Dệt chiếu máy phổ biến vì phù hợp với xu hướng của thời đại
Nhớ một thời
Làng chiếu Long Cang, Long Định - huyện Cần Đước, tỉnh Long An ngày trước nổi tiếng với nghề dệt chiếu cưới nhưng bây giờ khung dệt nằm yên vị trong góc nhà, phủ đầy bụi. Hỏi thăm người có thể “lẫy” (dệt một đôi chiếu có hoa văn bằng cách sắp xếp khéo các sợi lát nhuộm màu trong quá trình dệt) được một đôi chiếu cưới thì ai nấy cũng lắc đầu không biết.
Dò tìm mãi, chúng tôi cũng được người dân địa phương chỉ đến nhà bà Trần Thị Chẩn, ngụ ấp 1, xã Long Định – nghệ nhân lẫy chiếu một thời, người có trên 60 năm trong nghề dệt chiếu. Bà tiếp chúng tôi bằng cái nhìn thân thiện và bắt đầu câu chuyện lẫy chiếu thời con gái của mình. Bà kể, ngày đó dệt chiếu mỏi cả tay luôn, đặc biệt những ngày giáp tết: “Làm không ngớt tay, để cho kịp giao chiếu cho khách, có khi chị em tui phải lẫy tới cả ban đêm, đốt đèn lên mà làm!”.
Theo bà, để có được một đôi chiếu cưới đẹp, người thợ phải cần mẫn, tỉ mỉ từ khâu chẻ lát, nhuộm lát và đòi hỏi tay nghề phải cao mới có thể làm. Lát được chẻ bằng tay không nên chẻ bằng máy vì chẻ máy sợi lát sẽ không nhuyễn, mềm mại, khó mà lẫy đẹp được. Người thợ “đại diện” cho những người thân yêu gửi đến đôi bạn trẻ một thế giới muôn màu muôn vẻ với các hình ảnh, họa tiết sống động như: Rồng, phụng, nhà lầu, những dòng chữ chúc phúc,... và được thể hiện một cách khéo léo trên những tấm chiếu cưới.
Thông thường, chiếu cưới được đặt một đôi và được dùng để trải nhiều nhất vào dịp nhà trai cưới dâu. Bên cạnh đó, chiếu còn được trải trong dịp sang trọng khác như lễ lộc, hội đình,... Không chỉ có chiếu cưới mới đặt lẫy tay mà những gia đình khá giả cũng thường có một đôi chiếu như vậy trong nhà.
Để hoàn thành được một tác phẩm nghệ thuật như vậy, 2 người thợ lành nghề phải mất đến 3 ngày với tấm chiếu dài đến 2 mét. Rồi bà chợt nhìn khung dệt của mình mà ngậm ngùi: “ Ngày ấy, chiếu lẫy người ta còn vác đi bán dạo khắp nơi, nhưng giờ thì không còn nữa. Thời đại bây giờ, cái gì nhanh, có kinh tế thì người ta làm thôi. Chiếu ca rô chỉ mất khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ chứ mấy?”.
Theo nhịp độ của thị trường
Chia tay bà Chẩn và tìm hỏi mọi người xung quanh có ai còn biết lẫy chiếu, chúng tôi cũng chỉ được câu trả lời: “Bây giờ, người ta không ai biết lẫy nữa đâu. Những đôi chiếu cưới bây giờ là lựa chọn thứ yếu rồi, nó chẳng còn được chú trọng như xưa” – một người dân cho hay.
Làng chiếu Long Cang, Long Định lâu đời đến thế nhưng theo người dân thì số người biết lẫy chiếu cưới còn lại khoảng được 2, 3 người, đa phần lớn tuổi. Nhiều người thợ vì không giữ được nghề nên đành bỏ quê đi làm ăn ở nơi xa, còn bà Chẩn thì để khung dệt nằm im ắng, phủ đầy bụi.
Chị Nguyễn Thị Bình - chủ một cơ sở dệt chiếu ở đây cho biết: “Bây giờ, ngoài thị trường, chẳng ai phân biệt chiếu cưới hay chiếu thường làm gì. Người ta chỉ cần xem chất lượng và đánh giá qua độ bền chặt của chiếu mà thôi. Chiếu bây giờ là chiếu ca rô, được dệt bằng máy và theo mẫu in sẵn, mỗi ngày một máy dệt có thể cho ra hàng chục tấm chiếu, năng suất cao hơn dệt tay mà sản phẩm lại bền hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà chẳng còn mấy ai làm chiếu dệt tay, huống hồ gì là lẫy chiếu cưới với những họa tiết công phu và phức tạp”.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Định – Lê Ngọc Danh thông tin: “Nghề dệt chiếu ở địa phương có từ lâu đời và nổi tiếng xa gần. Khi nhắc về nghề chiếu tại đây, ai cũng nghĩ ngay tới chiếu cưới, sản phẩm một thời làm nên thương hiệu của vùng. Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân đa phần chuyển sang dệt chiếu bằng máy để bắt theo nhịp độ của thị trường hay chỉ dệt chiếu tay thông thường để có thêm thu nhập”.
Ngày trước, người dân ở xã hầu như nhà nào cũng theo nghề này, nhưng hiện nay, địa phương với gần 2.900 hộ dân nhưng chỉ có khoảng 20 - 30% số hộ còn theo nghề dệt chiếu - vì nguồn nguyên liệu khó khăn, hạn chế, quy hoạch công nghiệp làm cho diện tích cũng bị thu hẹp, đồng thời do nhu cầu thị trường thấp. Phần lớn số người còn làm nghề này đều lớn tuổi, còn lực lượng lao động trẻ thì đi làm công nhân có thu nhập ổn định hay học tập và làm ăn ở xa - ông Lê Ngọc Danh thông tin thêm./.
Thanh Mỹ