Tiếng Việt | English

26/03/2019 - 19:55

Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, công tác dân vận luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh Long An quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Đặc biệt khi phong trào Dân vận khéo (DVK) trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được phát động, các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể tích cực tham gia với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.

Đội tình nguyện xã Long Thượng hỗ trợ người dân xây dựng lò đốt rác

Đội tình nguyện xã Long Thượng hỗ trợ người dân xây dựng lò đốt rác

Vận động giữ gìn vệ sinh môi trường

Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc - Trần Công Dũng cho biết: “Sau khi được công nhận xã văn hóa - NTM, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục tập trung chỉ đạo nâng chất các tiêu chí còn đạt thấp. Trong đó, tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, nhất là việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng đến mỹ quan và sức khỏe cộng đồng, luôn được địa phương quan tâm đặt lên hàng đầu”.

Được biết, trên địa bàn xã hiện có 2.582 hộ dân nhưng chỉ có 160 hộ dọc tuyến Đường tỉnh 835B và các trục lộ chính ở ấp Tân Điền, ấp Long Thới và một phần ấp Long Hưng có đăng ký thu gom rác từ dịch vụ công ích huyện và 1 đơn vị lấy rác dân lập từ TP.HCM. Những hộ còn lại phải tự xử lý rác bằng cách đào hố đốt hoặc chôn nên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa.

Từ thực trạng trên, năm 2018, Đảng ủy xã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về việc “Vận động nhân dân xử lý rác tại hộ gia đình bằng hình thức lò đốt rác”. Đồng thời, chỉ đạo khối vận thành lập “Đoàn vận động nhân dân và tình nguyện xây lò đốt rác hộ gia đình”, góp phần vừa tuyên truyền, vừa đẩy nhanh mô hình đi vào thực tiễn. Đến nay, đội hỗ trợ người dân xây dựng được 120 lò đốt rác với tổng kinh phí gần 65 triệu đồng.

Trở lại Long Thượng những ngày này, chúng tôi nhận thấy cảnh quan môi trường có sự chuyển biến rõ nét. Những bãi rác lộ thiên được các đoàn thể và ban ấp ra quân dọn sạch sẽ. Trên các trục đường chính không còn tình trạng vứt rác bừa bãi mà người dân thu gom rác, đặt đúng nơi quy định để xe lấy rác đem đi xử lý. Những nơi xe lấy rác không đến được thì người dân xây dựng lò đốt rác và tự xử lý tại hộ gia đình.

Ông Nguyễn Minh Hùng, ngụ ấp Tân Điền, phấn khởi: “Khu vực này dân nhập cư đông nên lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày khá lớn. Tuy nhiên, đường sá nhỏ, hẹp, xe lấy rác không thể vào được nên việc thu gom, xử lý rác gặp không ít khó khăn. Sau khi được vận động, rất nhiều hộ dân đã xây dựng lò đốt rác và phân loại, xử lý tại nguồn, không để rác vương vãi ra đường, ý thức bảo vệ môi trường ngày càng nâng lên”.

Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, Long Thượng luôn chú trọng thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Trước khi thực hiện các công trình, phần việc gì, địa phương đều tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Chỉ khi được người dân đồng thuận thì công trình, phần việc đó mới được tiến hành, bởi tất cả đều vì phục vụ cuộc sống của người dân.

Từ khi có lò đốt rác, tình trạng vứt rác  bừa bãi trên địa bàn xã Long Thượng được cải thiệt rõ nét

Từ khi có lò đốt rác, tình trạng vứt rác bừa bãi trên địa bàn xã Long Thượng được cải thiệt rõ nét

Theo ông Nguyễn Công Dũng, ngoài tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc họp của xã, ấp và các chi, tổ hội, ban ấp và các thành viên khối vận còn thường xuyên tổ chức kiểm tra và tuyên truyền đến từng nhà dân. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân. Đông đảo đoàn viên, hội viên và người dân chủ động tham gia cùng với địa phương giữ vững tiêu chí môi trường trong XDNTM.

