Tiếng Việt | English

07/08/2023 - 12:01

Chủ động ứng phó với El Nino

El Nino chính thức xuất hiện ở Việt Nam từ giữa tháng 6/2023, hiện tượng này được dự báo sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đang tích cực chuẩn bị các phương án để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

El Nino làm giảm lượng mưa

El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5oC trở lên, thường kéo dài từ 8-12 tháng, với tần suất lặp lại khoảng 3-4 năm 1 lần.

Nạo vét kênh, mương, gia cố bờ bao để tích nước ứng phó với El Nino

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, căn cứ trên bộ số liệu quan trắc nhiệt độ nước biển dọc theo vùng xích đạo ở phía Đông và vùng trung tâm Thái Bình Dương, hiện tượng El Nino chính thức xuất hiện. Thông tin này cũng được Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Hoa Kỳ (NOAA) xác nhận ngày 08/6/2023 khi nhiệt độ nước biển đo được cao hơn so với trung bình khí hậu 0,5oC, ngưỡng để xác lập trạng thái El Nino. Có đến 80-90% khả năng hiện tượng El Nino sẽ kéo dài sang đầu năm 2024.

Dự báo thời gian đỉnh điểm của El Nino xảy ra trong 3 tháng từ tháng 11/2023 đến tháng 01/2024, với xác suất El Nino có cường độ mạnh vào khoảng 56% và xác suất El Nino đạt cường độ trung bình vào khoảng 84%. Như vậy, nhiều khả năng El Nino sẽ xảy ra với cường độ từ trung bình đến mạnh.

Năm nay, do tác động của El Nino nên gió mùa Tây Nam có khả năng sẽ kết thúc sớm hơn, vì vậy, mùa mưa của khu vực Tây Nguyên và Nam bộ sẽ ngắn hơn các năm trước dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lượng mưa đối với 2 khu vực này. Đồng thời, nếu El Nino tiếp tục kéo dài thì khả năng mùa khô năm 2023-2024 sẽ rất khốc liệt và gây ra nhiều tác động đến tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Khẩn trương hoàn thành các công trình phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trước mùa khô

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết: “Dự báo, hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện và nguy cơ hạn, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có khả năng bị ảnh hưởng cao nên cần chủ động xây dựng các phương án cụ thể để ứng phó với El Nino thời gian tới.

Mới đây, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu ban hành kế hoạch về việc triển khai, thực hiện các giải pháp chủ động phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino nhằm bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh”.

Mặc dù thiếu hụt lớn về lượng mưa nhưng theo các chuyên gia khí tượng, không thể loại trừ những cực đoan về mưa, lũ, bởi thực tế cho thấy một số đợt El Nino xuất hiện tại nước ta đã gây những trận mưa lớn trong 24 giờ gây lũ lụt, ngập úng, thiệt hại lớn về người và tài sản.

Thường xuyên kiểm tra các trạm bơm điện, bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạn, mặn năm 2015-2016 đã làm cho trên 10.057ha cây trồng bị thiệt hại. Trong đó, chủ yếu là lúa với trên 9.294ha, cây ăn trái và cây khác thiệt hại 610ha, rau màu thiệt hại 152ha. Tổng thiệt hại về cây trồng gần 195 tỉ đồng.

Đồng thời, hạn, mặn năm 2016 cũng khiến 15.500 hộ dân thiếu nước, tập trung tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc và một phần huyện Tân Trụ. Còn mùa khô năm 2019-2020, hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước làm thiệt hại trên 2.746ha lúa Đông Xuân và gần 8ha rau màu. Ngoài ra, có trên 7.290 hộ dân sống phân tán bị thiếu nước sinh hoạt; sạt lở, sụp lún đất cũng xảy ra tại khu vực các huyện: Tân Trụ, Cần Giuộc. Tổng thiệt hại khoảng 57,5 tỉ đồng.

Chủ động ứng phó

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo thông tin: “Trên cơ sở dự báo tình hình khí tượng, thủy văn của ngành chức năng Trung ương và địa phương, ngành Nông nghiệp huyện chủ động đưa ra nhiều phương án ứng phó với từng cấp độ rủi ro. Huyện tăng cường công tác dự báo, cảnh báo diễn biến tình trạng xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động các biện pháp ứng phó; hướng dẫn người dân trữ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất; xây dựng lịch thời vụ và khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa thích hợp với điều kiện hạn, mặn trong mùa khô 2023-2024; vận động các hộ dân nằm trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn chuyển đổi sản xuất sang trồng các loại rau màu ngắn ngày;...”.

Ông Nguyễn Văn Lũy (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) bộc bạch: “Mùa khô 2015-2016, tôi bị thiệt hại hoàn toàn 1,5ha lúa do hạn, xâm nhập mặn. Từ đó, cứ vào mùa khô thì tôi sẽ bỏ trống đất hoặc chuyển sang trồng các loại rau, màu ngắn ngày như bầu, bí, đậu bắp,... để tránh thiệt hại”.

Ngành chức năng hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây thanh long tại các vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao

Nông dân trên địa bàn huyện Cần Đước chủ yếu trồng lúa, rau và nuôi tôm. Hàng năm, xâm nhập mặn luôn gây ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân thông tin: “Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, nạo vét các kênh, rạch nội đồng; tu sửa các tuyến đê để trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô. Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, tránh bị thiệt hại do thiếu nước”.

Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy chia sẻ: “Được sự hướng dẫn và hỗ trợ của ngành Nông nghiệp huyện, tôi và nhiều thành viên của hợp tác xã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn rau của mình. Nhờ có hệ thống tưới tiết kiệm mà lượng nước cần để tưới rau giảm khoảng 40% so với trước. Do đó, tôi và các thành viên của hợp tác xã có thể an tâm sản xuất mà không lo thiếu nước, kể cả những tháng mùa khô”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện các giải pháp chủ động phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino nhằm bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại. Theo đó, ngành xác định điều chỉnh lịch thời vụ gieo sạ lúa Đông Xuân 2023-2024 và thủy lợi là những giải pháp quan trọng, cần làm ngay.

Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giảm lượng nước tưới

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc phối hợp các địa phương tập trung rà soát, khuyến cáo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các khu vực không chủ động được nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả để nông dân áp dụng; xây dựng và khuyến cáo cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng phù hợp cho từng khu vực trên cơ sở dự báo về nguồn nước, nguy cơ xâm nhập mặn; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng thường xuyên có nguy cơ xảy ra hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn; khuyến cáo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với cây trồng nhạy cảm với độ mặn, cây ăn trái tại các vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao;...

“Đặc biệt, các địa phương cần tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình khô hạn, xâm nhập mặn và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, không được lơ là, chủ quan; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động tích trữ và sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm và hợp lý, bảo vệ tốt, an toàn vụ Đông Xuân 2023-2024 để không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết