Tiếng Việt | English

26/07/2019 - 11:04

Công đoàn Long An - Chặng đường 90 năm hình thành và phát triển

Cách đây 90 năm, cùng với cả nước, tổ chức Công đoàn (CĐ) Long An hình thành, phát triển và không ngừng lớn mạnh. Các cấp CĐ phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, viên chức và người lao động (CNVCLĐ). Hoạt động CĐ hướng về cơ sở, ngày càng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Xây dựng và phát triển

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp áp đặt chế độ thực dân - phong kiến, cơ cấu xã hội Việt Nam có nhiều biến chuyển sâu sắc, dẫn đến sự hình thành các tầng lớp và giai cấp mới - trong đó có đội ngũ nhân công (CN) làm thuê, sau này trở thành giai cấp CN đầu tiên trong xã hội. Tại Tân An, ngày 01/4/1921, Nhà máy Đường Hiệp Hòa (huyện Đức Hòa) ra đời với khoảng 1.000 CNLĐ và hàng trăm CN làm việc ở các đồn điền cao su của Pháp. 

Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên dương, khen thưởng công nhân, lao động giỏi năm 2019, qua đó, khen thưởng 400 công nhân, lao động có thành tích xuất sắc 

Sự ra đời của tổ chức Công hội tại Long An gắn liền với phong trào đấu tranh của CNLĐ khu Chợ Lớn - Tân An. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đó, lần lượt các chi bộ Đảng ở các quận: Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, Trung Quận, Thủ Thừa ra đời. Kể từ đây, phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng của nhân dân Chợ Lớn - Tân An được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là nhân tố có tính chất quyết định thúc đẩy phong trào CN, nhân dân lao động địa phương tiến lên một bước mới. 

Từ những năm 1970 trở đi, đội ngũ CNLĐ trong tỉnh mở những đợt đấu tranh mạnh mẽ, trong vùng căn cứ kháng chiến đẩy mạnh công tác vận động thi đua đánh giặc Mỹ xâm lược; tham gia công tác dân công nuôi quân, tải đạn, sản xuất và sửa chữa vũ khí ở các công binh xưởng. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, CNLĐ Long An - Kiến Tường có những đóng góp hết sức to lớn, kết hợp sự nổi dậy của CN bên trong và nông dân ngoại thành, lực lượng vũ trang đã chiếm thị xã, thị trấn, tiếp nhận sự đầu hàng của ngụy quân, ngụy quyền. CNLĐ Long An góp phần trong việc bảo toàn kho tàng, bến bãi, giữ gìn nhà máy, công sở, trường học, chợ búa, bệnh viện,... đồng thời tích cực đấu tranh chống bọn chủ tẩu tán tài sản, phá hoại máy móc và tham gia truy quét địch.

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đầu tháng 5/1975, Thường vụ Liên hiệp CĐ giải phóng miền Nam cử đồng chí Nguyễn Văn Triều (tức Năm Tân, quê huyện Mộc Hóa) về Ban Công vận Khu 8, chỉ đạo việc xây dựng tổ chức CĐ và khẩn trương mở các lớp đào tạo cán bộ CĐ cho các tỉnh thuộc Khu 8. 

Trụ sở đầu tiên của Liên hiệp CĐ giải phóng tỉnh Long An đặt tại ngôi nhà của Phân bộ Nghiệp đoàn Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam dưới chế độ cũ (nay là cơ quan Cảnh sát nhân dân tỉnh). Ông Nguyễn Văn Vương - nguyên Thư ký Liên hiệp CĐ tỉnh, cho biết: “Thời gian đầu mới thành lập, hoạt động CĐ còn yếu, cầm chừng, cán bộ làm công tác CĐ chưa có nhiều kinh nghiệm. Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động còn hạn chế. Chứng kiến quá trình phát triển của tổ chức CĐ Long An, tôi rất phấn khởi khi tổ chức CĐ ngày càng lớn mạnh và làm tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”.

Chỗ dựa cho công nhân, lao động

Đến nay, CĐ Long An trải qua 10 kỳ đại hội và là tổ chức chính trị tin cậy nòng cốt của Đảng, chỗ dựa vững chắc của gần 300.000 CNVCLĐ. Với khẩu hiệu hành động “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Trách nhiệm”, Đại hội đại biểu CĐ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2018-2023) phấn đấu kết nạp khoảng 50.000 đoàn viên, thành lập tổ chức CĐ ở 100% doanh nghiệp có 25 CNLĐ trở lên; hàng năm có 80% trở lên CĐ cấp trên cơ sở, CĐ cơ sở khu vực nhà nước, 55% trở lên CĐ cơ sở khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước, nghiệp đoàn cơ sở đạt tiêu chuẩn vững mạnh; 100% doanh nghiệp nhà nước, 70% trở lên doanh nghiệp ngoài nhà nước có thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, 80% trở lên thỏa ước lao động tập thể có nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật cho người lao động; vận động đóng góp Quỹ Tấm lòng vàng đạt 10 tỉ đồng và xây dựng 200 nhà Mái ấm CĐ;…

Công đoàn Long An là chỗ dựa vững chắc của gần 300.000 công nhân, viên chức, lao động

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2018-2023, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh đề ra 4 chương trình: Nâng cao chất lượng hoạt động CĐ cơ sở; Đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho đoàn viên và người lao động; Nâng cao chất lượng hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc và Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật trong CNVCLĐ. Theo đó, các chương trình, hoạt động tiêu biểu của CĐ các cấp như Tết sum vầy, Tháng CN, tuyên truyền, tư vấn pháp luật,… được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo CNVCLĐ, đoàn viên CĐ tham gia.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 CĐ cơ sở với gần 235.000 CĐ viên ở cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Những năm qua, hoạt động của CĐ tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. 6 tháng đầu năm 2019, các cấp CĐ vận động CNVCLĐ đóng góp Quỹ Tấm lòng vàng với số tiền trên 1,5 tỉ đồng; duy trì hiệu quả các hoạt động góp vốn xoay vòng, tham quan, du lịch, thăm hỏi và giúp đỡ đoàn viên ốm đau, thai sản, bệnh hiểm nghèo,... Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng 37 căn nhà Mái ấm CĐ (40 triệu đồng/căn) cho CNVCLĐ khó khăn về nhà ở. 

Chương trình “Phúc lợi đoàn viên và người lao động” tiếp tục được triển khai sâu, rộng. Phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên được hưởng ứng tích cực, trọng tâm là phong trào thi đua: Lao động giỏi, lao động sáng tạo; Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động,…

Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên dương, khen thưởng CNLĐ giỏi năm 2019, qua đó, khen thưởng 400 CNLĐ có thành tích xuất sắc.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho biết: “Hưởng ứng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập CĐ Việt Nam, vừa qua, LĐLĐ tỉnh tổ chức họp mặt nhằm ôn lại truyền thống của giai cấp CN và hoạt động của tổ chức CĐ. Đây cũng là dịp gặp gỡ, tri ân những thế hệ đi trước, đặc biệt là cán bộ CĐ qua các thời kỳ có nhiều đóng góp to lớn cho hoạt động CĐ. Thời gian tới, CĐ Long An tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động, tập trung chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục xây dựng giai cấp CN ngày càng lớn mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng”.

Trải qua 90 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp CN và tổ chức CĐ Việt Nam nói chung, CĐ Long An nói riêng vượt qua nhiều gian nan, thử thách, đoàn kết, tập hợp giai cấp CN phát huy vai trò tiên phong trong sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp CN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên con đường hội nhập và phát triển./.

Quang Nguyên - Thùy Minh

Chia sẻ bài viết