Tiếng Việt | English

03/11/2021 - 09:48

Đánh thức tiềm năng du lịch sau đại dịch

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Tùy vào đặc điểm địa chính trị, địa lý mà mỗi quốc gia có chiến lược phát triển du lịch khác nhau và xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Thế nhưng, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động bị ngưng trệ, trong đó có du lịch. Cụ thể, doanh thu 9 tháng năm 2021 của ngành Du lịch Long An chỉ đạt 28% kế hoạch. Dự báo, cả năm 2021, tỉnh đón khoảng 350.000 lượt khách (không có khách quốc tế); doanh thu du lịch ước đạt 180 tỉ đồng, giảm 58%.

Long An có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, một loại hình du lịch hòa nhập với thiên nhiên gắn với ý thức trách nhiệm của con người đối với việc bảo vệ môi trường.

Theo Tổ chức du lịch sinh thái quốc tế, du lịch sinh thái là du lịch có ý thức và trách nhiệm đối với môi trường thiên nhiên, như bảo tồn môi trường và bảo đảm lối sống lành mạnh cho người dân quanh khu vực. Đây là một loại hình du lịch mà mỗi cộng đồng trong khu vực có trách nhiệm bảo tồn tính bền vững, hướng tới mục tiêu tạo việc làm cho người dân địa phương, tạo thuận lợi cho người dân làm kinh tế du lịch gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên.

Long An không chỉ nổi tiếng với 2 con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây mà còn có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng tập trung ở vùng Đồng Tháp Mười. Khu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (khu du lịch Cánh đồng bất tận) được mệnh danh là “vườn thuốc” của vùng Đồng Tháp Mười với những loài dược liệu quý, hiếm, được bào chế, chiết xuất tại chỗ.

Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (Khu Ramsar Láng Sen) được công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới, là nơi sinh sống của hơn 150 loài thực vật, khoảng 150 loài động vật. Làng nổi Tân Lập mang vẻ đặc trưng của vùng sông nước với tràm, sen, súng, cùng với hệ động vật phong phú,… Đây là những điều kiện sẵn có để Long An phát triển du lịch sinh thái.

Tạo động lực phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19, các cấp, các ngành tiếp tục cơ cấu lại thị trường du lịch, tăng cường liên kết vùng và thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Tại hội nghị Liên kết du lịch giữa TP.HCM và Long An thích ứng an toàn với dịch Covid-19 diễn ra vào ngày 31/10/2021, lãnh đạo 2 địa phương TP.HCM và Long An cùng các đại diện của 14 đơn vị du lịch đã có những góp ý về thực trạng hạ tầng du lịch của Long An hiện nay.

Cụ thể, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có tính liên kết giữa các điểm du lịch; nhân viên chưa được đào tạo bài bản, chưa thúc đẩy được việc kinh doanh các sản phẩm đi kèm; sử dụng các phương tiện vận chuyển có gắn động cơ ở khu du lịch sinh thái là chưa phù hợp, sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường; ở mỗi khu du lịch thiếu câu chuyện dẫn nhập để thu hút du khách… Bên cạnh đó, cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực còn nhiều hạn chế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út, Long An đã đưa ra quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch có lộ trình đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Năm 2022, dự án nâng cấp tuyến đường từ TP.Tân An về vùng Đồng Tháp Mười với 4 làn xe được khởi công xây dựng, cùng với các dự án hạ tầng giao thông kết nối Long An với TP.HCM và các tỉnh lân cận… sẽ tạo điều kiện để phát triển du lịch. Song song đó, với các chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, Long An đang dành cho các nhà đầu tư cơ hội để phát triển về thương mại, du lịch.

 Với những lợi thế du lịch sẵn có, kỳ vọng tiềm năng du lịch ở Long An sẽ được đánh thức, thích ứng với trạng thái “bình thường mới”./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết