Điệp khúc “được mùa - rớt giá”, “được giá - mất mùa” vẫn luôn là nỗi lo của nông dân
Bên cạnh những thành quả, việc thực hiện nghị quyết về “tam nông” vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Để “tam nông” có thể bứt phá và đạt hiệu quả như kỳ vọng thì việc khắc phục những hạn chế này là điều kiện tiên quyết.
Thiếu liên kết sản xuất và bài toán “đầu ra”
Nếu nhìn tổng thể, lĩnh vực “tam nông” có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Tuy nhiên, sản xuất còn manh mún, nhỏ, lẻ, thiếu tính liên kết, đầu ra nông sản chưa ổn định,... chính là rào cản quan trọng để nông nghiệp phát triển, nông dân vươn lên làm giàu. Theo nhiều địa phương, hiện nay, số lượng nông sản được doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân còn rất ít. Trong đó, lúa là nông sản chủ lực của tỉnh lại thường xuyên rơi vào tình trạng bị thương lái “bẻ kèo” hoặc ép giá khiến nông dân lao đao.
Ông Nguyễn Văn Thẩm, ngụ ấp Trong, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, bày tỏ: “Lo lắng lớn nhất của nông dân hiện nay là giá cả tiêu thụ nông sản. Đầu ra thì bấp bênh nhưng giá cả vật tư nông nghiệp lại tăng liên tục, đó là chưa kể đến tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng tràn lan khiến việc sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn”. Từ thực trạng trên, ông Thẩm đề xuất Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá cả thị trường đầu vào lẫn đầu ra trong sản xuất nông nghiệp để nông dân an tâm sản xuất, tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng nông sản.
Bên cạnh nỗi lo về đầu ra, những năm gần đây, không ít nông dân phải đối mặt với tình trạng “được giá - mất mùa”. Tình trạng sản xuất kém hiệu quả trong nông nghiệp do dịch hại, sâu, bệnh diễn ra khá phổ biến, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp như hiện nay. Điều này đặt ra vấn đề là các ngành chuyên môn phải làm tốt hơn nữa công tác dự tính, dự báo, xây dựng lịch thời vụ gieo trồng phù hợp với từng tiểu vùng và khuyến cáo nông dân phòng trừ dịch bệnh hiệu quả.
Xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững đòi hỏi phải xây dựng thành công mô hình liên kết “4 nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp). Dù liên kết này đã được triển khai từ lâu nhưng việc thực hiện đồng bộ giữa các “nhà” vẫn còn rất lỏng lẻo, đặc biệt là mối liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp. Ông Huỳnh Văn Liêm, ngụ ấp Ông Lễ, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, bộc bạch: “Nông dân chúng tôi bao đời bám ruộng, chịu bao nhọc nhằn nhưng chưa bao giờ quyết định được giá cả của những sản phẩm mình làm ra. Mặt khác, hiện nay, hầu hết nông dân vẫn phải “tự bơi” trong việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản”.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do các ngành chức năng chưa làm tốt công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, tạo tính cạnh tranh cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Quy mô sản xuất của nông dân vẫn còn nhỏ, lẻ, lượng sản phẩm làm ra quá ít và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ít mặn mà trong việc liên kết thu mua. Vì vậy, muốn “tam nông” bứt phá thì các vấn đề nêu trên phải được giải quyết, trong đó, Nhà nước phải là “đầu tàu” đứng ra tổ chức thực hiện.
Từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Hiện nay, kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ nhưng cũng phải thừa nhận rằng, nông nghiệp vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Mục tiêu của tỉnh đặt ra là giữ ổn định tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 2,0%, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 1,5-2,0% và ổn định đến năm 2030.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn manh mún, nhỏ, lẻ, thiếu tính liên kết
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, để thực hiện được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu, rộng, tạo sự nhất quán trong thực hiện các các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là Chương trình số 10/CTr-TU, ngày 02/11/2011 của Tỉnh ủy về đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới; Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 04/3/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Song song đó, tiếp tục phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung thực hiện trên các ngành hàng chính: Gạo, thanh long, rau, chanh,... Đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, công nghệ cao vào phát triển nông, lâm nghiệp, nuôi thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa. Nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao, nhằm tạo bước đột phá trong việc tăng năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản.
Trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình đột phá của tỉnh về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện tốt liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, coi trọng chất lượng, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm: 20.000ha sản xuất lúa ƯDCNC, 2.000ha thanh long, 2.000ha rau và vùng chăn nuôi bò thịt.
“Ngoài ra, ngành tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn. Thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng cánh đồng lớn. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Lê Văn Hoàng cho biết.
Với định hướng cụ thể cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tin rằng, thời gian tới, khu vực nông thôn của tỉnh sẽ có những bứt phá mạnh mẽ./.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “tam nông”, KT-XH của tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 3,9%/năm (chỉ tiêu 4,0%/năm), giai đoạn 2016-2018 ước đạt 1,14%. |
An Kỳ