Long An là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn, sản lượng bình quân 2,8 triệu tấn/năm (Ảnh: Lê Ngọc)
Xây dựng và cụ thể hóa chương trình phù hợp
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Thanh Truyền chia sẻ, Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (giai đoạn 2021-2025) được xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa phù hợp với từng địa phương. Sau hơn 2 năm triển khai, thực hiện, chương trình đạt một số kết quả nhất định. Long An là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn, sản lượng bình quân 2,8 triệu tấn/năm.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp doanh nghiệp (DN), nông dân xây dựng vùng sản xuất lúa đạt chuẩn xuất khẩu trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (gieo sạ bằng máy sạ cụm, sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật,...). Đến nay, diện tích sản xuất lúa ƯDCNC là 46.929ha (theo kế hoạch 60.000ha, đạt 78,2%). Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh, DN, hợp tác xã (HTX) còn tổ chức cho nông dân tham gia sản xuất lúa ƯDCNC tập huấn, tham quan và đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng.
Theo đánh giá từ Sở NN&PTNT, việc xây dựng vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu được nhiều DN bao tiêu đầu ra, nông dân an tâm sản xuất và có lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa theo kiểu truyền thống. Trên địa bàn tỉnh có 25 DN, chi nhánh tham gia xuất khẩu gạo. Hiện nay, DN tham gia xuất khẩu gạo ngoài giữ thị trường truyền thống còn tiếp cận và thâm nhập các thị trường lớn, khó tính.
Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II (phường Tân Khánh, TP.Tân An) - Nguyễn Tuấn Khoa, thuận lợi lớn của DN xuất khẩu gạo là Long An có vùng nguyên liệu chất lượng cao dồi dào thông qua chương trình ƯDCNC trên cây lúa. Hiện nay, nhiều DN đa dạng hóa thị trường và dần chuyển hướng từ gạo thông dụng sang gạo cấp cao, chú trọng tăng giá trị sản phẩm thông qua chất lượng, từ đó, tiếp cận, thâm nhập vào các thị trường lớn, khó tính.
Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, Bộ NN&PTNT đang triển khai, xây dựng đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Vùng ĐBSCL”.
Theo đề án, tỉnh Long An đăng ký diện tích canh tác lúa chuyên canh chất lượng cao đến năm 2025 đạt 60.000ha, đến năm 2030 đạt 120.000ha. Đề án này phù hợp với việc tỉnh đang tập trung phát triển vùng lúa ƯDCNC, góp phần hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định, lâu dài, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị, gia tăng chuỗi lúa gạo và thu nhập của người dân. Hơn nữa, đề án góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao và giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng cường hỗ trợ sản xuất ứng dụng công nghệ cao
Chanh là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cho người trồng. Toàn tỉnh có trên 11.700ha trồng chanh, tập trung chủ yếu ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Diện tích chanh cho trái trên 10.300ha, năng suất thu hoạch bình quân 180 tạ/ha, sản lượng 173.828 tấn, người trồng chanh có lợi nhuận từ 250-350 triệu đồng/ha/năm. Sở dĩ người trồng chanh có thu nhập cao do những năm gần đây, chanh là một trong những loại nông sản được DN thu mua, chế biến, xuất khẩu. Ngoài thị trường Trung Quốc, chanh được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có châu Âu.
Tính đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có 2.290ha chanh ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: Lê Ngọc)
Để chanh có thể phát triển bền vững, trở thành nông sản thế mạnh của tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp DN tổ chức nhiều khóa dạy nghề, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới về trồng chanh cho nông dân. Bên cạnh đó, cây chanh còn được đánh giá, cấp mã số vùng trồng và áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và quy trình thiết lập, giám sát vùng trồng gắn với yêu cầu xuất khẩu của DN, HTX thu mua. Ngành Nông nghiệp tỉnh còn hỗ trợ HTX điểm ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất chanh; xây dựng 2 mô hình trồng, thâm canh chanh theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Huyện Bến Lức có 5.782ha chanh đang cho trái, sản lượng 97.713 tấn/năm. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền về sản xuất ƯDCNC trên cây chanh, được nông dân đồng tình, ủng hộ. Đến nay, huyện có 460ha chanh ƯDCNC (kế hoạch 445ha, đạt 103,4% kế hoạch tỉnh giao). Theo kế hoạch, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 3.000ha chanh ƯDCNC; tính đến tháng 7/2023, đã có 2.290ha.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức - Lê Văn Nam, khi ƯDCNC vào sản xuất, thực hành sản xuất sạch, chanh có đầu ra ổn định thông qua DN, HTX. Bên cạnh đó, ƯDCNC với hệ thống tưới tiên tiến giúp nông dân tiết kiệm chi phí (công lao động, nhiên liệu) và điều tiết lượng nước tưới phù hợp hơn so với phương pháp truyền thống. Tại huyện Bến Lức, nông dân, HTX tham gia sản xuất ƯDCNC được ưu tiên hỗ trợ kinh phí về cây giống, đầu tư hệ thống tưới tự động,...
Thông tin từ Sở NN&PTNT, từ năm 2021 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung hỗ trợ DN, HTX, tổ hợp tác tham gia sản xuất ƯDCNC. Trong đó, ngành cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp ƯDCNC cho Công ty TNHH Thương mại Chăn nuôi công nghệ cao Hoàn Hảo Vina, chuyên chăn nuôi gà lấy trứng và Công ty Cổ phần Thực phẩm HG, chuyên ngành trái cây sấy.
Đến nay, toàn tỉnh có 6 DN được công nhận là DN nông nghiệp ƯDCNC. Các địa phương cũng tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các HTX, tổ hợp tác, DN về việc cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, cấp giấy chứng nhận sản xuất rau hữu cơ; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng 6 chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản và hỗ trợ 300.000 tem truy xuất quét mã QR cho các sản phẩm chuỗi cung ứng. Đến nay, tỉnh xây dựng được 28 chuỗi rau, thanh long, chanh, gạo, thịt gà, thịt heo, bò và thủy sản; hỗ trợ 2.061.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các đơn vị này.
Ngoài cây lúa, chanh, tỉnh còn tập trung phát triển ứng dụng công nghệ cao trên cây rau, thanh long, tôm, bò thịt (Ảnh: Lê Ngọc)
Song song đó, tỉnh cũng tập trung nguồn vốn đầu tư hạ tầng vùng sản xuất ƯDCNC, bảo đảm cho vận chuyển vật tư, hàng hóa sản xuất. Theo đó, Sở NN&PTNT phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát danh mục các công trình đầu tư cho vùng sản xuất ƯDCNC giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2022, đã bố trí đầu tư 47 công trình cho vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC với kinh phí khoảng 163 tỉ đồng.
Năm 2023, ngành triển khai 40 danh mục với kinh phí khoảng 244,8 tỉ đồng. Các công trình sau khi được đầu tư góp phần phục vụ vùng sản xuất ƯDCNC trong việc ngăn lũ, triều cường, cung cấp nước tưới. Bên cạnh đó, các công trình này vừa phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, vừa phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận của người dân trong vùng. Các công trình đầu tư cũng góp phần giúp xã đạt tiêu chí nông thôn mới về thủy lợi, giao thông.
Theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2025, tỉnh tiếp tục tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tham gia và ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tập trung triển khai, xây dựng vùng nguyên liệu cho xuất khẩu; tiếp tục hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản; tập trung chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ vùng sản xuất ƯDCNC./.
Ngoài cây lúa, chanh, tỉnh còn tập trung phát triển ứng dụng công nghệ cao trên cây rau, thanh long, tôm, bò thịt. |
Mai Hương