Hầu như tuổi trẻ của bất kỳ ai trong chúng ta đều trải qua thời cắp sách đến trường. Trường học chính là mái nhà thứ hai của chúng ta. Và cũng nơi này, ngoài kiến thức, chúng ta còn được học rất nhiều điều hay, lẽ phải. Chính trường học là nơi rèn luyện nhân cách cho mỗi con người. Nói đến văn hóa học đường từ góc nhìn truyền thống, người ta luôn nhắc đến những giá trị truyền thống phương Đông đáng quý: “Tôn sư trọng đạo”, “bằng hữu tương giao”. Người ta cũng nói đến giá trị của cách ứng xử lễ phép, kính trên nhường dưới, các phép tắc trong việc giảng dạy và học tập. Cho đến nay, nhiều thế hệ ông cha, anh chị của chúng ta còn lưu giữ trong tâm thức về cái hay, cái đẹp của văn hóa học đường mà họ tiếp thu từ xưa, và mỗi khi có dịp họ lại nêu ra cho giới trẻ như là những bài giảng huấn giá trị.
Thế nhưng, có một thực tế đáng báo động là cùng với sự phát triển ngày nay, văn hóa học đường lại có chiều hướng sa sút do những biểu hiện không lành mạnh: Tình trạng bạo lực học đường, thầy cô giáo không nghiêm túc trong quan hệ với học sinh và ngược lại, môi trường giáo dục bị thương mại hóa,... Chắc hẳn, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để chỉ ra hết cội rễ, nguyên nhân của vấn đề văn hóa học đường đang xuống cấp nghiêm trọng như những vụ bạo lực học đường (theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ riêng 2 năm 2009, 2010, có 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường), nhiều vụ thầy cô bạo hành học sinh tại lớp học và ngược lại là những vụ học trò (và cả phụ huynh) đánh thầy cô giáo, hay như gần đây là việc lạm thu của nhiều trường trong cả nước, gây bức xúc cho phụ huynh và dư luận. Tất cả những biểu hiện này trở thành một trong những nguyên nhân khiến cho văn hóa học đường xuống cấp.
Để xây dựng văn hóa học đường đúng nghĩa, chắc chắn cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, sự đồng tâm, nhất trí của nhiều giới, nhiều ngành, trong đó, vai trò của ngành Giáo dục và Đào tạo là cực kỳ quan trọng./.
Khánh Phương