Tai nạn lao động vẫn có thể tránh khỏi nếu người lao động và người sử dụng lao động chấp hành nghiêm Luật An toàn vệ sinh lao động
Khi gia đình mất đi trụ cột
Câu chuyện xảy ra với gia đình ông Trần Thanh Hoàng (SN 1947), ngụ ấp Vĩnh Bình, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, tỉnh Long An cách đây 3 năm nhưng đến nay, nỗi đau vẫn còn đó. Tháng 5-2015, anh Trần Thanh Tú, con trai ông Hoàng, đang làm việc trên công trường thì bị thanh sắt rơi trúng đầu, khiến anh tử vong tại chỗ. “Khi hay tin con trai bị TNLĐ, vợ chồng tôi ngã quỵ. Tú mất, để lại đứa con gái chưa đầy 3 tuổi cùng người vợ trẻ và những ước mơ dang dở. Nếu đồng nghiệp cẩn thận, không lơ là, kiểm tra dây an toàn trước thì có lẽ thanh sắt không rơi và con tôi không bị nạn”. Chỉ vì một phút lơ là, thiếu cẩn thận của đồng nghiệp đã vĩnh viễn cướp đi tính mạng của anh Tú.
Thắp cho con nén nhang, bà Nguyễn Thị Khéo (vợ ông Hoàng) rưng rưng: “Nhìn đứa cháu nội thiếu tình thương của cha, vợ chồng tôi đau lòng lắm! Giờ đây, tôi chỉ hy vọng có đủ sức khỏe chăm lo cho cháu”. Anh Tú mất đi, gánh nặng mưu sinh đè lên vai chị Lê Thị Kiều (vợ anh).
Chị Kiều cho biết: “Ba mẹ chồng tôi lớn tuổi, không còn khả năng lao động nên lúc trước, chồng tôi là trụ cột gia đình. Giờ, anh mất, tôi cố gắng thay anh chăm sóc ba mẹ và con gái!”. Gia đình ông Hoàng vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống và nỗi đau mất mát vẫn chưa nguôi ngoai,...
Vì không cẩn thận mà bà Trần Thị Sương bị tai nạn lao động, với tỷ lệ thương tật 91%
Gần 30 năm nằm một chỗ, ăn cơm ở bệnh viện nhiều hơn cơm nhà và mọi sinh hoạt cá nhân đều cần người thân giúp đỡ, hoàn cảnh bà Trần Thị Sương (63 tuổi), ngụ phường 5, TP.Tân An vô cùng khó khăn.
Bà Sương cho biết: “Năm 1989, chồng tôi qua đời, bỏ lại tôi và 3 đứa con thơ dại. Hàng ngày, tôi đi nấu cơm cho Đội Cảnh sát cơ động Công an tỉnh. Cứ ngỡ, cuộc sống của 4 mẹ con sẽ ổn định nhưng năm 1990, tôi bị trượt cầu thang trong lúc làm việc, giập tủy, gãy xương sống, tỷ lệ thương tật 91%. Cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc”.
Cảm thương hoàn cảnh của gia đình bà Sương, nhiều người đến động viên và giúp đỡ. Tuy nhiên, số tiền giúp đỡ đó chẳng thấm vào đâu, nên 3 đứa con của bà lần lượt nghỉ học, đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống và thay nhau chăm sóc mẹ.
Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (con gái bà Sương) chia sẻ: “Lúc mẹ tôi bị TNLĐ, tôi 11 tuổi, anh trai 12 tuổi và đứa em gái 7 tuổi. Hàng ngày, anh hai đi bán đá bào ở bến xe, tôi nhận hạt điều về nhà gia công để tiện chăm sóc mẹ, còn đứa em gái phải gửi người bà con chăm sóc”. Lúc đó, thấy 3 đứa con sớm mưu sinh vất vả, bà Sương không đành lòng nên nhiều lần tìm đến cái chết. Bà cho biết: “Tôi 2 lần tự tử nhưng không thành và được nhiều người động viên, chia sẻ nên bỏ ý định, cố gắng sống vì các con”.
