Tiếng Việt | English

13/12/2018 - 11:15

Chung tay phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em

Thời gian qua, tỉnh Long An đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, xóa dần quan niệm “trọng nam, khinh nữ”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học tại Lễ phát động Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học tại Lễ phát động Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới

Nhiều hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới

Tháng hành động Vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng, chống bạo lực (PCBL)trên cơ sở giới năm 2018 với chủ đề “Chủ động PCBL, xâm hại phụ nữ và trẻ em” diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12. Đây là dịp để toàn xã hội cùng nâng cao nhận thức và chung tay hành động nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hưởng ứng tháng hành động, UBND tỉnh chọn huyện Thạnh Hóa để tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì BĐG. Đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố cũng đồng loạt tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì BĐG. 

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thạnh Hóa - Võ Bảo Toàn cho biết: “Tháng hành động vì BĐG được xem là tháng cao điểm triển khai các hoạt động BĐG. Trong tháng hành động này, huyện tổ chức rất nhiều hoạt động: Nói chuyện chuyên đề về BĐG; tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; tuyên truyền Luật BĐG; tổ chức các hội thi tìm hiểu về Luật BĐG;... Qua đó, góp phần giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật về BĐG, nhất là góp phần PCBL gia đình trên cơ sở giới”.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần (bìa phải) trao cờ phát động Tháng hành động Vì bình đẳng giới

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần (bìa phải) trao cờ phát động Tháng hành động Vì bình đẳng giới

Ngoài tuyên truyền về Luật BĐG và PCBL, xâm hại phụ nữ và trẻ em, Sở LĐ-TB&XH còn tổ chức các buổi tập huấn kiến thức về an sinh xã hội cho các thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cấp huyện, cán bộ ngành LĐ-TB&XH cấp xã, trưởng ấp, khu phố của huyện Cần Đước và Cần Giuộc. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG. Đặc biệt, trong tháng hành động này, Sở LĐ-TB&XH còn triển khai xây dựng mô hình Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại xã Long An, huyện Cần Giuộc.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết: “Mục tiêu phát động Tháng hành động Vì BĐG là để các cấp,
các ngành và xã hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em gái được tôn trọng, học tập, chăm sóc sức khỏe, tham gia lao động trên các lĩnh vực,... như nam giới, nhất là trẻ em gái vùng sâu, vùng xa”.

Gia đình hạnh phúc - “chì khóa vàng” phòng, chống bạo lực gia đình

Hết giờ làm việc ở UBND xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, ông Hồ Văn Nhiệm (ấp Gò Nôi, xã Nhơn Hòa) lại nhanh chân trở về nhà phụ vợ nấu cơm, chăm sóc mảnh ruộng sau nhà. Bà Mai Thị Huê (vợ ông Nhiệm) cho biết: “Lúc nào, ông xã tôi cũng quan tâm, chăm sóc vợ con chu đáo.

Bà Mai Thị Huê (vợ ông Hồ Văn Nhiệm) cho biết: “Đối với vợ, con, lúc nào ông xã tôi cũng quan tâm, chăm sóc chu đáo”

Bà Mai Thị Huê (vợ ông Hồ Văn Nhiệm) cho biết: “Đối với vợ, con, lúc nào ông xã tôi cũng quan tâm, chăm sóc chu đáo”

Thấy tôi làm việc nặng là ông xã tôi giành làm ngay. Dù bận rộn công việc cơ quan nhưng anh đều dành thời gian về ăn cơm cùng vợ, con bởi anh xem bữa cơm gia đình là sợi dây gắn kết các thành viên với nhau”.

Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của vợ, anh Huỳnh Công Thành (ấp 3, xã An Thạnh, huyện Bến Lức) luôn tôn trọng ý kiến của vợ. Anh tâm sự: “Đối với tôi, vợ là người bạn tri âm, tri kỷ. Do đó, việc lớn, nhỏ trong gia đình, vợ chồng đều đưa ra bàn bạc, thống nhất rồi mới quyết định. Vì biết tôn trọng và chia sẻ nên vợ chồng tôi ít xảy ra mâu thuẫn. Vợ tôi là người miền Trung nên phong tục, tập quán có khác, cô ấy chấp nhận rời quê hương vào Nam vì tôi thì tôi càng phải thương yêu và tôn trọng cô ấy nhiều hơn”.

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi định hình các mối quan hệ về giới, truyền tải những chuẩn mực về giới và quyết định những cơ hội phát triển của các thành viên. Do đó, gia đình được xem là “chìa khóa vàng” đóng vai trò quan trọng trong nhận thức và phát triển BĐG, PCBL, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em.

Nhiều cách làm hay

Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đi cùng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa đến thăm gia đình bà N.T.L (khu phố 1, thị trấn Thạnh Hóa). Tại đây, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của gia đình bà N.T.L. Để có được cuộc sống hạnh phúc hôm nay, ít ai biết rằng, gia đình bà L. phải trải qua nhiều khó khăn. Bà tâm sự: “Nếu không có sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ thị trấn thì vợ chồng tôi đã ly hôn cách đây 5 năm. Lúc trước, chồng tôi thường nhậu nhẹt, không lo làm ăn, có khi đánh vợ, con. Biết được hoàn cảnh của gia đình, Hội Phụ nữ thị trấn thường khuyên chồng tôi hạn chế rượu, bia và chăm lo cho vợ, con nhiều hơn. Sau một thời gian, chồng tôi sửa đổi tính tình, chí thú làm ăn”.

Chị Ngô Thị Ngọc Biềng luôn được chồng tạo điều kiện tham gia các hoạt động ở địa phương

Chị Ngô Thị Ngọc Biềng luôn được chồng tạo điều kiện tham gia các hoạt động ở địa phương

Bạo lực gia đình xuất phát chủ yếu từ những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình về kinh tế, tính cách,... Xác định được những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Thạnh Hóa xây dựng và triển khai kế hoạch PCBL gia đình thông qua các mô hình: Địa chỉ tin cậy, Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc và phong trào: Nuôi con khỏe, dạy con ngoan, Gia đình văn hóa,... Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Thạnh Hóa - Lâm Thị Bé cho biết: “Thông qua việc thực hiện các mô hình, phong trào, hội tổ chức tuyên truyền Luật BĐG; Luật Trẻ em; kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng; kinh nghiệm nuôi con từ 0-16 tuổi,... cho hội viên và người dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc ngăn ngừa bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái”.

Là gia đình văn hóa tiêu biểu, thành viên Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, chị Ngô Thị Ngọc Biềng (khu phố 2, thị trấn Thạnh Hóa) bộc bạch: “Nhờ tham gia câu lạc bộ, tôi mạnh dạn tham gia các phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao ở địa phương. Ông xã luôn đồng cảm, tạo điều kiện cho tôi được tham gia, giao lưu, học hỏi. Những lúc tôi tham gia các phong trào thì chồng tôi luôn chia sẻ công việc nhà”.

Với nhiều hình thức tuyên truyền, cách làm sáng tạo, công tác PCBL, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khả quan, từng bước nâng cao nhận thức người dân. Qua đó, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, vấn nạn bất BĐG, tiến tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đó cũng là điểm nhấn trong Tháng hành động Vì BĐG và PCBL trên cơ sở giới năm 2018./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết