Chương trình Giáo dục phổ thông mới vừa kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành, vừa khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình này
PV: Xin ông cho biết những điểm mới của CT GDPT mới so với CT GDPT hiện hành?
Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Để thực hiện mục tiêu đổi mới, CT GDPT mới vừa kế thừa và phát triển những ưu điểm của CT GDPT hiện hành, vừa khắc phục những hạn chế, bất cập của CT này. Những điểm cần khắc phục cũng chính là những khác biệt chủ yếu của CT mới so với CT hiện hành, cụ thể:
CT GDPT hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp HS vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. CT GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp HS hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
CT GDPT mới phân biệt rõ 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88 và Quyết định 404, CT thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong CT hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học; đồng thời thiết kế một số môn học (Tin học và Công nghệ, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) theo các chủ đề, tạo điều kiện cho HS lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, HS được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.
Trong CT GDPT hiện hành, sự kết nối giữa CT các cấp học trong một môn học và giữa CT các môn học chưa chặt chẽ; một số nội dung giáo dục bị trùng lặp, chồng chéo hoặc chưa thật sự cần thiết đối với HS phổ thông. CT GDPT mới chú ý hơn đến tính liên thông giữa CT của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa CT của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng CT tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự liên thông này.
CT GDPT hiện hành thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động, sáng tạo của địa phương và nhà trường cũng như của tác giả sách giáo khoa và giáo viên (GV). CT GDPT mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với HS toàn quốc; đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
PV: Thực hiện CT GDPT mới, ngành có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Theo CT GDPT mới thì đối với cấp tiểu học phải dạy học 2 buổi/ngày. Đây chính là khó khăn, tạo áp lực cho địa phương về việc chuẩn bị cơ sở vật chất. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp không thể thực hiện đồng loạt cho tất cả cơ sở giáo dục mà tất cả phải thực hiện theo lộ trình, quy hoạch. Phải mất nhiều thời gian thì tất cả cơ sở giáo dục mới có thể đáp ứng được việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Hiện tại, chỉ những nơi thuận lợi mới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (tỉnh đạt 80,4%). Để đáp ứng yêu cầu thực hiện CT này, đối với cấp tiểu học cần bổ sung 804 phòng học; 259 phòng chức năng. Ngoài ra, cần bổ sung cấp THCS 230 phòng học, 79 phòng chức năng; cấp THPT 99 phòng học, 33 phòng chức năng.
Đối với cấp học THCS, các nhà trường phải tổ chức dạy và học theo hướng tích hợp các môn học và GV buộc phải được bồi dưỡng, đào tạo lại để trở thành GV dạy liên môn, tích hợp. Đây cũng là cái khó, bởi không thể một sớm một chiều mà GV được đào tạo đơn môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học hay Lịch sử, Địa lý trở thành GV dạy liên môn, tích hợp và cũng khó có thể đảm nhận tốt vai trò của GV dạy đa môn như tên gọi mới của CT GDPT tổng thể: Môn Khoa học tự nhiên hay Lịch sử và Địa lý.
Đối với cấp học THPT, ngoài các môn học bắt buộc, hoặc các CT giáo dục bắt buộc thì HS được quyền lựa chọn các môn học phù hợp với sở trường, năng lực của bản thân để tham gia học tại các trường đại học, đăng ký vào các ngành nghề yêu thích. Đây là cái mới, tiến bộ, phù hợp với xu thế hiện đại. Tuy nhiên, thực tế HS chỉ được chọn theo các phương án mà nhà trường có thể đáp ứng do điều kiện thực tế của từng địa phương. Chính điều này sẽ tạo ra không ít khó khăn cho địa phương trong việc bố trí đội ngũ, giải quyết tình trạng GV dôi dư,...
Trong CT GDPT mới, có một nội dung nhận được nhiều ý kiến, đó là triển khai thực hiện các hoạt động trải nghiệm, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong nhà trường. Theo đó, các hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề, HS có quyền lựa chọn học phần và chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường. Khi đưa vấn đề triển khai các hoạt động trải nghiệm vào thực tế, ngoài khó khăn về kinh phí, các nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn về yếu tố GV, bởi chưa có GV chuyên biệt đảm nhiệm công việc này,...
PV: Xin ông cho biết phương hướng, giải pháp của ngành nhằm khắc phục khó khăn và chuẩn bị tốt hơn nữa để sẵn sàng thực hiện CT GDPT mới?
Ông Nguyễn Thanh Tiệp: Hướng tới, ngành chú trọng những công tác sau:
Thứ nhất, ngành phối hợp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GV đề xuất nhu cầu đào tạo GV dạy các môn học mới theo CT đào tạo mới. Cơ sở đào tạo GV nghệ thuật thực hiện đào tạo GV Âm nhạc, Mỹ thuật để dạy môn học Giáo dục nghệ thuật ở cấp THPT; đào tạo GV chuyên ngành tiếng Anh, Tin học ở tiểu học; đào tạo GV theo từng chuyên ngành để bổ sung do tăng quy mô trường, lớp, HS và thay thế số GV nghỉ hưu.
Chương trình Giáo dục phổ thông mới góp phần giúp học sinh hình thành, phát triển những phẩm chất, năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng
Thứ hai, ngành tiếp tục rà soát đội ngũ GV, xác định số GV thừa, thiếu từng cấp học, môn học và thực hiện điều chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu; giảm dần số biên chế nhân viên làm các công việc gián tiếp; chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo GV trên địa bàn và các cơ sở khác để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý; bảo đảm các chế độ, chính sách cho GV và cán bộ quản lý trong thực hiện CT và sách giáo khoa mới.
Thứ ba, ngành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV theo Kế hoạch số 791/KH-BGDĐT, ngày 12/9/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chi tiết các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng GV cơ sở GDPT thực hiện CT, sách giáo khoa mới.
Thứ tư, ngành tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho CT giáo dục mầm non và GDPT.
Thứ năm, ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp lại cơ sở vật chất hiện có một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng; lập kế hoạch, tổ chức quản lý, sử dụng, sửa chữa và bảo quản cơ sở vật chất hiện có bảo đảm khai thác và sử dụng hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ngọc Thạch(thực hiện)