TNLĐ không chỉ cướp đi sức khỏe của bà Sương mà còn cướp đi tương lai của 3 đứa trẻ. Tuy nhiên, không đầu hàng trước nghịch cảnh, với nghị lực và lòng hiếu thảo, những đứa trẻ ấy lại tiếp thêm động lực cho mẹ vượt qua khó khăn. Giờ đây, tuy sức khỏe yếu nhưng nhìn các con được “yên bề gia thất” và có việc làm ổn định, bà rất vui.
Gánh nặng cho gia đình và xã hội
Bao nhiêu ước mơ, hoài bão và cả những dự định tốt đẹp ở tương lai của chàng trai 20 tuổi Lê Văn Tạo, ngụ ấp 3, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, đành khép lại sau vụ TNLĐ khủng khiếp làm 1 người chết, 4 người bị thương.
Ông Tạo nhớ lại: “Năm 1977, 5 anh em trong Cơ quan Thông tin Văn hóa huyện (nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện) được phân công dọn vệ sinh, đập phá nền, chuẩn bị chiếu phim phục vụ người dân thì bị TNLĐ, khiến 1 người tử vong tại chỗ và 4 người bị thương. Vụ tại nạn đó làm tôi mất một chân, cuộc sống bị đảo lộn”.
Ông Lê Văn Tạo luôn cảm thấy mặc cảm khi mình là gánh nặng cho gia đình
Với sự giúp đỡ và động viên từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, ông Tạo dần làm quen với cuộc sống mới. Năm 1984, ông lập gia đình. Cứ ngỡ hạnh phúc gia đình sẽ bù đắp một phần đau thương, mất mát mà ông đang gánh chịu, nhưng gánh nặng “cơm áo gạo tiền” làm ông rơi vào mặc cảm, tự ti. Bà Huỳnh Thị Diễm (vợ ông Tạo) tâm sự: “Vợ chồng tôi sinh được 3 đứa con. Vì cuộc sống gia đình khó khăn nên cả 3 đứa đều nghỉ học sớm. Lúc nào chồng tôi cũng luôn tự trách mình tật nguyền, không lo được cho các con ăn học đến nơi, đến chốn”.
Giờ đây, sức khỏe ông Tạo ngày càng yếu và thường xuyên đau ốm. Ông tâm sự: “Không lo được cho vợ con, lại trở thành gánh nặng của gia đình, tôi mặc cảm lắm!”.
Chỉ cần một phút lơ là, thiếu cảnh giác trong lao động, nhiều người phải đánh đổi bằng sức khỏe và tính mạng. Gia đình ông Hoàng, bà Sương và ông Tạo là 3 trong nhiều trường hợp phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ TNLĐ. Song, TNLĐ vẫn có thể tránh khỏi nếu người lao động và người sử dụng lao động chấp hành tốt Luật An toàn vệ sinh lao động.
Thăm, tặng quà nạn nhân bị tai nạn lao động
Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 311 vụ TNLĐ làm 15 người chết, 8 người bị thương nặng và 288 người bị thương nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu là người sử dụng lao động và người lao động thiếu hiểu biết, còn chủ quan, chưa chấp hành tốt Luật An toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, môi trường làm việc của người lao động trên tất cả lĩnh vực chưa được bảo đảm, còn xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí, quy trình sử dụng trang thiết bị chưa đúng,...
Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2018, với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ và bệnh nghề nghiệp”, nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động về an toàn lao động, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường thông tin, tuyên truyền Bộ luật Lao động và Luật An toàn vệ sinh lao động; tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động; thực hiện tốt các chính sách dành cho người lao động nhằm hạn chế TNLĐ,...”.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên
|
Lê Ngọc