Ở Việt Nam, gan và phổi là 2 loại ung thư tiên lượng xấu nhất. Với ung thư gan, năm 2020, Việt Nam có thêm 26.418 ca mắc mới, 25.272 ca tử vong. Tương tự, ung thư phổi có 26.262 ca mắc mới, 23.797 ca tử vong.
Ảnh minh họa: Muhealth
Những người hút thuốc có nguy cơ cao nhất bị ung thư phổi, mặc dù bệnh cũng xuất hiện ở những người chưa bao giờ hút thuốc.
Nguy cơ ung thư phổi tăng lên theo thời gian và số lượng điếu thuốc bạn đã hút. Nếu bỏ thuốc lá, ngay cả sau khi hút trong nhiều năm, bạn có thể giảm đáng kể khả năng bị ung thư phổi.
Triệu chứng của ung thư phổi
Ung thư phổi thường không gây ra triệu chứng trong giai đoạn đầu. Các dấu hiệu thường xuất hiện khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng gồm cơn ho mới không thuyên giảm, ho ra máu (dù chỉ một lượng nhỏ), hụt hơi, đau ngực, khàn tiếng, giảm cân không lý do, đau xương, đau đầu.
Nguy cơ gây ung thư phổi
- Hút thuốc: Nguy cơ ung thư phổi tăng lên theo số lượng điếu thuốc bạn hút mỗi ngày và số năm đã hút.
- Tiếp xúc với khói thuốc: Ngay cả khi bạn không hút thuốc, khả năng mắc ung thư phổi sẽ tăng lên nếu người xung quanh hút thuốc.
- Từng xạ trị trước đó: Nếu bạn đã trải qua xạ trị vào ngực vì một loại ung thư khác, bạn có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.
- Tiếp xúc với khí radon: Radon được tạo ra do sự phân hủy tự nhiên của uranium trong đất, đá và nước, cuối cùng trở thành một phần của không khí bạn hít thở. Radon có thể tích tụ trong bất kỳ tòa nhà nào.
- Tiếp xúc với amiăng và các chất gây ung thư khác như asen, crom, niken.
- Tiền sử gia đình bị ung thư phổi: Những người có cha mẹ, anh chị em bị ung thư phổi dễ mắc bệnh hơn.
Biến chứng
- Hụt hơi: Bệnh nhân bị khó thở nếu ung thư làm tắc nghẽn đường hô hấp chính. Chất dịch có khả năng tích tụ xung quanh phổi, khiến phổi khó giãn nở hoàn toàn khi bạn hít vào.
- Ho ra máu: Ung thư phổi có thể gây chảy máu trong đường thở, khiến bạn ho ra máu.
- Đau đớn: Ung thư phổi giai đoạn muộn di căn đến niêm mạc phổi hoặc vùng khác của cơ thể, chẳng hạn như xương, gây đau đớn.
- Tràn dịch màng phổi: Ung thư phổi dễ gây tích tụ dịch quanh phổi, dẫn tới khó thở. Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật hút chất lỏng ra khỏi ngực, giảm khả năng tràn dịch màng phổi tái phát.
- Di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như não và xương: Khi đó, bệnh nhân sẽ đau đầu, đau thân thể, buồn nôn. Khi ung thư đã lan ra ngoài phổi, thường không thể chữa khỏi. Các phương pháp điều trị có sẵn chỉ làm giảm triệu chứng, kéo dài thời gian sống.
Ảnh minh họa: Spunout
Cách phòng bệnh
Hiện chưa có cách nào để ngăn ngừa ung thư phổi, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nếu:
- Không hút thuốc: Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, đừng bắt đầu. Nói chuyện với con bạn về việc không hút thuốc để trẻ hiểu cách tránh yếu tố chính gây ung thư phổi.
- Tránh khói thuốc: Nếu bạn sống hoặc làm việc với một người hút thuốc, hãy thúc giục họ bỏ thuốc lá. Ít nhất, hãy yêu cầu anh ấy hoặc cô ấy hút thuốc bên ngoài. Tránh các khu vực có người hút thuốc, chẳng hạn như quán bar.
- Áp dụng chế độ ăn uống đầy đủ rau quả: Đó là nguồn thực phẩm giàu vitamin và chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể.
- Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần: Nếu bạn ít vận động, hãy bắt đầu từ từ. Bạn nên cố gắng tập thể dục thường xuyên./.
Theo Vietnamnet