Tiếng Việt | English

14/06/2021 - 09:01

Chuyển đổi để thích ứng và phát triển

Những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường nên tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An thay đổi nhiều so với trước. Phần lớn người dân đều hiểu rằng, cần có sự thay đổi trong tư duy tổ chức sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, quy trình kỹ thuật,... để giảm được thiệt hại và ổn định đầu ra.

Chủ động chuyển đổi

Thời gian qua, điều kiện sản xuất nông nghiệp có nhiều thay đổi do tình trạng xâm nhập mặn sâu hơn, môi trường biến động nhiều hơn, sâu, bệnh gây hại nhiều hơn,… Ðặc biệt, tình trạng hạn kéo dài gây thiệt hại cho sản xuất, thiếu nước ngọt sinh hoạt và mức độ xâm nhập mặn vào nội đồng ngày một sâu hơn. Hạn, mặn đã và đang tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống người dân và cả sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Tình trạng xâm nhập mặn có thể thấy rõ nhất tại các huyện phía Nam của tỉnh như Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa,... Trải qua 2 đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016 và 2020, nhiều diện tích sản xuất bắt đầu có sự thay đổi để thích ứng và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực.

Trồng rau màu giúp người dân xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa nâng cao thu nhập

Huyện Thủ Thừa là một trong những địa phương vừa phải chịu tác động của hạn, mặn, vừa phải đối mặt với lũ hàng năm. Vì vậy, để thích ứng với vấn đề này, ngành Nông nghiệp huyện cùng các địa phương chủ động tìm giải pháp, theo đó, tùy theo điều kiện của địa phương mà bố trí tổ chức sản xuất phù hợp.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thủ Thừa - Nguyễn Hữu Lợi cho biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện cùng UBND các xã, thị trấn đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc tập trung chuyển giao các giống cây trồng mới, chế độ canh tác phục vụ sản xuất hàng hóa, ngành Nông nghiệp huyện cũng đẩy mạnh việc đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa - Nguyễn Quốc Cường chia sẻ: “Trước đây, người dân địa phương chủ yếu trồng lúa nhưng do ảnh hưởng của hạn, mặn nên năng suất lúa không cao, thu nhập cũng vì vậy mà bấp bênh. Xuất phát từ mục đích nâng cao thu nhập cho người dân, tôi đã thành lập HTX rau an toàn để vừa cung cấp sản phẩm rau chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, vừa giúp người dân có được thu nhập ổn định”.

Được biết, hầu hết đất sản xuất ở xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa hầu như năm nào cũng chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn và lũ. Do đó, thời gian canh tác để tạo ra nguồn thu nhập từ các diện tích đất thường xuyên bị gián đoạn. Vì vậy, khi được vận động chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau an toàn nhiều người dân đã hưởng ứng. Hiện HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh có 26 thành viên, sản xuất gần 40ha, lợi nhuận trung bình hàng năm từ 150-170 triệu đồng/ha.

Còn tại huyện Bến Lức, trước những tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường, cơ cấu nông nghiệp của huyện đã có nhiều thay đổi. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức - Lê Văn Nam, từ năm 2017 đến nay, do việc tiêu thụ mía gặp nhiều khó khăn, nông dân thua lỗ nặng nên diện tích mía giảm từ 8.750ha (năm 2013) xuống còn hơn 300ha. Hầu hết diện tích mía được người dân thay bằng các loại cây: Chanh, khoai mì, khóm, thanh long,… Trong đó, nhiều nhất là cây chanh, với diện tích gần 7.000ha, trung bình mỗi vụ, nông dân có lãi khoảng 40 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Cư, ngụ ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, cho biết: “Từ khi chuyển đổi từ mía sang trồng chanh, thu nhập của gia đình tôi đã ổn định hơn rất nhiều. Vấn đề đầu ra được giải quyết khi gia đình tôi đã ký hợp đồng bao tiêu với Công ty The Fruit Republic Cần Thơ. Hiện gia đình tôi có 4,5ha chanh không hạt (trên 3 năm tuổi), mỗi năm cho lợi nhuận từ 120-150 triệu đồng”.

Tiếp tục đẩy mạnh

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức - Lê Văn Nam thông tin: “Theo quan điểm và định hướng của huyện, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và nhu cầu của thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên cây chanh, từng bước hình thành vùng chuyên canh chanh với diện tích 7.500ha, hướng đến mở đường cho sản phẩm chanh xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu,…”.

Bến Lức hướng đến hình thành vùng chuyên canh chanh 7.500ha

Trước sự thay đổi trong điều kiện sản xuất thời gian qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết, Sở luôn chú trọng đến vấn đề cơ cấu lại các ngành hàng, giống, mùa vụ,... cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, từng vùng sản xuất. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để không chỉ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu mà còn đáp ứng được thực tiễn hiện nay.

Ông Thiện cũng cho biết thêm, để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiệu quả, chính nông dân phải tự đặt ra yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm nông nghiệp mà mình làm ra, không chỉ để thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn để bắt kịp với xu thế thị trường. Hiện nay, khoa học - kỹ thuật phát triển rất nhanh, nếu chúng ta chậm thay đổi và thích nghi thì sẽ thụt lùi ngay. Song song đó, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết