Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 9 năm 2018.
Hồi 19 giờ đêm qua, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 210km, cách Nha Trang khoảng 240km, cách Phan Thiết khoảng 310km, cách Vũng Tàu khoảng 370km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 100km.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 07 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu và cách Phan Thiết 140km, cách Vũng Tàu 230km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 200km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80km.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 19 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Cam Pu Chia. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Thành Phố Hồ Chí Minh: Trong chiều và đêm nay có mưa rất to (phổ biến 200-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ trưa và chiều nay (24/11), trên đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều nay (24/11).
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ đêm qua (23/11) đến 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).
Cảnh báo lũ: Từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Để chủ động ứng phó với cơn Bão số 9, Tổng công ty Điện lực miền Nam yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các việc sau:
1) Thường xuyên theo dõi các thông tin cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (địa chỉ website: www.kttv.gov.vn) và tham khảo các trang thông tin dự báo của Quốc tế để chủ động có các giải pháp ứng phó kịp thời.
2) Chuẩn bị phương án ứng phó với bão, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra.
3) Công ty Lưới điện cao thế miền Nam và các Công ty Điện lực, đặc biệt là các Công ty Điện lực dọc theo bờ biển từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Bạc Liêu, Cà Mau do có khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 9, cần thực hiện chặt chẽ các việc sau:
(i) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn và nhanh nhất cho các phụ tải quan trọng, các trạm bơm tiêu úng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn;
(ii) Phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới;
4) Riêng Công ty có quản lý thủy điện và Công ty CP Thủy điện rà soát kiểm tra công trình, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ, thông báo kịp thời, đúng quy định cho các địa phương và cơ quan liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa và vùng hạ du.
- Trường hợp xảy ra sự cố, hư hỏng lưới điện do bão gây ra, đơn vị báo ngay bằng điện thoại cho Trực ban PCTT: A.Trung (PTB.An toàn) số điện thoại: 0913.725097 hoặc A.Quân (CV.Ban An toàn) số điện thoại: 0918.062233./.
Theo VOV.VN