Tiếng Việt | English

31/07/2023 - 11:34

Chủ động phòng, chống thiên tai

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Long An ước thiệt hại do thiên tai (TT) gần 3 tỉ đồng. Các vụ TT đe dọa đến tính mạng, tài sản và cuộc sống của người dân, đòi hỏi các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT).

Thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều sự cố sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân. Tổng thiệt hại do sạt lở khoảng 2 tỉ đồng gồm cuốn trôi hàng ngàn mét khối đất, sạt lở 5 ki-ốt, 2 căn nhà, 1 hàng rào của nhà dân,... Hiện nay, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch vẫn tiếp diễn và có chiều hướng giá tăng về mức độ.

Điểm sạt lở tại ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông làm sụt lún 20m đường dân sinh

Vừa qua, người dân ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc hoang mang khi nửa đêm địa phương xảy ra vụ sạt lở đất nguy hiểm làm sụt lún với chiều dài khoảng 80m; trong đó, làm sạt lở, sụt lún nghiêm trọng một đoạn đường dân sinh dài khoảng 20m, chiều sâu sụt lún từ 2-3m, sạt lở lấn sâu từ bờ rạch đến sát mép hàng rào nhà dân khoảng 8m. Vụ sạt lở cắt đứt hoàn toàn tuyến đường dân sinh của 16 hộ dân bên trong (trong khu vực có trên 30 hộ dân sinh sống).

Ông Nguyễn Văn Chính (ấp Thạnh Trung) chia sẻ: “Địa điểm này trước giờ không có dấu hiệu sạt lở nhiều. Khi xảy ra sạt lở, người dân gọi điện báo ngay với chính quyền địa phương. Sau đó, xã cử lực lượng chức năng xuống căng dây, cắm biển cảnh báo. Người dân tự góp tiền mua cừ dừa về gia cố tạm với kinh phí trên 30 triệu đồng. Để tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, xã còn cử lực lượng cùng người dân bắc cầu tạm bằng tràm để qua lại”.

Điểm sạt lở tại ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông làm sụt lún 20m đường dân sinh. Người dân phải bắc cầu tạm bằng tràm để qua lại

Nhằm PCTT, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân trước mùa mưa bão, xã Phước Vĩnh Đông cũng phối hợp các ngành chuyên môn kiểm tra, cắm các biển cảnh báo tại 4 điểm xung yếu, nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân di dời khỏi vùng bị ảnh hưởng. Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông - Lê Văn Nhất cho biết: “Vụ sạt lở tại ấp Thạnh Trung xảy ra nhanh, bất ngờ, không lường trước được. Điểm sạt lở này không nằm trong 4 điểm xung yếu, nguy cơ sạt lở do xã khảo sát. Hiện nay, tại khu vực này, hiện tượng sạt lở vẫn tiếp diễn và có nguy cơ sạt lở hết phần đường bêtông còn lại rất cao”.

Ngoài sạt lở, sụt lún đất, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều cơn mưa kèm theo giông, lốc xoáy, sét,… gây ra một số thiệt hại như sét đánh làm 2 người bị thương, sập 2 căn nhà, tốc mái 47 căn nhà, gãy cây xanh, trụ điện,… Tổng thiệt hại 925 triệu đồng. Anh Trần Văn Hoài (xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng) cho biết: “Đầu tháng 6/2023, mưa lớn kèm theo giông lốc làm sập hoàn toàn căn nhà của gia đình. May mắn lúc đó không có người trong nhà nên chỉ thiệt hại về tài sản. Đến nay, gia đình tôi được xã, người dân xung quanh hỗ trợ dựng căn nhà tạm. Để phòng, chống giông lốc, tôi chủ động chằng chống căn nhà cẩn thận, không lơ là, chủ quan như trước đây”.

Đồng bộ các giải pháp

Nâng cao ý thức người dân là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản do TT gây ra. Xác định được vấn đề này, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền người dân theo dõi tình hình diễn biến khí tượng thủy văn hàng ngày để có kế hoạch phòng, tránh, giảm bớt thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Công (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) cho hay: “Hiện tỉnh bước vào mùa mưa, bão. Để phòng, chống ngập úng cục bộ cho vườn chanh, tôi thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời. Gia đình trang bị 1 máy bơm, nếu trời mưa liên tục sẽ bơm rút nước ra; còn mùa nắng thì bơm tích trữ nước ngọt phục vụ tưới, tiêu phòng hạn, mặn. Nhờ vậy, vườn chanh phát triển tốt, không bị ảnh hưởng của TT”.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xuất hiện các vụ sạt lở đất

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, dự báo thời tiết từ ngày 28/7 đến ngày 08/8/2023, mây thay đổi đến nhiều mây, ngày nắng gián đoạn, có mưa diện rộng, mưa rào và giông, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn giông cần đề phòng lốc, sét và gió mạnh. Trước tình hình này, các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là trong công tác PCTT mùa mưa, bão.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Mến thông tin: “Hàng năm, xã đều củng cố lại Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cấp xã, trong đó, phân công thành viên phụ trách các ấp và xây dựng kế hoạch PCTT. Nhiệm vụ này được triển khai đồng bộ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, chú ý đến các căn nhà chưa bảo đảm về tiêu chí 3 cứng”.

Anh Trần Văn Hoài (xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng) (bên trái) chủ động chằng chống nhà cửa để phòng, chống thiên tai

Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Cần Giuộc là địa phương “nóng” xảy ra 2 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch nghiêm trọng. Trước tình hình này, huyện chủ động đưa ra nhiều giải pháp. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Lê Thị Phương Dung cho biết: “Qua khảo sát, huyện tiếp tục có 3 điểm sạt lở nguy hiểm. Riêng điểm sạt lở bờ sông Cần Giuộc (cặp Đường tỉnh 826C (xã Phước Lại) đang trong quá trình thi công khắc phục. Còn điểm sạt lở tại ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, huyện có văn bản kiến nghị tỉnh khắc phục trong thời gian sớm nhất. Tại những điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở, huyện điều cắm biển cảnh báo, căng dây, tuyên truyền người dân không đến các nơi trên”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sạt lở đất mùa mưa, bão trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin về tình hình thời tiết, mưa, bão, lũ, triều cường của các cơ quan chuyên môn và trên website Ban Chỉ huy PCTT & TKCN để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động đề ra các giải pháp phòng, tránh, ứng phó và khắc phục kịp thời các thiệt hại do TT gây ra. Đồng thời, các cấp, các ngành cần tăng cường tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện sớm những khu vực xung yếu, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Đặc biệt, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện, ngăn chặn những trường hợp khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông, kênh, rạch; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo về tình hình thiệt hại do sạt lở đất và TT khác (nếu có)”.

Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nên ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức, không được lơ là, chủ quan, bởi công tác PCTT không còn là trách nhiệm của riêng ai./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết