Hà Nội đã giao chủ tịch UBND quận Ba Đình trực tiếp chỉ đạo công tác cưỡng chế và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng này.

Như vậy, sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 351/TB-VPCP từ ngày 02-11-2015 đến nay, UBND TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp cương quyết xử lý vụ việc vi phạm trật tự đô thị tại công trình số 8B Lê Trực.

* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kiên quyết chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên, tuy nhiên cho đến nay, theo phản ánh của báo chí, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra ở các địa phương như Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Trị, Nghệ An, Lâm Đồng... Đề nghị người phát ngôn cho biết Chính phủ có biện pháp gì để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng?

- Các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng.

Trong đó, đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 và đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020.

Tổ chức các đoàn kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và quyết tâm xử lý các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Thúc đẩy thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2016; trồng rừng thay thế.

Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nghiêm túc đóng cửa rừng tự nhiên, không phê duyệt mới các dự án có sử dụng rừng tự nhiên; đang tổ chức thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

Triển khai thực hiện phương án sắp xếp các công ty lâm nghiệp theo quy định tại nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Trên cơ sở kết quả dự án tổng điều tra kiểm kê rừng, giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng đến chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và chủ rừng.

Địa phương nào để mất rừng phải kiểm điểm, xử lý rõ trách nhiệm quản lý theo đúng quy định tại quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ...

Lê Kiên/Tuổi trẻ

Chia sẻ bài viết