Hiệu quả từ mô hình “4 an”

Xác định DVK là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của chương trình XDNTM, Đảng ủy xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa chỉ đạo khối vận phân công các thành viên đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình. Đồng thời phát động các phong trào thi đua, xây dựng nhiều mô hình thiết thực gắn với các tiêu chí XDNTM, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia thực hiện.

Nổi bật có thể kể đến mô hình “4 an” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, gồm các tiêu chí: An toàn về an ninh, trật tự; an toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội. Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ An - Lê Văn Sang cho biết: “Mô hình được triển khai từ năm 2017, bước đầu cho thấy hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng, duy trì cho đến nay. Thời gian qua, từng thành viên trong mô hình đều chấp hành tốt các cam kết, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng”.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ An - Bùi Thị Trúc Linh, để thực hiện mô hình này, hội phối hợp Công an xã tuyên truyền, vận động các thành viên không uống rượu, bia khi tham gia giao thông, đội nón bảo hiểm và cài quai đúng quy cách, không chạy xe vượt quá tốc độ cho phép, không chở quá số người quy định, đồng thời giáo dục văn hóa giao thông. Đến nay, qua hơn 2 năm thực hiện mô hình, không có thành viên nào vi phạm tiêu chí này.

Đối với tiêu chí về an toàn thực phẩm, hội vận động các thành viên nắm rõ và thực hiện theo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm hàng ngày như sử dụng hàng hóa, sản phẩm rõ nguồn gốc, không sử dụng hóa chất, phẩm màu trong chế biến thức ăn hoặc buôn bán. Đối với tiêu chí an toàn về an ninh, trật tự, các thành viên vận động gia đình, hàng xóm tham gia thực hiện các mô hình phòng, chống tội phạm, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật,...

Nhằm góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, mỗi thành viên khi tham gia họp lệ hàng tháng còn đóng góp quỹ 20.000 đồng để thăm hỏi khi ốm đau hoặc giúp đỡ thành viên gặp khó khăn đột xuất trong chi hội. Số tiền còn lại, các thành viên trong mô hình dùng để hỗ trợ hội viên nghèo mua bảo hiểm y tế. Qua đó, gắn kết hội viên với nhau, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau trong cuộc sống.

Chị Bùi Thị Trúc Linh cho biết thêm: "Cấp ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo khối vận đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện mô hình, đặc biệt là chỉ đạo chi bộ quan tâm lãnh đạo tổ dân vận phối hợp các thành viên trong mô hình cùng thực hiện. Hàng tháng đều có sự giám sát chéo giữa các thành viên, nếu thành viên nào vi phạm sẽ nhắc nhở, phê bình trước cuộc họp lệ, ngược lại, thành viên nào thực hiện tốt sẽ được biểu dương, khen thưởng để động viên, khích lệ".

Chị Hồ Thị Hoàng Oanh (ấp 4, xã Mỹ An) trồng rau sạch tại nhà để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho gia đình

Chị Hồ Thị Hoàng Oanh (ấp 4, xã Mỹ An) trồng rau sạch tại nhà để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho gia đình

Một trong những thành viên tích cực của mô hình “4 an” tại ấp 4, xã Mỹ An là chị Hồ Thị Hoàng Oanh. Chị Oanh chia sẻ: “Mô hình ở ấp 4 mới thành lập vào đầu năm 2019 với 13 thành viên. Các thành viên đều tham gia rất tích cực bằng nhiều việc làm cụ thể. Riêng gia đình tôi, ngoài tuân thủ các cam kết khi tham gia vào mô hình, tôi còn vận động những người xung quanh cùng tham gia để tạo nên cuộc sống lành mạnh, an toàn cho tất cả mọi người”.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo được sự đồng thuận, tham gia của nhân dân, góp phần cùng các địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, quốc phòng - an ninh, xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết