Tiếng Việt | English

10/07/2023 - 10:33

Chung tay phòng, chống rác thải nhựa

Rác thải nhựa ngày càng tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Nhận thức được điều này, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang nỗ lực để giảm thiểu ô nhiễm do rác thải nhựa.

Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả

Năm 2018, Câu lạc bộ (CLB) Phân loại rác tại hộ gia đình được thành lập tại khu phố Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An với 20 thành viên. Khi tham gia CLB, các thành viên được tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, túi nylon đối với môi trường; phổ biến một số kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường (BVMT); hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải từ gia đình. Đặc biệt, thông qua mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) thị trấn Tân Trụ vận động các thành viên CLB đóng góp chai nhựa để gây quỹ giúp PN và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Phong trào Biến rác thành tiền do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Tân Trụ (huyện Tân Trụ) phát động được đông đảo hội viên tham gia

Ngoài duy trì CLB Phân loại rác tại hộ gia đình, Hội LHPNVN thị trấn Tân Trụ còn phát động phong trào Biến rác thành tiền, mô hình Ngôi nhà xanh gây quỹ đồng hành PN và trẻ em nghèo, Xách giỏ đi chợ,...

Chủ tịch Hội LHPNVN thị trấn Tân Trụ - Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết: “Hầu hết mô hình đều hướng đến việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên, PN đối với công tác BVMT. Qua đây, góp phần giúp Hội có thêm nguồn kinh phí thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương. Thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả”.

Nhà bà Võ Thị Dẫn (khu phố Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ) nằm trong hẻm, xe lấy rác không vào được. Trước đây, bà thường xử lý rác bằng cách gom lại rồi đốt. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng đến môi trường do khí CO2 thải ra. Từ khi tham gia CLB Phân loại rác tại hộ gia đình, bà bố trí 3 thùng rác gồm vô cơ, hữu cơ và tái sử dụng. Rác hữu cơ sẽ được ủ với men vi sinh làm phân bón cho cây; rác tái sử dụng sẽ đem đến khu phố Bình Lợi ủng hộ phong trào Biến rác thành tiền nhằm giúp PN và trẻ em nghèo; rác vô cơ thì đợi xe lấy rác đến thu gom.

Bà Dẫn trải lòng: “Ban đầu, tôi cũng gặp khó khăn trong việc phân loại rác. Thế nhưng, làm riết thành thói quen, thậm chí, khi đến nhà người quen thấy họ để rác không phân loại là tôi nhắc nhở ngay. Mỗi người cùng chung tay, góp sức thì sẽ góp phần rất lớn trong công tác BVMT”.

Mô hình Phân loại rác tại nguồn tại phường 3, TP.Tân An được 100% hộ gia đình trên địa bàn tham gia thực hiện

Nhận thấy tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn, đến nay, 100% hộ gia đình, nhà hàng, dịch vụ buôn bán, cơ sở kinh doanh, sản xuất trong khu vực nội thị trên địa bàn phường 3, TP.Tân An, tham gia thực hiện tốt việc phân loại, xử lý rác.

Bà Võ Thị Hồng Lạc (khu phố 4, phường 3) chia sẻ, trước kia, gia đình bà hay để rác chung, lộn xộn. Từ khi địa phương phát động chương trình phân loại rác tại nguồn, gia đình bà đã phân loại rác theo hướng dẫn của cán bộ Hội LHPNVN phường. “Việc phân loại rác ngay tại chỗ có nhiều cái lợi như vừa có thêm rác hữu cơ là thức ăn thừa, rau, củ,... làm phân bón cho cây hoặc làm thức ăn chăn nuôi, vừa lọc ra một số loại rác có thể tái chế hoặc quyên góp cho Hội LHPNVN phường để gây quỹ giúp đỡ PN có hoàn cảnh khó khăn” - bà Lạc chia sẻ thêm.

Hiện hầu hết các hộ gia đình đều có thùng chứa rác để thu gom và phân loại rác tại nguồn. Việc thu gom rác được thực hiện hàng ngày, cụ thể vào các ngày thứ hai, tư, sáu và thứ bảy sẽ thu gom rác hữu cơ, còn thứ ba, thứ năm và chủ nhật sẽ thu gom các loại rác còn lại.

Chủ tịch UBND phường 3, TP.Tân An - Nguyễn Hữu Phúc thông tin: “Việc phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng nguồn rác hữu cơ làm phân bón là một trong những giải pháp giúp giải quyết “bài toán khó” về tiêu chí môi trường. Hiện nay, phường phấn đấu đạt chuẩn phường văn minh đô thị vào năm 2024 đúng theo lộ trình mà UBND TP.Tân An đề ra. Qua đó, góp phần xây dựng TP.Tân An đạt chuẩn văn minh đô thị, hoàn thành tiêu chí đô thị loại I”.

Xử lý rác thải nhựa trong nông nghiệp

Có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, vì thế tỉnh đứng trước nguy cơ tác động ngược từ việc xử lý không tốt bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã sử dụng,... Những năm gần đây, nhờ sự chủ động của tỉnh, mô hình thu gom và tiêu hủy bao bì, chai thuốc BVTV sau sử dụng do Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh thực hiện góp phần giải quyết phần nào lượng bao bì, chai thuốc BVTV đã sử dụng.

Mô hình thu gom và tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng góp phần giải quyết phần nào lượng bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật phát tán gây ô nhiễm môi trường (ảnh tư liệu)

Gia đình ông Trần Văn Tiền (ấp 1, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh) hiện trồng 3ha sầu riêng trên 4 năm tuổi. Ông đang ấp ủ ý định xây dựng mã số vùng trồng cho vườn sầu riêng của mình. Để làm được điều này, ông xác định phải xây dựng nhà kho, khu vực chứa bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để góp phần BVMT. Ông Tiền bộc bạch: “Trước đây, tôi thường vứt lung tung các loại bao bì, chai thuốc BVTV đã sử dụng. Sau khi địa phương vận động tham gia mô hình, tôi hưởng ứng ngay. Lúc đầu cũng thấy khó khăn nhưng sau này quen rồi thì xịt thuốc xong, tôi thu gom bao bì, chai thuốc BVTV bỏ vào hố ngay”.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, năm qua, Chi cục phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành 15 cuộc tập huấn và 15 lễ phát động cho nông dân về sử dụng an toàn thuốc BVTV và nâng cao nhận thức BVMT trong sản xuất nông nghiệp cũng như lồng ghép xây dựng các mô hình sinh thái trên đồng ruộng.

Gia đình ông Trần Văn Tiền (xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh) đang nỗ lực thực hiện tiêu chí về môi trường để xây dựng mã số vùng trồng cho vườn sầu riêng

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Để giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân tham gia phong trào chống rác thải nhựa; hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần để BVMT. Bên cạnh đó, ngành thực hiện các biện pháp thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; xử lý, cải tạo môi trường trồng trọt, chăn nuôi và khuyến khích các cá nhân, tổ chức ưu tiên sử dụng vật tư đầu vào thân thiện với môi trường. Ngoài ra, ngành phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nông dân cùng tham gia thu gom, xử lý rác thải từ nhựa trong sản xuất nông nghiệp”.

Để chung tay phòng, chống rác thải nhựa, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động chống rác thải nhựa bằng hành động cụ thể, thiết thực như nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; hạn chế sử dụng túi nylon, thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường; đồng thời, tham gia tích cực vào các hoạt động BVMT tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ như phân loại, tái chế, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng;...

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết