Ảnh minh họa
Chiều biên giới bình yên! Ráng chiều đổ xuống nhuộm đỏ một góc trời. Mùi rơm rạ, cỏ cây như quyện vào nhau trong buổi chiều yên ả. Mới nghe thím sai Út đi bắt vịt nấu cháo, chú hai liền cản “vịt nấu cháo nơi nào mà hổng có, khách thành phố về, phải đãi món đặc sản chứ!”. Nghe vậy, Út hớn hở: “Mình nấu lẩu mắm nha má, trời lạnh lạnh vầy ăn lẩu mắm là hết sẩy!”. Út 10 tuổi, loắt choắt và đen nhẻm như bao đứa trẻ vùng biên, đôi mắt trong veo, liến thoắng, em nắm lấy tay tôi kéo đi - “Anh đi hái rau với em nha, để chị hai ở nhà làm cá, lẩu mắm mà nấu với cá lóc đồng thì còn gì bằng. Nhà em cá mắm ăn quanh năm, không phải mua như trên thành phố đâu. Muốn ăn cá, ba đi đặt lờ, cắm câu, một đêm được mấy kilôgam, rộng trong khạp, muốn ăn là bắt ra liền. Mà anh có biết lẩu mắm ăn với rau gì không?”. Tôi cố nhớ lại món lẩu mắm được thưởng thức trong mấy quán ăn: “Hình như rau muống, rau nhút, bắp chuối phải không Út?”. Út cười giòn tan: “Quê em không có trồng rau nhút, muốn ăn phải ra chợ, ở đây bông súng mọc đầy, bông súng mà nhúng lẩu mắm, ngon lắm, còn có kèo nèo, bông lục bình, so đũa, điên điển nữa chứ! Quê em mấy loại này mọc đầy ngoài đê!”. Tôi theo Út đi dọc bờ đê, chẳng mấy chốc là có rổ rau ú ụ. Út lém lỉnh:
- Chừng nào anh cưới chị hai em? Chị hai em học giỏi lại xinh đẹp, cả xóm này ai cũng khen!
- Anh cưới chị hai rồi, chị phải về nhà anh sống, Út có buồn không?
- Buồn chớ, em đâu có muốn chị hai lấy chồng mà ba má nói, con gái lớn phải lấy chồng. Mốt anh chị về thành phố rồi, lâu lâu trở lại quê, Út nấu lẩu mắm cho ăn...
Câu chuyện của hai anh em cứ tít tắp như ráng chiều biên giới bảng lảng trong khói đốt đồng. Về đến nhà cũng là lúc mùi lẩu mắm bốc lên thơm phức. Út nhanh nhảu như đang thuyết minh: “Cứ đến mùa nước nổi, cá linh về từng đàn, cá nhiều, ăn không hết, má nhận vài khạp mắm để dành nấu lẩu mắm hay mắm kho, có khi trộn mắm sống ăn với cơm trắng thôi mà ngon hết sẩy. Mắm linh lấy khỏi khạp nấu với nước đến khi con mắm rục rồi lọc lấy phần nước. Má phi hành tỏi rồi cho nước mắm linh vào tiếp tục nấu. Cá lóc sau khi chị hai làm sạch, má đem ướp với chút muối, chút tiêu, nước mắm rồi bắc một cái chảo khác phi sả cho thơm, cho phần cá lóc đã ướp vào xào sơ cho cá ngấm gia vị, cho thêm vài trái ớt hiểm. Cá được cho vào nấu chung với nồi mắm rồi nêm nếm lại cho vừa ăn, thêm chút hành phi, tỏi phi, sả, ớt bằm nhuyễn rồi... thưởng thức thôi!”.
Giữa chiều quê yên ả, Út ra vườn chặt mấy tàu lá chuối lót dưới đất rồi bày nồi lẩu bên góc vườn dưới bụi tre rì rào. Chú hai cười khà: “Lẩu mắm mà ăn ngoài vườn gió mát như vầy mới đúng điệu người nhà quê”. Bếp lẩu sôi riu riu, nhúng rau vào nồi cho vừa chín tới, gắp ra chén, chan thêm nước lẩu rồi thưởng thức món ăn đồng quê đậm đà. Cái giòn sần sật của bông súng, kèo nèo, vị đắng nhẹ đặc trưng của bông so đũa, điên điển hòa với vị mắm và vị béo ngọt của cá lóc đồng càng làm tăng hương vị của món lẩu mắm. Chú hai gắp miếng rau, cắn thêm trái ớt hiểm rồi hít hà, thím gắp cá cho mọi người, cười hiền “ở đây rau, cá tự nhiên, không phân, thuốc gì hết!”. Chú cười khà khà, rót thêm ly rượu nhâm nhi mà nghe bình yên quá đỗi.
Thương em, thương luôn quê em và những con người miền quê hào sảng, chất phác và tôi cũng nghiện món lẩu mắm đồng quê mất rồi! Với tôi, quê em thật hiền hòa và đẹp như một bức tranh, nơi đó còn có cả tình yêu thương bao la của gia đình với những món ăn dân dã nhưng đậm đà tình quê./.
Phương Trinh